Tết Nguyên đán luôn có một ý nghĩa đặc biệt với những con người đất Việt. Người ta xem đó như khoảng thời gian thiêng liêng, là giây phút ấm áp, hạnh phúc nhất của mỗi năm. Để chuẩn bị cho dịp Tết vẹn tròn viên mãn, trong phong tục tập quán của người Việt, mâm cơm ngày Tết mang một ý nghĩa quan trọng.
Sum vầy ngày Tết cổ truyền - Ảnh: Sưu tầm
Trên mâm cỗ đủ đầy ngày Tết, người ta nhận thấy sự khác biệt trong văn hóa ẩm thực của mỗi vùng miền. Đó là sự hài hòa, tinh tế trong cách bày biện của người miền Bắc, sự cầu kỳ trong chế biến của người miền Trung hay nét phong phú, đa dạng của những con người miền Nam đầy hào sảng. Tất cả tạo nên một bức tranh muôn màu trong đời sống tinh thần của dân tộc, thể hiện khao khát, ước mơ về một cuộc sống sung túc hơn trong mỗi gia đình.
Bức tranh muôn màu trong mâm cơm ngày Tết - Ảnh: Quang Lâm
Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc - Ảnh: sưu tầm
Mâm cơm ngày Tết của người miền Bắc được chuẩn bị khá công phu, thể hiện một cách rõ nét nhất bản sắc văn hóa lâu đời của dân tộc. Mâm cỗ tết miền Bắc ít nhất phải có 4 bát, 4 đĩa. Bốn bát gồm bóng bì nấu thập cẩm, giò heo hầm măng lưỡi lợn, bát miến nấu lòng gà, bát mọc. Bốn đĩa gồm: xôi, thịt gà luộc, giò lụa, dưa muối.
Chưa kể đến sự hiện diện của bánh chưng xanh và bát nước chấm, tổng cộng tròn 10 món. Theo quan niệm từ xa xưa, số 4 tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương như sự kết nối hài hòa giữa con người với vũ trụ bao la. Số 10 tượng trưng cho sự tròn đầy, viên mãn, như ước mơ về một năm mới, một sự khởi đầu mới đầy may mắn.
Tinh tế trong từng món ăn ngày Tết miền Bắc - Ảnh: Bepnhatom
Trong bữa cơm sinh hoạt của người miền Bắc những ngày Tết không thể thiếu được món thịt đông, đĩa giò thủ, đĩa cá kho riềng hay đĩa nộm su hào và nem rán. Thịt đông phải trong như thạch, ăn kèm với nó là củ dưa hành, miếng cải chua. Các món tráng miệng ngoài các loại mứt như mứt sen, quất, gừng, hồng khô, ô mai mơ, còn có món chè kho, đặc biệt món chè kho được xem là một trong những món ăn chơi rất được ưa chuộng trong dịp Tết đến Xuân về.
Đặc trưng trong bữa cơm sinh hoạt tết của người miền Bắc - Ảnh: Sưu tầm
Ngọt thơm chè kho trên mâm cơm Tết miền Bắc - Ảnh: BNB
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Các món ăn được bài trí khá tinh tế và đẹp mắt, mang nhiều ý nghĩa nhân sinh. Bánh chưng xanh, vuông vắn, tượng trưng cho đất mẹ, thể hiện lòng biết ơn của con cháu với tổ tiên. Miếng giò lụa tròn trịa tượng trưng cho trời. Sự kết hài hòa trên mâm cơm ngày Tết như thể hiện triết lý âm dương hòa hợp, bày tỏ mong muốn của gia đình về một cuộc sống thuận hòa, an lành trong năm mới.
Mâm cúng ngày Tết của một gia đình ở Huế - Ảnh: Wikimedia
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Huế
Mâm cơm cúng miền Trung phải có đầy đủ ba loại “thượng cầm” (chim, gà, vịt), “hạ thú” (heo, bò, dê) và “thủy tộc” (tôm, cua, cá). Người miền Trung cũng sử dụng bánh chưng để bày biện trên mâm cỗ thờ cũng tổ tiên.
Sự cầu kỳ trong mâm cơm tết của người miền Trung - Ảnh: Sưu tầm
Trong mâm cơm ngày Tết của người miền Trung cũng có giò lụa, thịt đông, gà luộc, miến nấu măng nhưng ẩn trong đó cũng mang những đặc trưng riêng của một vùng đất đầy nắng và gió. Những món ăn như gà bóp rau răm, đĩa dưa giá, cuốn diếp gỏi ngó sen, gỏi bao tử, bánh răng bừa hay các món đặc biệt xà lách gân bò, chả tôm, nem bọ lụi, đĩa bánh chưng được thay bằng đĩa bánh tét cắt khoanh tròn ăn kèm với các món dưa mặn ngọt, kiệu muối chua.
Đĩa bánh tét cắt khoanh tròn ăn kèm với dưa muối - Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt, trên mâm cơm ngày Tết của người xứ Huế luôn đặc trưng bởi những bát tôm chua đỏ chót, đĩa thịt luộc được xắt lát mỏng tang ăn kèm với trái vả, rau thơm.
Bát tôm chua đỏ chót trên mâm cơm tết xứ Huế - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Huế
Chịu ảnh hưởng của nền văn hóa ẩm thực cố đô, những món ăn trong mâm cơm ngày Tết miền Trung được chế biến một cách công phu, tỉ mỉ, và trưng bày một cách cầu kỳ đẹp mắt với các tạo hình công, phượng, hoa, lá như phần nào thể hiện bàn tay khéo léo của người phụ nữ chốn kinh kỳ.
Tạo hình công phượng trong các món ăn trên mâm cơm tết xứ kinh kỳ - Ảnh: sưu tầm
Đa dạng mâm cơm ngày Tết miền Nam - Ảnh: Sưu tầm
Không công phu như người miền Bắc, không cầu kỳ như người miền Trung, mâm cơm ngày Tết của người miền Nam thể hiện rõ tính cách hào sảng, phóng khoáng của những con người vùng sông nước. Những món ăn đặc trưng cho kiểu khí hậu vùng nóng luôn xuất hiện trên mâm cơm tết như: thịt kho hột vịt, thịt kho dưa giá, tai heo ngâm giấm, canh khổ qua, giò bì làm từ thịt nạc trộn bì heo, giò thủ làm từ thịt đầu heo, giò lụa làm từ thịt nạc heo.
Nét đa dạng trong mâm cỗ Tết miền Nam - Ảnh: Sưu tầm
Người miền Tây còn bổ sung thêm vài món như cá lóc đồng hấp hay nướng trui cuốn bánh tráng, cá lóc kho nước dừa, lòng heo khìa, giò heo nhồi, lạp xưởng tươi, gỏi ngó sen, gỏi gà luộc xé phay, gà rim nước dừa tươi.
Canh khổ qua nhồi thịt với ước mong tiễn biệt cái khổ của năm cũ - Ảnh: Sưu tầm
Trong đó, thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho nước dừa cùng canh khổ qua nhồi thịt là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm Tết miền Nam. Những miếng thịt kho tàu vuông vắn màu hổ phách kết hợp với những quả trứng tròn trịa, trắng tinh như sự hòa hợp của âm dương, của đất trời hay tâm niệm tiễn biệt cái cái khổ, chào đón những điều may mắn trong năm mới ẩn hiện trong món canh khổ qua là những triết lý nhân sinh trong mâm cơm Tết miền Nam.
Sự hòa hợp âm dương trong món thịt kho tàu - Ảnh: Sưu tầm
Đặc trưng của trong mâm cơm Tết ở vùng đất này là những đĩa bánh tét được cắt khoanh tròn với nguyên liệu và cách làm tương tự như bánh chưng của người miền Bắc nhưng nhân bánh phong phú hơn, ngoài nhân bằng đậu xanh, thịt ba rọi (thịt ba chỉ) còn có bánh tét nhân đậu đen, nhân chuối. Người ta còn sử dụng trứng, tôm khô, lạp xưởng, hạt sen, thịt giò, trứng bắc thảo, đậu phộng, nấm đông cô trộn với nhân đậu xanh để tạo nên những hương vị khác nhau.
Nét độc đáo trong bánh tét của người miền Nam - Ảnh: Sưu tầm
Món bánh tét của người miền Tây còn độc đáo hơn với bánh tét ngũ sắc, bánh tét lá dứa, bánh tét gấc, bánh tét mật cật của người dân đảo Phú Quốc, bánh tét lá cẩm của người Cần Thơ, bánh tét Trà Cuốn của người Trà Vinh.
Gia đình sum họp bên mâm cơm ngày Tết - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh
Có thể nói sự phong phú, độc đáo trong mâm cơm Tết 3 miền đã vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc trong đời sống tinh thần của dân tộc. Mâm cơm Tết mang một ý nghĩa đặc biệt, thể hiện các giá trị tinh tế , còn gì thiêng liêng hơn trong thời khắc chuyển giao của đất trời, chuẩn bị mâm cỗ thịnh soạn tỏ lòng thành kính với tổ tiên, để rồi sau đó, cả gia đình quây quần bên mâm cơm, êm đềm, ấp áp. Có lẽ vì thế, những người con dù bôn ba khắp bốn phương trời cũng sẵn lòng bỏ qua những bộn bề của cuộc sống, trở về nhà ăn bữa cơm sum họp, hưởng thụ những giây phút ấm áp, hạnh phúc bên gia đình.
Loan - mytourblogs.com
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của mytourblogs.com (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại mytourblogs.com..
0 Thích