Tinh hoa ẩm thực Sài Gòn thường nằm trong những quán vốn đã có từ lâu đời. Không chỉ là quán lớn, đôi khi chỉ là quán vỉa hè, quán cóc nhưng sự tồn tại đã qua nhiều chục năm đến mức ghi dấu ấn khó quên trong lòng thực khách.
Ta có thể điểm qua những quán như:
Bánh đúc vỉa hè hơn 40 năm tuổi
Nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần ngã tư với đường Thích Quảng Đức (quận Phú Nhuận). Quán bắt đầu bán từ những năm 70 của thế kỷ trước, được rất nhiều người biết đến bởi loại bánh đúc ngon, giá cả bình dân. Người ăn có thể thưởng thức tại quán hoặc mua hộp mang về.
Bánh đúc Phan Đăng lưu
Quán bình dân nhưng chất lượng món ăn ngon. Bánh đúc ở đây hấp dẫn bởi màu bánh vàng mơ, đúc nóng được múc vào chén, cho vào một ít nhân thịt băm xào với mộc nhĩ, hành tây và hành phi. Một chén bánh đúc nóng, thêm vào nước mắm và ớt xay nữa, vậy là đã đủ đánh thức bao tử của bạn.
Bánh mềm, nhân thơm và nước mắm ngon, tất cả hòa quyện thật nhuần nhuyễn mang lại vị ngon khó tả và không cảm thấy ngán.
Bánh mì Hòa Mã, ký ức bánh mì Sài Gòn
Trong suy nghĩ của nhiều người, bánh mì là thức ăn nhanh, phù hợp với cuộc sống vội vã. Nhưng trong một con hẻm nhỏ ngay giữa trung tâm Sài Gòn (Quận 3), vào mỗi buổi sáng, rất nhiều người tìm đến đây, ngồi trên những chiếc ghế cũ kỹ, chậm rãi thưởng thức một phần bánh mì thập cẩm trước khi bắt đầu cho một ngày mới.
Phần bánh mì ốp la đặc trưng của Hòa Mã Tiệm nhỏ xíu, xập xệ, bảng hiệu cũ kỹ đã nhuốm màu thời gian nhưng chất lượng bánh mì thì vẫn nguyên hương vị như những ngày đầu. Thành phần của bánh mì ở đây không có gì đặc biệt, cũng ốp la, chả lụa, thịt nguội, pate, đồ chua,... nhưng thay vì cho vào trong ổ bánh mì thì tất cả được chiên vàng trên một chiếc chảo nhỏ nên luôn đảm bảo độ nóng giòn và thơm ngon cho thực khách.
Đã hơn 50 năm, bảng hiệu của quán đã phai màu thời gian, bà chủ ngày ấy giờ đã ngoài 80 tuổi, nhưng ngày qua ngày, vẫn đứng đó thái thịt, chả,... những công việc đã cũ, quen thuộc với thời gian.
Bột chiên Phùng Khắc Khoan
Chủ nhân quán vỉa hè này là một đôi vợ chồng già ngoài 60 tuổi, hai ông bà đã gắn bó với xe bột chiên suốt gần 30 năm qua. Không hàng quán, chỉ đôi ba chiếc bàn được dọn trên vỉa hè ngay góc đường Phùng Khắc Khoan – Điện Biên Phủ (quận 1), chiếc xe bột chiên cũ kỹ như chính tuổi đời của hai vợ chồng.
Bột chiên Phùng Khắc Khoan có độ giòn bên ngoài và mềm bên trong
Cũng như bao xe hàng rong khác ở Sài Gòn, bột chiên ở đây có đầy đủ các thành phần như bột, trứng, đu đủ bào sợi và nước tương. Bột pha với một công thức riêng nên bột chiên xong có màu trắng đục, giòn bên ngoài, mềm bên trong mà không bở. Đĩa bột chiên bắt mắt, thơm phức với màu vàng của trứng, màu trắng đục của bột, bên trên là màu xanh của hành lá, màu trắng của đu đủ thái sợi. Chén nước tương làm món ăn thêm đậm đà và thơm ngon.
Trong những thực khách thường xuyên đến ăn, có rất nhiều người diện quần áo sang trọng, đi xe hơi.
Bánh cuốn Tây Hồ: 50 năm một hương vị
Người Sài Gòn cũng không lạ gì bánh cuốn Tây Hồ khá nổi tiếng ở Đinh Tiên Hoàng. Thương hiệu bánh cuốn Tây Hồ đã được thành lập từ năm 1961 do công cụ bà Trần Thị Cà (1919 - 1996), bí quyết món ăn đã được truyền từ những công thức đặc biệt của gia đình.
Bánh cuốn Tây Hồ đường Đinh Tiên Hoàng quận 1- TPHCM
Hương vị độc đáo từ món bánh cuốn truyền thống kết hợp với gia vị đặc biệt gia truyền, sẽ mang đến cho bạn cảm giác ngon miệng và khác lạ, không gian nhà hàng thoáng mát, lịch sự, cách trang trí các khu vực tầng khác nhau từ truyền thống đến hiện đại. Nếu bạn là người sành về ẩm thực hay muốn tìm một nơi để thưởng thức các món ăn mới lạ hay thư giãn thì sẽ rất phù hợp. Trên đây cũng là món ăn đặc trưng của ẩm thực sài gòn
Phở Hòa Pasteur
Tuy nhiên giá cả ở quán này khá cao so với mặt bằng chung nhưng bù lại thực đơn rất phong phú và lạ.
Phở Hòa
Tọa lạc trên con đường nổi tiếng ở TP.HCM, Phở Hòa Pasteur là một trong những quán phở được người dân thường tìm đến để dùng điểm tâm sáng, bữa ăn trưa và ngay cả bữa ăn tối. Phở Hòa Pasteur được hình thành từ những thập niên 60-70 của thế kỷ trước, cho đến nay là hơn 40 năm.
Khi đến đây, ngoài khung cảnh tấp nập, nườm nượp khách ra vào, chúng ta còn có thể ngửi được hương vị thơm lừng, nức mũi rất đặc trưng. Phở Hòa Pasteur mang một nét riêng độc đáo với tô nước dùng vừa trong, vừa ngọt, cái ngọt nhẹ nhàng của những ống xương được ninh kỹ kèm với gia vị cùng những sợi bánh phở cán mỏng, dai dai, những lát thịt tươi ngon và đĩa rau thơm.
Tất cả hòa quyện tạo nên một tô phở cực kỳ hấp dẫn. Có chứng kiến công đoạn nấu lên một tô phở, chúng ta mới có thể thấy được sự tỉ mỉ, tinh tế của người đầu bếp từ cách chọn nguyên liệu cho đến việc nêm nếm và trang trí món ăn.
Sự thành công của Phở Hòa Pasteur không chỉ nằm ở bí quyết riêng của món phở mà còn trong phong cách phục vụ chuyên nghiệp, nhiệt tình, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Khung cảnh bên trong được thiết kế với lối kiến trúc giản dị, những đôi đũa, chiếc muỗng, cái chén được sắp xếp ngăn nắp, hợp vệ sinh cùng không khí thoáng mát, sạch sẽ với nụ cười nở trên môi của đội ngũ nhân viên luôn đem lại cho thực khách sự an tâm, thoải mái, vui vẻ khi ghé quán.
Có lẽ sẽ không có gì ngạc nhiên nếu bạn bắt gặp hình ảnh của những thực khách quốc tế như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Hàn,… đang say sưa thưởng thức tô phở nghi ngút khói tại đây vì đã từ rất lâu, Phở Hòa Pasteur dường như là địa chỉ quen thuộc của họ khi đến Việt Nam.
Mì vịt tiềm Phan Đình Phùng
Mì vịt tiềm không thiếu ở Sài Gòn, nhưng với những thực khách sành ăn thì quán mì ở góc đường Nguyễn Trọng Tuyển – Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) là địa chỉ quen thuộc không thể bỏ qua.
Mì vịt tiềm Huê Viên Quán có tên là Huê Viên, ra đời vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước. Đến nay, mì vịt tiềm của quán vẫn giữ nguyên được chất lượng cũng như hương vị gia truyền, giúp quán thu hút rất đông thực khách vào mỗi buổi chiều tối. Phần thịt vịt trong bát mì được nhiều người ưa thích. Vịt sau khi làm sạch được ướp với các gia vị phụ như hạt sen, táo tàu, đinh hương, quế… thêm một ít nước tương và mật ong để có màu và thơm ngon. Sau khi thấm gia vị, vịt được chiên giòn bên ngoài rồi hầm cho chín mềm.
Bên cạnh phần vịt tiềm, bát mì cũng thơm ngon với những sợi mì tươi được làm từ trứng, màu vàng rất bắt mắt. Khi ăn, bạn cảm nhận được sợi mì mềm, dai rất ngon miệng, bên cạnh đó là những cọng cải ngọt giòn giòn tạo cảm giác không ngấy.
Xôi Tám Cẩu
Nằm ở góc đường Điện Biên Phủ và Cao Thắng. Q3. TP.HCM, có một xe bán xôi nhỏ, khách hàng là học sinh, sinh viên cán bộ công chức, người lớn tuổi tới mua.
Xôi Tám Cẩu - Cao Thắng Quận 3
Khách hàng nhớ xôi Tám Cẩu vì cái hương vị thơm thơm dẻo dẻo của hạt nếp, và cái béo béo mặn mặn của thịt heo,… đây chính là hương vị đặc trưng của quán xôi này.
Để có một nồi xôi khác biệt với các nơi khác đòi hỏi rất công phu, xôi ở đây vừa mềm, vừa dẻo do được nấu hai lửa, công đoạn cho nước dừa vào nồi xôi cũng phải đúng lúc nồi xôi mới thơm ngon. Ăn xôi tám cẩu mà quên món thịt heo luộc ăn cùng thì mất ngon một nửa.
Để có được những miếng thịt như vậy người nấu phải chọn được thịt nách và ba rọi còn tươi, mang về ướp muối với tỏi, sau đó luộc phải canh thời gian chính xác để vớt thịt ra. Chính vì những cách nấu công phu như vậy, đã làm cho xôi Tám Cẩu nổi tiếng khắp nơi và tồn tại cho tới ngày nay. Tổng hợp