Cái ăn cứ nghĩ đơn giản chỉ là một cách để duy trì sự sống. Ấy vậy mà nó lại bộc bạch nhiều lắm cái nết người, cái chất sống của từng vùng miền… Người ta có thể chối từ màu da, màu tóc nhưng vấn giữ cái hồn cốt của mình trong nết ăn. Và mè xững chính là một điển hình cho chất Huế trong văn hoá Việt, ẩm thực Việt.
Những khối kẹo mè xững đậm chất Huế
“Kẹo mè xững vừa nhai vừa hát” là câu thơ của một người có tấm lòng yêu Huế tha thiết, muốn trải lòng cùng mảnh đất giàu truyền thống văn hoá này. Lời thơ cũng gợi cho tôi nhớ về một miền ký ức xa xôi của tuổi thơ. Thủa ấy, tôi theo những chuyến hàng của cha mẹ vào Nam ra Bắc. Lần nào cũng vậy, cứ mỗi lần xe qua Huế, tôi đều bắt cha mua cho mình vài phong kẹo mè xững để… “vừa nhai vừa hát”.
Mè xững là ký ức tuổi thơ của người Huế
Những viên kẹo vuông tròn nằm gọn trong tay tôi đã toả một mùi hương hấp dẫn. Vị ngọt béo của đường, bùi bùi của lạc rang, ngậy ngậy của mè, tất cả đã tạo ra sức cuốn hút kỳ lạ với một tâm hồn trẻ thơ thích những điều lạ lẫm. Ở đâu đó, tôi thấy người ta gọi mè xững bằng cái tên khác là “mè xửng”. Dường như biến thể “mè xửng” ấy chỉ nghe thôi đã thấy phong vị Huế bị lấn át đi mất rồi. Phải là “mè xững” - xững dấu ngã mới phản ánh đúng cái âm sắc mượt mà của chất giọng Huế huyền ảo mà mộng mơ.
Mè xững ngọt béo của đường, bùi bùi lạc rang, ngậy thơm của mè
Thưởng thức mè xững Huế cũng là một nghệ thuật, không thể nôn nóng, nếu là người thiếu kiên nhẫn, bạn sẽ không thể cảm nhận hết những tinh hoa chứa đựng trong viên kẹo này. Ăn một thanh kẹo ngon, nhâm nhi ấm trà được ướp từ những bông sen hái dưới hồ Tịnh Tâm, đọc một cuốn sách hay, chỉ đơn giản vậy thôi nhưng với nhiều người thì dường như cuộc sống như vậy đã đủ đầy lắm rồi. Cái bùi giòn của lạc, mùi thơm thơm của vừng và vị ngọt lịm của đường thật hợp với chén trà sen thơm mát. Nâng ly trà đưa lên mũi cảm nhận cái mùi hương thanh khiết, sau đó người thưởng thức nhấp một ngụm trà, ăn một miếng mè xửng, lúc này cái ngọt sắc của kẹo sẽ trở nên thanh nhẹ và đậm đà hơn rất nhiều.
Ở Huế có rất nhiều gia đình có truyền thống làm mè xững
Sau này, mỗi lần có dịp qua Huế, tôi đều nán lại lâu hơn với mảnh đất cố đô. Huế buồn nhưng khiến lòng ta tĩnh tâm cũng như thưởng thức một phong mè xững mà ngẫm nghĩ ra biết bao điều trong cuộc sống. Cứ tưởng mè xững chỉ là một thức quà trẻ thơ, ấy vậy mà nó đã trở thành một món đặc sản theo chân những người con đất Việt sang tận Hồng Kông, Pari. Hiện nay, ở Huế có rất nhiều gia đình làm mè xững nổi tiếng. Nào là Song Hỷ trên đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu), Nam Thuận trên phố Hàng Bè (nay là Huỳnh Thúc Kháng), rồi Hồng Thuận, Thiên Hương, Thanh Bình… tính qua cũng có tới trên hai mươi tiệm mè xững gia đình nổi tiếng. Vậy nhưng, với nhiều người, thì chiếc mè xững ngon nhất vẫn là của tiệm Song Hỷ. Chỉ tiếc rằng cái tên đó giờ chỉ còn là ký ức còn lại trong trí nhớ của nhiều người dân Huế bởi gia đình ông chủ đã chuyển việc kinh doanh này sang đất Mỹ.
Mè xững Huế ngọt lòng du khách
Có nhiều người so sánh mè xững giống với kẹo gôm của Pháp. Không biết liệu có phải vì quá yêu mảnh đất Huế thần tiên hay không nhưng tôi luôn cho rằng kẹo gôm quả thực khó sánh được với mè xững ở cái vị ngon ngọt lưu lại trong lòng thực khách. Phải chăng phong vị Huế, cái thần thái Huế đã chuyển hoá trong từng chiếc kẹo dân dã ấy?.
Cái ăn cứ nghĩ đơn giản chỉ là một cách để duy trì sự sống. Ấy vậy mà nó lại bộc bạch nhiều lắm cái nết người, cái chất sống của từng vùng miền. Có lẽ Nguyễn Dzoãn Cẩm Vân đã đúng khi cho rằng: “với ẩm thực không có thế giới phẳng”. Người ta có thể chối từ màu da, màu tóc nhưng vấn giữ cái hồn cốt của mình trong nết ăn. Và mè xững chính là một điển hình cho chất Huế trong văn hoá Việt, ẩm thực Việt.