Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 80km về phía Tây, suối cá thần Cẩm Lương thuộc làng Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Để đến suối cá, bạn có thể đi trên quốc lộ 217, nối từ Đò Lên, cạnh quốc lộ 1A, hoặc đi theo đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Cẩm Thủy rồi rẽ lên quốc lộ 217. Những du khách yêu thích sông nước có thể đi theo đường thủy dọc sông Mã từ cầu Hàm Rồng hùng vĩ lên địa danh Cửa Hà — Cẩm Thủy .
Suối cá thần Cẩm Lương - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn tại Hồ Chí Minh
Ấn tượng đầu tiên của du khách là hàng ngàn con cá chen chúc nhau bơi lội trong lòng con suối hẹp chừng vài mét. Cá gồm hàng chục loại, với đủ loại màu sắc, kích cỡ khác nhau từ bé bằng đầu ngón tay cho đến 3-4kg và thậm chí là cả 20kg. Nhiều cá sống như vậy nhưng nước ở đây trong vắt, không có mùi tanh và không bị đục. Vào mùa nước cạn, lòng suối chỉ sâu khoảng từ 20 — 40cm, du khách có thể nhìn rõ từng con cá và đưa tay xuống nước vuốt ve chúng.
Hàng ngàn con cá chen chúc nhau bơi lội trong lòng con suối hẹp - Ảnh: Sưu tầm
Cá bơi lấp kín khó có thể nhìn thấy đáy suối - Ảnh: Sưu tầm
Theo các nhà khoa học, cá ở đây thuộc loài cá dốc, cá chài, cá mại… nhưng với người dân thì họ gọi đàn cá bằng cái tên giản dị “cá thần” và bảo vệ, gìn giữ những loài cá này như một niềm tin tưởng vào sức mạnh siêu nhiên. Mỗi khi ra suối vo gạo, rửa rau, người dân đều thả cho đàn cá ít thức ăn. Truyền thuyết kể rằng: điều bất hạnh sẽ xảy đến với ai làm hại một con cá, vì vậy không ai bắt mà cá vẫn sống và trở nên linh thiêng. Hàng trăm năm nay chưa người dân nào chứng kiến một con cá nào chết và dường như chúng ngày một đông.
Xem thêm: Khách sạn tại Thanh Hóa
Người dân gọi đàn cá bằng cái tên giản dị “cá thần” - Ảnh: Sưu tầm
Bên cạnh suối ngọc là đền Rắn linh thiêng, tương truyền đây là vị thần che chở cho đàn cá. Sự tích kể rằng, có có hai vợ chồng nhà kia làm nghề xúc cá ở đồng, một hôm bắt được hai quả trứng, đem về cho gà ấp. Hai quả trứng nở thành hai con rắn. Vợ chồng mang lên núi thả. Đêm đó, rắn về rất nhiều để bảo vệ đàn cá. Sau này, vào đúng ngày này, ở suối cá thường xuất hiện rắn. Người dân lập đền thờ rắn, mong rắn sẽ bảo vệ cho đàn cá và mang lại may mắn cho họ.
Du khách thích thú với những con cá to - Ảnh: Sưu tầm
Ngoài ra, bên tả ngạn suối ngọc còn có đền Ngọc được xây dựng từ thế kỉ XI, có động Cây Đăng với nhiều nhũ tự nhiên, và hệ thống rừng nguyên sinh với các loại động thực vật nhiệt đới thuộc dãy núi đá Pù Luông — Cúc Phương, là nơi cư trú duy nhất của loài Voọc mông trắng — một trong những loài linh trưởng quý giá nhất thế giới.
Xem thêm: Tour du lịch Thanh Hóa
Cá ở đây rất bạo dạn, thường bơi đến khu vực có người - Ảnh: Sưu tầm
Đặc biệt, nơi đây còn có nền văn hóa của đồng bào dân tộc Mường với những nếp sinh hoạt truyền thống: dệt thổ cẩm, uống rượu cần, múa Pồn Pồng… Nhờ suối cá, những người dân vốn chỉ quen với việc đồng áng săn bắt đã biết tận dụng lợi thế để kinh doanh. Họ bán những bức ảnh chụp suối cá, các bộ quần áo dân tộc bằng thổ cẩm, cơm lam, rượu cần…Tất cả đang đợi bạn đến khám phá.
Cảnh tượng hết sức thú vị - Ảnh: Sưu tầm
Vậy còn chần chừ gì nữa mà hè này bạn không đến suối cá thần Cẩm Lương để nhìn ngắm đàn cá kỳ thú có một không hai ở Việt Nam và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những địa danh liền kề.
0 Thích