Trong hành trình đến Hà Giang, nhóm chúng tôi đã có dịp ghé chợ phiên vùng cao Yên Minh, thị trấn nhỏ cách TP Hà Giang khoảng 100 km về phía Đông Bắc. Cũng như các phiên chợ vùng cao khác, chợ Yên Minh chỉ họp vào ngày chủ nhật.
Ngay từ sáng sớm, từng đoàn người đi chợ nhộn nhịp trên các con đường đổ về thị trấn. Nhiều người từ các bản làng xa xôi trên núi cao phải dậy từ nửa đêm, vượt bao đèo dốc để đến Yên Minh. Không gian vốn yên tĩnh nơi này chợt sôi động hẳn lên vào ngày chợ phiên, với đủ sắc màu trang phục: Váy xòe thổ cẩm của người H''''''''''''''''''''''''''''''''Mông, khăn đỏ của người Dao, màu xanh dương váy áo của các cô gái Tày, trang phục chàm của người Nùng…
Người Dao đỏ xuống chợ phiên ở Hà Giang
Bên cạnh những chiếc xe thồ, xe gắn máy… chở đầy hàng hóa là những người đi bộ. Họ mang gùi hoặc đeo sau lưng những bó hàng nặng trĩu.
Chợ phiên Hà Giang
Nhiều phụ nữ chỉ địu con, những cô gái trẻ váy áo rực rỡ đi tay không, những chàng trai cầm sáo, đeo khèn…Với người dân nơi đây, chợ phiên không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà còn là nơi giao lưu, thư giãn và giải trí. Dường như ai đến chợ cũng mặc bộ quần áo đẹp nhất của mình. Mỗi phiên chợ là một ngày hội thực sự sau một tuần vất vả nương rẫy.
Hàng hóa bán tại chợ chủ yếu là các mặt hàng nông lâm, thổ sản
Khoảng 6 giờ sáng, chợ đông nghẹt người. Dù có nhiều ngôn ngữ khác nhau, nhưng người mua, kẻ bán đều dễ dàng hiểu nhau vì ở đây không bán thách hay mặc cả.
Sản phẩm chắt chiu từ cuộc sống lao động nhọc nhằn..
Hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng nông lâm, thổ sản, nông cụ sản xuất, đồ ăn, thức uống truyền thống, đa số là “ cây nhà lá vườn”. Đó là những sản phẩm chắt chiu từ cuộc sống lao động nhọc nhằn trên những vùng đất khô cằn lởm chởm đá tai mèo quanh năm khô hạn: củ đậu (củ sắn), khoai lang, khoai mì, gạo tẻ, nếp nương, cải mèo, cá suối… Rải rác đây đó các bà mế ngồi lặng lẽ trước những mẹt hàng khô, thuốc dân tộc: thảo quả, đậu tương, củ ấu tẩu, hành, tỏi, cây mật gấu, trà núi cao…
Các bà mế đem hàng khô, thuốc dân tộc về chợ bán
Chợ họp suốt ngày, lại là một địa chỉ vui chơi giải trí nên không thể thiếu các nguồn cung cấp thực phẩm: cơm, phở, thắng cố, rượu…Một vài quán có những bao tải đầy ắp xôi còn nghi ngút khói. Chủ quán - những phụ nữ Mông thoăn thoắt xới, xúc, cân, gói…những túi xôi to nhỏ, giá 6.000đ nửa ký…đến khoảng 8, 9 giờ sáng, những bao tải xôi được bán hết veo. Các loại bánh nếp, bánh tẻ, bánh bò (làm bằng bột ngô) cũng khá phong phú. Đặc biệt, trong cái rét vùng cao, món bánh rán vàng ươm, nóng hổi được ưa chuộng nhất. Đàn ông, phụ nữ, trẻ em…ngồi quanh những chảo mỡ đang sôi sùng sục, vừa thổi phù phù vừa nhấm nháp những chiếc bánh dòn rụm.
Các món bánh luôn đắt khách
Ở một góc chợ, đám đông những chàng trai H''''''''''''''''''''''''''''''''Mông đang túm tụm xem và bàn tán về các chú chim mới bẫy được. Người H''''''''''''''''''''''''''''''''Mông thích chơi chim vừa giỏi bẫy chim. Những con chim đẹp, hót hay bán được tiền triệu.
Gia súc được thả rông nên thịt ít mỡ
Phía cuối chợ là nơi bán gia súc gia cầm. Lợn, gà được nuôi bằng ngô, rau, thả rông nên thịt ít mỡ, chắc mà ngon. Những chú lợn được buộc chéo dây qua bụng mang xuống chợ, hoặc được cắp nách, ôm trước bụng, buộc thành một túm quấn quanh chân chủ. Người dân mua, bán gà, lợn bằng cách ước lượng từng con rồi trả giá, chẳng ai cân kẹo gì mà việc mua bán vẫn vui vẻ, suôn sẻ.