Ninh Bình, khi ăn uống nhắc đến cái tên này là người ta nhớ tới cơm cháy, dê núi. Khi nhắc đến đền, chùa mọi người sẽ biết đó là chùa Bái Đính. Và nói đến đạo, đến nhà thờ người ta sẽ nói đến Nhà thờ Phát Diệm. Phát Diệm là một thị trấn ở phía nam đồng bằng sông Hồng. Đây là trung tâm huyện lỵ của huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình.
Nơi đây có tổng diện tích hơn 20 ha, nhà thờ Phát Diệm gồm 11 công trình được xây cất, bố trí hợp lý, tạo thành một cảnh quan cổ kính tuyệt đẹp. Ngay trước khuôn viên nhà thờ là hồ nước hình chữ nhật được bao quanh bởi kè đá. Giữa hồ có một hòn đảo nhỏ xanh mát bóng cây và bức tượng chúa Giêsu bằng đá trắng.
Toàn cảnh kiến trúc nhà thờ Phát Diệm Bước vào trong sân của nhà thờ, những hình ảnh sẽ ghi dấu lại trong bạn không thể mờ nhạt được bởi vẻ đẹp của nó. Điểm đầu tiên trong khoảng sân mát rượi là Phương đình 3 tầng, được ghép lại từ những phiến đá xám nguyên khối kích cỡ khác nhau, điêu khắc, chạm trổ hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh với đường nét thanh thoát.
Phương đình
Trên các bức tường, những phù điêu được sáng tác theo phong cách nghệ thuật dân gian Việt Nam mang tính gợi tả và cách điệu. Những chấn song cửa sổ có hình lá trúc và cây trúc mềm mại, uyển chuyển. Chóp của Phương đình không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ khác mà được uốn cong theo phong cách mái đình Việt Nam. Nhìn bao quát, Phương đình ít nhiều mang dáng dấp tam quan chùa. Ngay cả các đường nét, tư thế ngồi hay nếp áo của bốn pho tượng Thánh Sử trên bốn đỉnh tháp cũng khiến du khách liên tưởng đến những tượng Phật trong các ngôi chùa. Trong khoảng sân giữa Phương đình và nhà thờ chính đặt các đài sen, đặc trưng của kiến trúc nhà Phật.
Nhà thờ chính
Nhà thờ chính dài có bốn mái và năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ cầu kỳ. Mặt tiền của nhà thờ chính được chạm khắc hình ảnh hoa sen, hoa đào, hoa cúc, cuốn thư, nậm rượu…được cách điệu tinh xảo. Bức phù điêu khổng lồ ở chính giữa nhà thờ với hình ảnh 17 vị thiên thần trong vườn hoa Mân Côi mang dáng dấp các nhân vật trong tranh dân gian Thất đồng (bảy em bé bụ bẫm vây quanh gốc đào tìm cách hái quả đào tiên trường thọ).
Khu thánh đường uy nghi với 6 hàng cột gỗ lim (48 cột) nguyên khối, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Trên gian thượng có một bàn thờ lớn làm bằng phiến đá tảng nguyên khối nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ hình các loài hoa đặc trưng của bốn mùa, trang nhã và thanh thóat. Ánh nắng chiếu qua các ô cửa, dát lên những hình chạm khắc một màu bạc lấp lánh, đẹp huyền ảo.
Nhà nguyện thánh Giuse
Nằm song song hai bên nhà thờ chính là 4 nhà thờ nhỏ đăng đối nhau: nhà thờ Thánh Rôcô, nhà nguyện Thánh Giuse, nhà thờ Trái tim Đức Mẹ và nhà nguyện Thánh Phêrô. Mỗi nhà thờ là một tác phẩm kiến trúc tuyệt mỹ. Tuy vậy, cả 4 ngôi nhà thờ đều mang dáng dấp những ngôi đền Việt Nam với những cánh cửa và cột chống bằng gỗ, mái ngói dài cùng các mái đao cong trên đỉnh. Hai bên gian cung thánh của nhà nguyện Thánh Giuse có 14 bức phù điêu diễn tả những điển tích của Thánh giá, được coi là những kiệt tác của nghệ thuật chạm khắc đá Việt Nam.
Nhà nguyện thánh Phêrô
Nhà thờ Trái tim Đức Mẹ Riêng nhà thờ Trái tim Đức Mẹ (còn gọi là Nhà thờ đá) là một tuyệt tác điêu khắc đá, được tạo hoàn toàn bằng đá cẩm thạch, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Những bức phù điêu đá bên trong nhà thờ (tranh tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc, tượng sư tử, rồng, phượng…) cũng là những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chỉ tuyệt đẹp mà còn rất sống động và hết sức tinh xảo.