Những câu chuyện dân gian, người đời kể lại hoặc sách vở ghi chép về đạo làm người, hiếu thảo với tổ tiên, ông bà… đã trở thành tiềm thức trong mỗi người Việt Nam và bức tranh vẽ trên kiếng treo trong nhà hay để thờ là biểu hiện của sự tôn kính đó. Đối với dân Campuchia, nhiều gia đình ở trong các phum, sóc cũng rất thích sản phẩm tranh kiếng.
Tồn tại gần một thế kỷ, nghề vẽ tranh trên kiếng tại cù lao Chợ Mới (An Giang) tạo ra những sản phẩm tinh thần độc đáo. Đã có thời, hầu như gia đình nào ở Nam Bộ cũng có bức tranh kiếng treo trang trí trong nhà.
XUẤT PHÁT TỪ TÍN NGƯỠNG:
Tranh kiếng An Giang - Ảnh: Sưu tầm
Đây là nét văn hóa rất độc đáo, vừa mang tính tín ngưỡng, vừa gắn liền với đời sống người dân vùng sông nước vì đa phần đều theo đạo Phật. Do vậy, bức tranh vẽ trên kiếng ở cù lao Chợ Mới hòa quyện được 2 yếu tố là dân gian và tôn giáo. Chẳng hạn như, gia đình thờ cúng ông bà thuần túy, người ta mua bộ tranh “Cửu Huyền Thất Tổ” để thờ (1 khuôn lớn, 2 khuôn liễn đứng, 2 khuôn chắn ngang đầu trên và bên dưới, 1 khuôn “Phước – Lộc – Thọ”) và gia chủ có thể “chế bớt” 1 hoặc 2 khuôn chắn ngang, tùy theo không gian của căn nhà mà bố trí.
TÀI HOA CỦA HỌA SỸ DÂN GIAN
Theo nhiều người dân, nghề tranh kiếng ra đời khoảng 100 năm. Người đầu tiên có công mang nghề từ Lái Thiêu về là ông hai Luông (đã qua đời). Đến khoảng năm 2000 ở xã Long Giang, Long Điền B xóm nghề có khoảng vài chục hộ sống sung túc với nghề. Song nghề cũng bắt đầu thoái trào. Hiện trên địa bàn huyện chỉ còn 3 hộ làm nghề tranh kiếng với chưa đến 30 lao động.
Gần 30 năm gắn bó với nghề, ông Huỳnh Minh Quang, 68 tuổi, ngụ xã Long Giang đã cho ra đời nhiều bức tranh sống động, đáp ứng thị hiếu của người dân… Để duy trì sản xuất đến ngày nay do ông Quang có cách kinh doanh hiệu quả. Bên cạnh những loại tranh phải theo khuôn mẫu sẵn (Cửu Quyền Thất Tổ, thần thánh…), tranh phong cảnh được ông Quang chú ý nhiều. Nghe người mua góp ý, thích kiểu gì mới là cơ sở làm theo.
Xem bức tranh phong cảnh đầm hoa sen rất đẹp, ông cho biết: Tranh bán rất đắt trên địa bàn Đồng Tháp, bởi chiếm được cảm tình với người dân nơi đây. Sen gắn liền là biểu tượng của quê hương Tháp Mười. Ông cho biết thêm, mẫu tranh về phong cảnh núi Cấm đã chào hàng dân phố núi và tạo được ấn tượng tốt với khách hàng.
Du lịch An Giang - Ảnh: Sưu tầm
Trước kia, tranh được vận chuyển chủ yếu bằng đường thủy. Thương lái bán tranh góp phần giúp cho sản phẩm tranh kiếng gần gũi hơn với người dân. Qua chuyến bán hàng ở các nơi, những lời góp ý, tâm sự của người mua thông qua họ sẽ đến “tai” thợ vẽ để cho ra ý tưởng mới, đáp ứng thị hiếu. Thông qua ý kiến của thương lái chở tranh đi tứ xứ ông Quang tính toán xem loại tranh nào bán chạy hàng để đầu tư vào. Đời sống kinh tế của người dân nông thôn khấm khá hơn nên tranh vẽ về đề tài nông thôn với: bờ tre, con trâu, túp nhà tranh trôi vào dĩ vãng. Nắm bắt tâm lý ấy ông thêm những chi tiết mới như: xe hơi, nhà lầu… biến những ước mơ, khát vọng của người dân vào tranh. Vì thế tranh sau luôn hoàn thiện hơn tranh trước và sống lâu trên thị trường. Từ những mẫu tranh ông vẽ, nhiều thợ xung quanh “học tập” để tạo ra những mẫu mới… Từ tháng 9 – 11 âm lịch là thời gian sản phẩm bán chạy nhất trong năm. Bên cạnh mua tranh, nhiều gia đình mang đến để tân trang lại những bức đã cũ…
LÁT CẮT NGHỀ QUA CHUYỆN ĐỜI NGƯỜI THỢ
Vào đầu thập niên 90, kinh tế gia đình công chức rất khó khăn. Cả hai vợ chồng ông Quang đều theo nghiệp giáo viên, đời sống không tránh khỏi khó khăn. Để chăm lo thật tốt cho ba đứa con đang tuổi đi học ông Quang quyết định vực dậy kinh tế gia đình bằng nghề truyền thống của địa phương. Vợ ông, bà Yến kể lại: “Thấy nhiều người trong xóm làm tranh ông liền theo luôn. Lúc ấy nghề cũng thịnh lắm, nhà nhà làm tranh, cả xóm này đều theo nghề làm tranh kiếng. Mình xuất vốn gia công lại sản phẩm cho người ta kiếm tiền…”. Thấy tranh phong cảnh treo tường được ưa chuộng ông Quang bắt đầu tập tành vẽ mẫu. Dễ thì chim cò, rồi nhà cửa, đồng lúa…, khó dần đến cảnh núi non, cảnh vật thật ngoài đời. Để nâng cao tay nghề, ông đi nhiều nơi, thăm viếng các đình chùa, phong cảnh để sáng tạo thêm nhiều kiểu mới, phong phú về thể tài…
Khác với các loại tranh vẽ thông thường, ngày xưa vẽ tranh kiếng là một loại hình đặc biệt. Nguyên tắc vẽ tranh kiếng là phải vẽ từ phía sau mặt kính, khi vẽ xong mới lật tấm kính lại và bề đó mới chính là bề mặt của tranh. Do nguyên tắc là vẽ phía sau mặt kính nên chi tiết nào đáng lẽ phải vẽ sau cùng, thì với tranh kính lại phải vẽ trước tiên. Chính với đặc điểm này đã tạo nên nét độc đáo trong tranh kiếng.
Nghề làm tranh kiếng - Ảnh: Sưu tầm
Vẽ tranh kiếng rất khó, đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự khéo tay và có óc thẩm mỹ cao. Trong một xưởng vẽ tranh thường có năm bảy thợ, trong đó thường có một người giỏi tay nghề chỉ huy, am tường về kỹ thuật và phân công cho thợ chuyên môn, thợ phụ để hoàn chỉnh một bức tranh. Tuy nhiên, thời gian làm ra sản phẩm lâu, tốn nhiều chi phí. Ông Huỳnh Minh Quang là một trong những người đầu tiên kéo lụa tranh trên kiếng, rút ngắn thời gian, giảm chi phí làm ra sản phẩm…
Khám phá An Giang - Ảnh: Sưu tầm Hiện cơ sở của ông Quang có 10 nhân công đang làm việc. Nhờ nghề vẽ tranh kiếng vợ chồng ông vượt qua khó khăn, chăm lo cho cả ba người con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định. Nay tuổi đã cao, mắt ông Quang đã mỏi mệt, lâu rồi không còn thường xuyên tạo ra mẫu mới. “Con cái không theo nghề, lại không có học trò ưng bụng để truyền dạy nên nghề tranh kiếng có nguy cơ mai một nhưng biết làm sao bây giờ, xu hướng hiện tại nó như vậy, đành phải chịu!”, người họa sỹ dân gian trải lòng.
Theo tài liệu ghi lại, trong những năm đầu thế kỷ XX, ở Nam Bộ có 3 vùng sản xuất tranh kiếng nổi tiếng gồm: Lái Thiêu (Thủ Dầu Một), Chợ Lớn (Sài Gòn) và Chợ Mới (An Giang). Ba vùng này dần dần phát triển trở thành 3 trung tâm sản xuất tranh kiếng và tạo ra ba dòng tranh kiếng khác nhau, mỗi dòng tranh kiếng lại có những đặc điểm riêng.