Khi Tiếng nói Hà Nội vang lên là khi lòng tôi chùng chình những cảm xúc yêu thương khó cất lời. Tôi yêu Hà Nội, yêu từng chút rung cảm nhỏ nhoi với thủ đô ngàn năm văn hiến, yêu những hoa và máu vì nơi đây mà đổ xuống, yêu những nét thời gian kết đọng trên từng dấu tích sử. Và bởi thế, tôi cũng yêu và yêu lắm cây cầu Long Biên – phần kí ức hào hoa – phần di sản của tình yêu và máu thịt người Hà Nội.
Tôi đứng đây trên nhịp cầu Long Biên lộng gió.
Dưới chân cầu Hồng hà vẫn nghìn năm sóng vỗ.
Hà Nội hiên ngang tay súng sẵn sàng
Tôi lắng nghe từng phố phường thân yêu đang vọng về đây
Tiếng nói sớm chiều
Từ lâu, Long Biên đã là một phần máu thịt của Hà Nội - Ảnh: HoangGiaTrang
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Hà Nội
Được khánh thành năm 1902 sau 3 năm sau dựng, cây cầu và mối tình trăm năm trải dài 3 thế kỷ người ấy luôn đẹp đẽ đến tê lòng. Những vết thương bởi bom đạn và cả sự vô tình của thời gian đang bào mòn trên thân thể không khiến nó mất đi sức hút đối với từng người con đất Việt.
Long Biên – cây cầu của ba thế kỉ - Ảnh: Geoff Hunter
Người ta đã không ngoa khi ví Long Biên như tháp Eiffel nằm ngang bởi những độc đáo về kiến trúc mà cây cầu đang có. Cùng với tháp Eiffel, cầu Long Biên là một trong 4 công trình có giải pháp thiết kế kiểu giàn treo trên thế giới. Tuy kiến trúc sư nổi tiếng Eiffel không phải là cha đẻ của cây cầu này, nhưng công ty xây dựng của ông chính là nơi đã phác nên những nét bút đầu tiên cho dáng dấp và huyền thoại muôn đời của một chứng nhân tình yêu và lịch sử.
Sự độc đáo trong từng chi tiết của cây cầu - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Cầu vốn được xây dựng với mục đích nối liền giao thông giữa hai bờ sông Hồng phục vụ thực dân trong những chuyến giao thương kinh tế. Nhưng không biết từ khi nào, cây cầu ấy lại như một thực thể sống, tồn tại với ý niệm gìn giữ tất cả hồn cốt của Hà Nội trong những giây phút bom rơi đạn giật thời chiến, giữ gìn tâm tình người Hà Nội trong những chuyến hàng rong, giữ gìn tình yêu Hà Nội trong từng lời hẹn ước. Cầu chính là biểu tượng cho tài hoa từ khối óc và con tim của cả một thế hệ người.
Từ lâu, cây cầu đã gắn liền với đời sống của người Hà Nội - Ảnh: HaThanh
Khi mới hoàn thành, cầu mang tên của toàn quyền Đông Dương thời đó, là Paul Doumer. Người dân còn gọi cầu bằng những cái tên khác, ấy là cầu Bồ Đề hay cầu sông Cái. Nhưng có lẽ, chỉ có tên Long Biên mới xứng đáng nhất với cái dáng vẻ và khí chất toát lên từ mỗi nhịp cầu. Long Biên là nơi Rồng ngự, nơi tài hoa hội tụ và đắp bồi.
Sắc Long Biên - Ảnh: sưu tầm
Từng mảnh thép đính trên cầu là từng câu chuyện. Ta trông thấy được chiều dài của thời gian lịch sử với những máu, những bom, những lớp người nằm xuống; ta thấy chiều sâu của văn hóa với những nét sinh hoạt hình thành tự nhiên và cố hữu trong suy nghĩ của từng lớp con người gắn với cuộc sống nơi đây; ta thấy được chiều rộng của không gian khi trải dọc tổ quốc này, có lẽ rằng không ai không biết tới và yêu cây cầu huyền thoại.
Cầu từng bị sập 2 lần trong chiến tranh - Ảnh: sưu tầm
Ngày xưa, khi xây dựng cầu, người Pháp đã chi tới 6.200.000 franc cùng sự thi công của hơn 3000 công nhân bản xứ và khoảng 40 giám đốc, kỹ sư, chuyên gia và đốc công người Pháp – những con số không hề nhỏ thời đó, tuy nhiên, những gì thu lại quả thực đáng tự hào.Tại một nơi nhỏ bé trên thế giới, trên bãi bồi của dòng sông nặng phù sa văn hóa, tồn tại một cây cầu thép có kiến trúc đẹp nhất và dài nhất, đồng thời cũng sớm nhất ở xứ Ðông Dương, cầu có dáng dấp của một con rồng đang uốn lượn hài hòa với tên gọi Thăng Long của thủ đô Hà Nội. Đây là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng. Nó cũng là một trong 4 cây cầu lớn nhất thế giới thế kỉ 20 chỉ xếp sau cây cầu sắt Broocklin bắc qua Sông Đông (East River) của Mỹ, là cây cầu nổi bật nhất ở Viễn Đông thời đó.
Long Biên - 1 trong 4 cầy cầu lớn nhất thế kỉ XX - Ảnh: sưu tầm
Nếu như giới nghiên cứu văn hoá lịch sử nhìn cầu Long Biên như một di sản, một biểu tượng văn hoá thì người Hà Nội coi cầu Long Biên thân thương như một kỷ vật không thể đánh mất. Nếu như giới văn học nhìn cầu Long Biên như một nàng thơ kiều diễm thì dân nhiếp ảnh, kiến trúc sư nhìn cầu Long Biên như một tác phẩm đầy cảm hứng nghệ thuật. Nếu như người Pháp coi cầu Long Biên là mạch giao thông nối liền Bắc – Nam đất nước phục vụ cho những chuyến hàng vơ vét từ thuộc địa thì người Việt Nam coi cầu Long Biên chính là đôi mắt thời gian thấu suốt những đau thương, nhọc nhằn lẫn hạnh phúc của bao thế hệ con người.
Cầu Long Biên là cảm hứng nghệ thuật của biết bao con người - Ảnh: ThnhMm
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Long Biên - Hà Nội
Có một nhà thơ đã lấy biểu tượng 19 nhịp cầu để viết nên trường ca tình yêu với 19 nhịp thương nhịp nhớ. Không thương không nhớ làm sao khi mà hơn một trăm trôi qua in hình lên cây cầu không biết bao nhiêu câu chuyện. Người ta kể chuyện những khó khăn khi xây dựng cầu, kể chuyện có một phố Lò Rèn ra đời từ những đinh những vít, kể chuyện người dân đôi bờ ôm nhau giữa cầu mà mắt tràn lệ, kệ chuyện những mưu sinh trên bãi giữa sông Hồng... Cầu Long Biên là một phần của thủ đô Hà Nội, vì thế mọi biến cố có tầm vóc quốc gia hay nhỏ nhặt như đời sống xảy ra tại Hà Nội đều có sự chứng kiến và tham gia của cây cầu.
Cuộc sống bên cầu - Ảnh: sưu tầm
Tôi chợt nghĩ…
Nếu thực sự không còn Long Biên, sẽ thế nào?
Nó liệu có đau như rời xa mối tình sâu đậm?
Long Biên biến mất!
Tôi thất tình!
Cả Hà Nội sẽ thất tình!
Người Pháp hay người Việt Nam rồi cũng đều thất tình đến ngây dại!
Đất nước thay đổi, thủ đô thay đổi nhưng giá trị biểu tượng của cầu Long Biên vẫn mãi trường tồn, cứ như vậy hiền hòa và trở che với nhịp sống đôi bờ.
Hằng Leo - Mytour.vn
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền Mytour.vn. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.
0 Thích