Nhà tôi ở chỉ cách đường sắt khoảng ba mươi thước. Ngôi trường Kiêm bị tôi học đến lớp Nhất cũng nằm kề ngay trên đường sắt và đi qua cổng nhà văn Thạch Lam, Nhất Linh. Thời ấy đồng hồ còn rất hiếm, thầy giáo tôi có chiếc đồng hồ quả quýt, thầy hay sai tôi đi bộ từ trường ra nhà ga xem giờ để thầy lên giây và lấy lại giờ. Tôi không hiểu tại sao thầy tính đúng giờ, trừ đi đoạn đường tôi đi và về. Mà đồng hồ nhà ga có chữ số La Mã sao mà chính xác làm vậy. Không cứ thầy giáo mà dân quanh vùng thường lấy tiếng còi tàu, tiếng bánh tàu lăn kình kình làm giờ sinh hoạt. Nhiều bà mệ nói: Thổi cơm đi con, tàu Phòng xuống rồi kia kìa. Hoặc tàu ngược rồi, sao chưa thấy bố nó về nhỉ... Cả ông lão trên chiếc vó bè cũ kỹ bên con sông đào cũng lấy giờ tàu làm cữ cho việc ra sông, hoặc bơi chiếc thuyền thúng ra chiếc vó, nghiêng cái giỏ lấy ít tôm cá sai con vào chợ thị trấn bán cho bữa chiều.
Không ai gọi là Hà Nội, Hải Phòng mà chỉ gọi tắt là tàu lên hoặc tàu xuống. Có khi gọi là tàu Phòng hoặc tàu ngược...
Nhà ga là một dãy nhà dài, bao giờ cũng quét vôi màu vàng như thể quy định từ nghìn năm trước. Có 6 gian thì hai gian cho ông sếp ga, hai gian cho hai ông ký ga, một gian làm phòng đợi tàu gọi là san đát tăng (tiếng Pháp, nhưng ai cũng gọi thế thành quen, không ai nghĩ nó là tiếng Pháp nữa). Gian đợi tàu không kê tí đồ đạc nào, ngoại trừ một cái cân bàn to tướng để cân hàng, kể cả con lợn bị trói, lồng gà hay bao gạo. Khách cần đợi tàu thì tìm góc tường ngả lưng mà đợi, bao giờ có còi tàu từ xa vang lại thì ùa nhau qua cửa, ông ký ga có cái kìm bấm tách một cái, rơi ra một hạt tròn tròn từ tấm vé. Một gian phòng nữa là văn phòng, đồ đạc lủng củng, bao nhiêu là bàn ghế, tủ đựng vé, tủ đựng tiền, tủ đựng đèn xanh đỏ, cờ xanh đỏ, và có một cái bàn máy, luôn có tiếng tạch tè, đó là chỗ ông ký ga nói chuyện với ga phía trên và ga phía dưới mà không hề có dây nói a-lô bao giờ (cho đến Cách mạng Tháng 8). Máy gõ bằng tay, có người gọi là “ma níp”, và được ghi vào cuộn giấy khổ nhỏ chỉ bằng ngón tay, nhưng cuộn vào bánh xe, nó dài, dài như ước muốn của bọn trẻ chúng tôi mong có một cuộn mà làm đuôi diều, nhưng không bao giờ có được...
Ngoài ngôi nhà 6 gian ấy còn vài gian phụ ở cách xa, là nhà của hai ông già gác ghi, luôn mặc quần áo xanh, cũng chỉ quét vôi vàng và núp dưới bóng mát cây bàng cổ thụ. Mấy ông này có mấy người con gái rất đẹp, mà tôi hay đi theo vì các anh lớn tuổi thường sai bọn “nhóc” chúng tôi đưa những lá thư tình, thư nói gì không biết, nhưng các chị nhận được thư thế nào cũng ôm lấy tôi và hôn chùn chụt, cứ như tôi là người viết thư, và hương bồ kết, hương nhu, hoa ngọc lan làm tôi về còn vui thích mãi...
Nếu nhà ông gác ghi dễ vào bao nhiêu thì nhà ông xếp ga khó đến gần bấy nhiêu. Có một cái gì rất cách biệt giữa dân phố ga (nơi có gia đình tôi) và các ông ấy. Lúc nào ông cũng quần áo vàng, đi giày tây oai vệ, tay cầm chiếc còi có sức mạnh phi thường, bắt con tàu đỗ lại hoặc cho phép con tàu chuyển bánh. Những chiếc đầu tàu không biết bao nhiêu tuổi, bao giờ cũng màu đen, tỏa khói, “nồi súp de” hơi nhỏ, nên ống khói khá dài. Gần tháng 8 năm 1945 mới xuất hiện loại đầu tàu to, gọi là đầu tàu Quảng Sĩ, ống khói thấp, còi vang to hơn, hai bên đầu tàu có hai tấm lá chắn vừa to vừa chắc, nhưng cái đói năm ất Dậu, những người đi buôn gạo, bất chấp lá chắn ra sao, cứ quăng bừa các đó gạo, bao gạo lên thành đoàn tàu, mặc kệ cái lá chắn, mặc kệ cả toa chở than chở nước gọi là “Tăng đe”. Gạo đi Hà Nội, Hải Phòng... Trong khi Ga Cẩm Giàng ngày nào cũng có người chết đói ở phòng đợi, ở sân ga, ở cửa mấy hiệu tạp hóa Hoa kiều mà chính mấy ông gác ghi phải đem họ đi chôn ngoài nghĩa địa thị trấn.
Nhưng con tàu vẫn đi và về rất đúng giờ. Tôi cũng không hiểu Hà Nội ở đâu, Hải Phòng là đâu, chỉ biết nghe tiếng còi tàu và ngóng theo từng chuyến tàu đi, khuất vào chỗ đường vòng, cái đĩa màu đỏ ở toa cuối cùng dần khuất hẳn. Những lúc có con tàu đi qua cửa trường, thầy giáo tôi bao giờ cũng ngừng giảng bài, ngóng qua cửa sổ nhìn theo đoàn tàu khuất bóng, cứ như nó mang theo đi của thầy một cái gì đó đầy luyến tiếc không thể không ngóng theo, không thể lạnh lùng vô cảm... Sau này lớn lên tôi mới hiểu rằng đời sống các thầy giáo ở một thị trấn hẻo lánh cũng không vui vẻ gì, và đoàn tàu đi, đi về một nơi nào đó, cũng là một phần mơ ước đổi thay của các thầy, vì thế mà sau tháng Tám, có thầy đã đi theo cách mạng, có thầy thành phụ trách thiếu niên, tôi cũng có mặt trong đội thiếu nhi ấy, thầy cho phép gọi thầy bằng anh: Anh đồng chí.
Những năm đó chưa hề xuất hiện đầu tàu diezel cũng như taxi. Ga Cẩm Giàng có một loạt xe tay kéo, luôn đỗ thành dãy ở sân ga. Dân Hà Nội nhiều người giàu có, làm nghề buồn bán vàng bạc, người vùng Châu Khê, Kẻ Sặt, Thanh Miện, Phù ủng, mỗi lần về thăm quê thường phải xuống Ga Cẩm Giàng. Thuận tiện nhất là ngồi xe tay kéo đi tiếp về quê với khoảng cách một vài chục cây số, không nhanh lắm nhưng rẻ tiền và bình dân. Cũng có thời có xe ô tô chạy bằng than, phía trước có cái bảng viết chữ G to tướng, nghĩa là ô tô chạy bằng Gazôzen, và sau đó có vài cái xe ngựa bánh lốp ô tô. Nhưng hình như có chuyện đánh nhau lộn xộn, rồi các loại xe mất hẳn, chỉ còn xe tay kéo, nghe đồn là những người kéo xe phản đối vì họ bị cướp mất miếng cơm, mà nhà ga thì không thể can thiệp.
Thi thoảng có toa tàu “cháy bánh” phải cắt lại để sửa chữa, nó nằm ở đường sắt nhánh phụ. Đó là những ngày thần tiên của bọ trẻ chúng tôi ở xóm ga. Tha hồ lên đấy mà chơi, mà ngồi vào hai hàng ghế dọc theo toa, mà tưởng tượng mình đang đi Hà Nội hoặc Hải Phòng, tiếng đầu máy và còi tàu vang lên từ miệng chúng tôi, chân thì giậm xuống sàn làm tiếng kình kình của bánh tàu chạy qua chỗ nối hai thanh ray... Cũng lạ, những hôm ấy, ông xếp ga cấm bọn tôi qua cửa ga vào đường “ke” cũng như cấm luôn bạn bè tôi phải đi bán hàng cho khách đi tàu từ tấm mía, túm nhãn, cốc nước vối, khuôn xôi nén, mớ lạc luộc...v.v...
Ga Cẩm Giàng còn có một két nước khá cao, là nơi cung cấp nước cho đầu tàu, bơm lên bằng máy bơm to của Pháp mang sang, sản xuất từ thế kỷ XVIII, nó kêu kình kình suốt đêm như tiếng ma (bọn trẻ chúng tôi tin rằng chính là ma kêu). Két nước này đã thành kỷ niệm gần nửa thế kỷ của Cẩm Giàng, vượt qua cả thời chống Mỹ, đến khoảng giữa năm bảy mươi nó mới bị ngành đường sắt phá đi mà dân Cẩm Giàng còn tiếc mãi.
Thấm thoát đã 60 năm trôi qua, từ năm đói ất Dậu, năm 2005 này lại trở về ất Dậu, tròn một Hoa Giáp. Tôi xa Ga Cẩm Giàng từ thuở ấy, nhưng hình ảnh một nhà ga, có chỗ đường sắt cong cong, con tàu vào ga phải qua một cây cầu sắt nó kêu lên, nó rên rỉ, và không hiểu vì sao nó chỉ được lát phẳng một nửa mặt cầu, còn nửa kia chỉ có tà vẹt và đường ray, nên không ai dám bước qua, sợ lọt chân xuống dòng sông quanh năm lờ lững bèo tây bèo ta và mấy chiếc vó bè trong cô liêu lặng lẽ...
Lớn lên, tôi đã đi khá nhiều nơi, theo khắp 5 ngả đường sắt trên toàn đất nước. Có độ dốc cao, có đường dài, có vực sâu, có những nhà ga đồ sộ như Ga Hà Nội, Ga Đà Nẵng, Ga Huế, Ga Sài Gòn và các ga vùng biên giới... Con tàu cũng đã thay đổi từ đầu máy đến toa xe, từ ông sếp ga đến cô nhân viên soát vé mặc đồng phục, đội mũ kê-pi... Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh Ga Cẩm Giàng nhỏ bé một thời, phòng đợi tàu nhỏ hẹp, văn phòng có chiếc máy bấm vé kêu lên “cậm cành” như một tiếng chim, một loài chim gì tôi không biết, và những con người sống bám vào nhà ga từ người gác ghi, người phu bơm nước đến những bác những chị buôn bán nhì nhằng quà bánh, đuổi theo từng chuyến tàu để bán cho khách ngồi trong toa...
Năm 1945, tháng ba, Nhật đảo chính Pháp, tàu ngừng hoạt động mấy ngày. Người dân phố ga ngơ ngác không biết sống bằng gì. May sao tàu lại chạy và tiếng còi tàu lại làm đồng hồ cho nhiều sinh hoạt một vùng...
Ngày nay, nhiều khách đi tàu, mỗi lần tàu qua Ga Cẩm Giàng, lại ngó qua cửa sổ, tìm ngôi nhà giữa một trang trại gần ga, đó là gia đình bà cụ Thông Nhu - nhà của mấy anh em nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và được yêu mến nhất là Thạch Lam. Nay quãng ấy chỉ còn là một kho lương thực của huyện Cẩm Giàng và con tàu ngược con tàu xuôi vẫn làm cho thị trấn này đỡ bao nhiêu vắng vẻ tịch liêu. Tiếng còi tàu ồn ã lên giây lát. Nhịp bánh xe và hình ảnh những toa tàu nối vào nhau đi theo sự chỉ dẫn của làn khói con tàu bay ngược... cũng làm cho thị trấn có thêm sinh khí... Chỉ không hiểu những người rời khỏi Cẩm Giàng ra đi như tôi và những con tàu xuôi ngược qua Cẩm Giàng cách đây 60 năm, có ai còn nhớ, có con tàu nào còn trở lại?
Mùa xuân thì năm nào cũng trở lại. Nhưng con tàu thì ai mà biết được, kể cả màu vôi vàng của tường ga, những thanh ray nằm trong sương nắng trước mặt nhà ga...
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hải Dương
- Ga Cẩm Giàng nằm ở tỉnh Hải Dương, thuộc miền Bắc Việt Nam.
- Có thể đi bằng xe ô tô hoặc xe khách, khoảng cách từ Hà Nội đến Ga Cẩm Giàng là khoảng 70km.
- Ga Cẩm Giàng là một trong những ga tàu lớn nhất ở miền Bắc, đây là nơi giao thoa giữa đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và đường sắt Hà Nội - Quảng Ninh.
- Ga Cẩm Giàng cũng là nơi tập trung nhiều hàng hóa và người đi lại, đặc biệt là trong các dịp lễ tết.
- Tại Hải Dương, có nhiều khách sạn từ 2 đến 4 sao như Khách sạn Hải Dương, Khách sạn Thanh Hà, Khách sạn Hải Âu, Khách sạn Hải Đăng...
- Tại Hải Dương, có nhiều địa điểm du lịch như Chùa Kinh Dương Vương, Đền thờ Ngô Quyền, Công viên Thống Nhất, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Đồng Lộc...
0 Thích