Thánh địa Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 69 km và cách thành cổ Trà Kiệu khoảng 20 km, là tổ hợp bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa, trong một thung lũng đường kính khoảng 2 km, bao quanh bởi đồi núi. Đây từng là nơi tổ chức cúng tế của vương triều Chăm pa cũng
Tháng 12 năm 1999, cùng với đô thị cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn đã được UNESCO ghi tên vào danh mục các di sản văn hóa thế giới. Hàng năm, nơi này đón hàng trăm ngàn du khách đến chiêm ngưỡng vùng đất từng là kinh đô của người Chămpa.
Kiến trúc độc đáo
Thông thường người ta hay so sánh thánh địa này với các tổ hợp đền đài chính khác ở Đông Nam Á như Borobudur (Java, Indonesia), Pagan (Myanma), Angkor Wat (Campuchia) và Ayutthaya (Thái Lan). Từ năm 1999, thánh địa Mỹ Sơn đã được UNESCO chọn là một trong các di sản thế giới tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban di sản thế giới theo tiêu chuẩn C (II) như là một ví dụ điển hình về trao đổi văn hoá và theo tiêu chuẩn C (III) như là bằng chứng duy nhất của nền văn minh châu Á đã biến mất. Hiện nay, nơi đây đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 23 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng.
Băng qua chiếc cầu xi măng mang dáng hình ngôi tháp cổ, theo con đường nhựa râm mát dưới bóng những hàng cây cổ thụ, những chiếc xe ô tô chở khách du lịch có thể vào tận khu lễ tân, nơi khách thăm quan được Ban quản lý di tích giới thiệu sơ lược toàn cảnh Thánh địa trước khi bước vào khu đất linh thiêng của người Chăm hơn mười thế kỷ trước.
Phong cách Chăm
Năm 1898, một nhà khảo cổ người Pháp đã phát hiện ra khu đền tháp Mỹ Sơn nằm khuất sâu trong một thung lũng hẹp, giữa những khu rừng cổ thụ rậm rạp. Sau đó không lâu, những nhà khoa học của Viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) đã đến nghiên cứu các bia ký và công trình kiến trúc, điêu khắc, vén lên bức màn bí mật về Mỹ Sơn. Đây là khu di tích tôn giáo kỳ vĩ nhất, đặc trưng nhất của người Chămpa, được xây dựng liên tục trong suốt hơn 1000 năm. Khu đền tháp Mỹ Sơn được khởi công xây dựng từ thế kỷ 4 bởi vị vua Bhadravarman (trị vì từ năm 349 đến năm 361) và kết thúc vào cuối thế kỷ thứ 13, đầu thế kỷ 14 dưới triều vua Jaya Simhavarman III (Chế Mân).
Mỹ Sơn là một quần thể với hơn 70 ngôi đền tháp mang nhiều phong cách kiến trúc, điêu khắc tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử của vương quốc Chămpa. Hầu hết các công trình kiến trúc, tác phẩm điêu khắc tại Mỹ Sơn đều chịu ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Các tháp đều có hình chóp, biểu tượng của đỉnh Meru thần thánh, nơi cư ngụ của các vị thần Hindu. Cổng tháp thường quay về phía đông để nhận ánh sáng mặt trời. Tường bên ngoài tháp thường trang trí hoa văn hình lá cuốn hình chữ S nối liền nhau. Các vật trang trí là tượng điêu khắc bằng sa thạch hình Makara (con thú thần thọai, một lòai thủy quái có nanh nhọn và vòi dài ), hình vũ nữ Apsara, sư tử, voi, chim thần Garuda, tượng người cầu nguyện...
Tuyệt vời và đặc sắc
Trung tâm Thánh địa là một tháp chính (Kalan) và nhiều tháp phụ nhỏ bao bọc xung quanh. Tháp chính có hai cửa theo hướng đông tây, mỗi cửa có 8 bậc cấp để đi lên và các vòm cuốn. Trên mỗi vòm cuốn là một hình tháp thu nhỏ. Theo những tài liệu để lại thì đây là ngôi tháp cao nhất trong Thánh địa Mỹ Sơn với chiều cao 24 m, đáy tháp hình vuông, mỗi cạnh dài 10m. Trong tháp thờ một bộ Linga - Yoni lớn (nay chỉ còn một bệ đá Yoni). Phần trên tháp có 3 tầng, các tầng nhỏ dần lại và trên cùng là đỉnh tháp bằng sa thạch. Ở mỗi tầng đều có cửa giả có hình người đứng dưới vòm cuốn. Hai cửa giả hai bên hông là hai vòm cuốn chồng lên nhau, trang trí hoa văn rất tinh xảo.
Trải qua hàng chục thế kỷ, hiện nay, Thánh địa Mỹ Sơn chỉ còn lại 20 công trình khá nguyên vẹn. Nhiều ngôi tháp chỉ còn là những đống gạch đổ nát. Khắp nơi vương vãi những trụ đá, những bệ thờ Yoni và Linga (biểu tượng sinh thực khí của Ấn Độ giáo). Tuy nhiên, những gì còn lại ở đây cũng đủ khiến du khách ngỡ ngàng thán phục về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc và trang trí của người Chămpa cổ xưa. Đặc biệt, kỹ thuật kết dính vật liệu không có mạch hồ trong việc xây dựng đền tháp ở Mỹ Sơn vẫn là một bí ẩn tới nay vẫn chưa có lời giải…
Tồn tại cùng thời gian
Phần lớn các đền đài trong các nhóm khu vực trung tâm như B, C và D còn tồn tại, và mặc dù rất nhiều pho tượng, bệ thờ và linga đã bị lấy về Pháp trong thời kỳ thực dân hay gần đây được chuyển tới các viện bảo tàng như Viện bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh và Bảo tàng Nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng, vẫn có một viện bảo tàng tạm thời đã được thiết lập trong 2 ngôi đền với sự trợ giúp của người Đức và Ba Lan để trưng bày các mô hình các lăng mộ và hiện vật còn lại. Ngày 24 tháng 3 năm 2005 tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ khánh thành nhà trưng bày, giới thiệu di tích Mỹ Sơn với diện tích 5.400 m² với nhà trưng bày chính rộng 1.000 m² ngay lối dẫn vào di tích (khoảng 1 km) do Nhật Bản tài trợ không hoàn lại. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều lo ngại về tình trạng của các công trình kiến trúc, một số trong đó có khả năng sập đổ. Trong giai đoạn từ năm 2002 đến 2004, Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam đã chi khoảng 7 tỷ VNĐ (USD 440.000) cho dự án phục chế khẩn cấp thánh địa Mỹ Sơn; một dự án của UNESCO được hỗ trợ bởi chính phủ Ý với số tiền là USD 800.000 và các cố gắng phục chế có nguồn vốn từ Nhật Bản hiện nay cũng đang góp phần ngăn chặn tình trạng xuống cấp của chúng. Các công việc phục chế tại đây cũng được World Monuments Fund (WMF) góp vốn.
Thu hút rất nhiều du khách