Nhà thờ Đức Bà, từ lâu đã trở thành niềm tự hào của người dân TP. Hồ Chí Minh với kiểu kiến trúc đồ sộ và đẹp, được mô phỏng theo nhà thờ Notre Dame của Paris. Với chiều dài 93m, rộng 35,90m, cao 57m, nhà thờ Đức Bà vừa cổ kính vừa nguy nga tráng lệ.
Về mặt kiến trúc, tất cả các đường nét, gờ chỉ, hoa văn của nhà thờ Đức Bà đều tuân thủ theo kiểu kiến trúc Roman và Gothic. Các cột chịu lực chính được xây bằng các tảng đá lớn; các ô cửa hoa, khung cửa... được xây bằng đá phấn màu trắng (một loại đá rất mềm dùng trang trí cho tường gạch hồng).
Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng tại Sài Gòn - Ảnh: sưu tầm
Đặc biệt, nhà thờ Đức Bà có một bộ chuông lớn gồm 6 quả, chế tạo tại Pháp, và được kiến trúc sư Bourard đưa sang Sài Gòn vào tháng 5/1879. Bộ chuông nặng khoảng 30 tấn (kể cả hệ thống đối trọng), tên gọi được đặt theo các nốt nhạc sol, la, si, đô, rê, mi. Khi xây nhà thờ, gác chuông không có mái. Năm 1885, kiến trúc sư Gardes đã thêm mái chóp vào để che gác chuông với tổng chiều cao tính từ đất là 57m. Những chiếc chuông của nhà thờ được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Song riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật rơ-le điện. Khi đổ cùng lúc sáu chuông, tiếng chuông vang xa trong phạm vi chừng 10km.
Nét cổ kính trang nghiêm giữa lòng đô thị - Ảnh: sưu tầm
Nhà thờ tĩnh lặng yên bình về đêm - Ảnh: sưu tầm
Điều đặc biệt nữa là trong nhà thờ Đức Bà không có chỗ cho nến. Toàn bộ đèn - có từ khi nhà thờ xây dựng xong - đều dùng điện. Nhà thờ khá rộng, có sức chứa tới 1.200 người. Bên trong có hai hàng cột chính hình chữ nhật mỗi bên sáu chiếc tượng trưng cho 12 vị thánh tông đồ. Ngay sau hàng cột chính là một hành lang được chia thành nhiều khoang; mỗi khoang đều có những bàn thờ nhỏ cùng các bệ thờ và tượng thánh làm bằng đá trắng khá tinh xảo...
Diện tích bên trong khá rộng lớn - Ảnh: sưu tầm
Đứng từ bàn thờ chính của nhà thờ nhìn về phía trên cửa chính, sẽ thấy một “gác đàn”, nơi đặt cây đàn organ ống, một trong hai cây đàn cổ nhất hiện nay ở nước ta. Đàn này được các chuyên gia nước ngoài làm bằng tay, khi đàn, âm thanh phát ra đủ cho cả nhà thờ nghe thấy, không nhỏ mà cũng không ồn. Ước lượng phần thân đàn cao 3m, rộng 4m, dài khoảng 2m, chứa những ống hơi bằng nhôm, đường kính khoảng một tấc.
Phía trước nhà thờ là bức tượng Đức mẹ Hoà Bình bằng đá cẩm thạch trắng của Ý. Tượng Đức mẹ trong tư thế đứng thẳng, tay cầm trái địa cầu, phía trên có đính cây thánh giá, mắt Đức mẹ đăm chiêu nhìn lên trời như đang cầu nguyện cho Việt Nam và cho thế giới được hoà bình. Trên bệ đá, phía trước bức tượng người ta gắn một tấm bảng đồng với hàng La ngữ: REGINA PACIS - OPRA PRONOBIS - XVII. II. MCMLIX (NỮ VƯƠNG HOÀ BÌNH - CẦU CHO CHÚNG TÔI - 17/02/1959). Một chi tiết mà hiện nay rất ít người biết, kể cả các linh mục của nhà thờ này. Đó là khi dựng bức tượng, người ta đã đục một cái hốc ở trên bệ đá chỗ giáp với chân tượng Đức mẹ, và đặt vào trong cái hốc đó một chiếc hộp bằng bạc. Trong chiếc hộp đựng rất nhiều những lời kinh cầu nguyện cho Hoà Bình của Việt Nam và thế giới được viết lên trên những lá vàng, bạc, thiếc, nhôm, giấy, da, và đồng. Những lời cầu nguyện này được gửi tới từ nhiều miền của đất nước.
Tượng Đức mẹ Hòa Bình trang nghiêm - Ảnh: sưu tầm
Tồn tại hơn một thế kỷ, với vẻ đẹp trang nghiêm, cổ kính, nhà thờ Đức Bà là một công trình kiến trúc mang tính lịch sử và nghệ thuật cao, tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân Thành phố cũng như du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một điểm tham quan thú vị mà bất kỳ ai đến TP. Hồ Chí Minh cũng muốn ghé thăm.
Công viên kế bên nhà thờ luôn là điểm họp mặt lý tưởng của các bạn trẻ - Ảnh: sưu tầm
Nhà thờ Đức Bà như một cái gạch nối nhẹ nhàng giữa cuộc sống đô thị và đời sống tâm linh. Các cặp vợ chồng mới cưới có thể chụp ảnh bên nhà thờ ở nhiều góc độ với những hoạ tiết kiến trúc đẹp. Cuộc sống diễn ra thường ngày rất tự nhiên. Sáng sớm là hình ảnh đàn chim bồ cầu dưới nắng, chiều tà là lúc phụ huynh đón con giờ tan học bên đường, tối đến có thể bắt gặp người mua thiệp đem đi tặng cho nhau một niềm vui.
Đây cũng là điểm chụp ảnh cưới được yêu thích của các cặp đôi - Ảnh: sưu tầm
Mặc dù nhà thờ Đức Bà đã trải qua trên trăm năm tuổi nhưng ngày nay nó vẫn tồn tại như một di tích sống minh chứng cho sự tư do tín ngưỡng của đất nước. Khách tham quan nước ngoài và trong nước không thể không đến nơi đây, đặc biệt là vào đêm Noel khu vực nhà thờ và trung tâm thành phố biến thành một khu vực lễ hội tưng bừng.
mytourblogs.com - Nguồn: tổng hợp