Vào dịp đầu năm, tại Làng Triều Khúc, Hà Nội thường diễn ra một lễ hội vô cùng độc đáo được mang tên gọi "điệu múa Con đĩ đánh bồng". Điệu múa này được các chàng trai giả gái múa, quan trọng nhất trong điệu múa này là biểu cảm và khuôn mặt.
Xem thêm: Khách sạn giá tốt tại Hà Nội
Chiều 8/2 ( tức mồng 9 tháng Giêng) dân làng Triều Khúc tưng bừng mở hội. Bên cạnh nghi lễ rước sắc phong, màn múa “con đĩ đánh bồng” cũng là tâm điểm thu hút sự quan tâm của người dân trong làng và du khách thập phương nhờ sự độc đáo.
Những động tác vô cùng uyển chuyển đến từ cánh mày râu Hà Nội - Ảnh: Sưu tầm
Lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) diễn ra từ ngày mồng 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm. Theo tương truyền, Bố Cái Đại Vương từng thao luyện binh mã tại đây, vì vậy sau khi ông qua đời, dân làng đã tôn ông lên làm Thành hoàng làng. Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân làng Triều Khúc lại mở hội để cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân dân no ấm.
Nếu có dịp đến làng Triều Khúc vào đúng ngày lễ hội (từ ngày 9 đến 19 tháng giêng âm lịch), tất cả du khách đều bị thu hút bởi những chàng trai đánh phấn bôi son, mặc áo mớ ba mớ bảy múa ở sân đình. Không chỉ có thế, những “con đĩ” này còn liếc mắt đưa tình, trao cho nhau những cử chỉ tình tứ không khác gì những cô gái thực thụ.
Nhờ đặc điểm đó múa bồng trở thành một trong những điệu múa đặc sắc nhất của Việt Nam.
Múa bồng - Một trong những điệu múa đặc sắc nhất Việt Nam - Ảnh: Sưu tầm
NGUỒN GỐC CỦA CON ĐĨ ĐÁNH BỒNG
Ông Triệu Đình Hồng, chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa bồng - múa chạy cờ Triều Khúc, cho biết điệu múa này có từ thời Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường tại thành Tống Bình (nay là Hà Nội).
Ông đã chọn làng Triều Khúc làm đại bản doanh để nghỉ ngơi và khao quân. Do không có phụ nữ nên ông đã cho những chàng trai giả gái múa điệu bồng để khích lệ quân lính. Kể từ đó, điệu múa bồng đã trở thành điệu múa truyền thống không thể thiếu trong các lễ hội của làng Triều Khúc.
Giả gái là một truyền thống không thể thiếu của tập tục này - Ảnh: Sưu tầm
“Khi ấy còn trọng nam khinh nữ nên phụ nữ không được vào đình. Đó cũng là một trong những lý do có điệu múa bồng ngày nay”, ông Hồng cho biết thêm.
NHỮNG CHÀNG TRAI DŨNG CẢM
Để được tuyển chọn vào đội Con đĩ đánh bồng, trai làng phải đáp ứng một số điều kiện như: ngoan ngoãn, hiếu học, gương mặt tuấn tú và có dáng người dong dỏng. Tuy vậy, cuộc sống hiện đại đã khiến thanh niên ngại tham gia các lớp học múa bồng.
“Bôi son, trát phấn, đi lả lướt như con gái làm cho chúng tôi mới bước vào học rất ngại ngùng. Nhưng vượt lên những khó khăn ban đầu đó, chúng tôi đã thực sự yêu thích điệu múa này”, anh Nguyễn Huy Công, một trong hơn 20 thành viên của câu lạc bộ, nói.
Vượt qua sự ngại ngùng ban đầu, các chàng trai rất thích thú khi múa - Ảnh: Sưu tầm
Trong điệu múa bồng, những nam thanh niên phải thể hiện được cái hồn của điệu múa. Đó là chân tay phải lả lướt, ánh mắt đong đưa và sự phối hợp nhịp nhàng của hai người múa cặp với nhau. Đó là hai nguyên nhân khiến múa bồng giờ đây rất khó tuyển được người theo học.
Điều khích lệ những chàng trai “dũng cảm” trở thành “con đĩ” chính là sự hào hứng của những người đến xem. Ánh mắt thích thú, nụ cười sảng khoái khiến những người như Công tự hào vì đã góp một phần sức lực nhỏ bé để lưu giữ điệu múa hồn cốt của dân tộc.
Bản thân điệu múa bồng đã là một nét hấp dẫn khó cưỡng - Ảnh: Sưu tầm
“Thực sự rất hay và tuyệt vời. Chính điệu múa bồng đã khiến tôi không năm nào có thể bỏ được lễ hội truyền thống của làng Triều Khúc”, bà Nguyễn Thị Vân (Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) hào hứng nói.
Điệu múa bồng giờ không chỉ còn bó hẹp trong lễ hội của làng mà còn được mời biểu diễn ở nhiều nơi như đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đêm hội kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, phủ Tây Hồ, lễ hội Gò Đống Đa…
Điệu múa "con đĩ đánh bồng" còn gọi là "múa bồng". Đây là điệu múa truyền thống không thể thiếu trong nghi lễ rước sắc phong của hội làng Triều Khúc. Những bước nhảy vừa linh hoạt, vừa thướt tha của các chàng trai đóng giả gái hòa cùng nhịp trống dồn dập làm say lòng tất cả những người đến xem hội.