“Làng Châu Khê tay vàng, tay bạc”. Nghề kim hoàn Châu Khê qua 549 năm, trải bao thăng trầm nhưng ngày càng phát triển. Cùng với nghề, thôn Châu Khê phát triển khá toàn diện, trở thành một làng văn hóa điển hình của huyện.
Theo lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, nghề chế tác vàng bạc xuất hiện ở Châu Khê (xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương) lâu lắm rồi. Từ thế kỷ XV, những sản phẩm nổi tiếng của các nghệ nhân trong làng như: cành vàng, trâm ngọc, chén ngọc…đã được tiến vào hoàng cung cho các bậc đế vương sử dụng. Trải qua hơn 500 năm lịch sử với bao thăng trầm khốn khó, cũng có lúc tưởng như làng mất nghề nhưng tình yêu và lòng quyết tâm giữ nghề của người dân nơi đây đã giúp Châu Khê vững vàng cho đến nay.
Cảnh lễ hội ở Làng làng nghề vàng bạc Châu Khê - Ảnh: Sưu tầm
Ngày nay, tuy làng nghề không còn chế tác những sản phẩm tinh xảo đỉnh cao như trâm vàng, chén ngọc nữa, nhưng những sản phẩm như: lắc, vòng tay, dây chuyền, nhẫn…vẫn nổi tiếng khắp miền. Hơn nữa, với khả năng nắm bắt thị trường nhạy bén, những người dân-người thợ nơi đây còn là những nhà kinh doanh, nhà buôn bán vàng bạc có tiếng. Theo lời ông Phạm Văn Sin, Phó chủ tịch UBND xã Thúc Kháng: “ không kể đâu xa, ở ngay Hà Nội, phố Phúc Tân hay phố Hàng Bạc, số cơ sở kinh doanh và chế tác vàng bạc do người Châu Khê làm chủ có đến 60 cơ sở. Những nghệ nhân có tiếng như cụ Phạm Đình Hòa, Nguyễn Duy Thích, Lê Xuân Tiệp, Phạm Đình Khách, Phạm Đình Hợp…đã và đang bền bỉ truyền dạy những tinh hoa cốt cách của nghề truyền thống cho thế hệ mai sau.
Chế tác tinh xảo của các nghệ nhân ở Làng nghề vàng bạc ở Châu Khê - Ảnh Sưu tầm
Bên cạnh đó, nghề chế tác vàng bạc ở Châu Khê cũng phát triển khá rực rỡ. Cả thôn có 237 hộ gia đình thì có đến hơn 200 hộ làm nghề, 50% số thợ trong làng (400 thợ) đạt tay nghề bậc 4-5/7 và được cấp chứng chỉ của Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá qu ý Việt Nam. Đây thực sự là bước phát triển về chất đáng nể của làng nghề, bàn tay khéo léo của người thợ Châu Khê đã tạo ra những sản phẩm đa dạng về chất liệu, phong phú về kiểu dáng và luôn tạo được sức hấp dẫn đặc biệt với người tiêu dùng.
Làng nghề vàng bạc ở Châu Khê - Ảnh Sưu tầm
Sự phát triển mạnh mẽ của nghề chế tác vàng bạc tại Châu Khê được đánh dấu bằng sự hình thành hẳn một phố nghề tại đây. Nếu như người dân trong làng chủ yếu thiên về chế tác thì tại phố nghề hoạt động kinh doanh lại có phần sôi nổi. Ông Sin còn cho biết, với khoảng 50 cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức giao dịch trung bình hàng tháng tại phố nghề Châu Khê đạt khoảng 2,5 tỷ đồng. Sản phẩm chế tác từ đây được chính người dân làng nghề tỏa đi tiêu thụ khắp cả nước. Sự phát triển mạnh mẽ của nghề đã giúp Châu Khê thoát khỏi đói nghèo vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình, đời sống của người dân ngày một nâng cao, mức thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/năm của người dân Châu Khê còn là mục tiêu phấn đấu của nhiều làng nghề.
Sự phát triển của làng nghề cũng thu hút hàng trăm lao động từ những địa phương lân cận như: Tráng Liệt, Tân Việt, Hưng Thịnh…Điều đáng nói là trước khi vào làm số lao động này được Trung tâm khuyến công (TTKC) tỉnh Hải Dương phối hợp với các nghệ nhân trong thôn tổ chức đào tạo nghề ngay tại các cơ sở sản xuất. Thêm vào đó, TTKC cũng phối hợp với Trung ương Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam tổ chức đào tạo nâng cao tay nghề định kỳ hàng năm và cấp chứng chỉ cho người thợ Châu Khê.
Cảnh lễ hội ở Làng nghề vàng bạc ở Châu Khê - Ảnh sưu tầm
Do đặc trưng của làng nghề sản xuất thủ công là chính nhưng những năm gần đây người dân Châu Khê bắt đầu chú trọng hiện đại hóa phương thức sản xuất. Được sự bảo trợ của TTKC tỉnh, các cơ sở sản xuất của Châu Khê được vay vốn với lãi suất ưu đãi 0,65%/tháng từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Ngân hàng Chính sách với số vốn không hạn chế để đầu tư mở rộng sản xuất. Theo đó, một loạt máy móc như: máy phay, máy phốt, máy cán, máy rúc... được đưa vào sản xuất, nhờ đó năng suất lao động được nâng lên đáng kể.
Tuy nhiên, theo ông Sin: việc phát triển hơn nữa về quy mô của làng nghề hiện khá khó khăn do diện tích đất trống trong làng không còn nhiều, trong khi đó nhu cầu mở rộng làng nghề khá cấp thiết. Do vậy, một khu sản xuất, kinh doanh tập trung hiện là mong ước lớn nhất của người dân Châu Khê./.