Núi Tà Cú không còn là địa điểm xa lạ đối với bất cứ ai đi du lịch Phan Thiết. Nơi đây có phong cảnh hữu tình với rừng nguyên sinh bao phủ xanh rười rượi. Núi gắn liền với di tích lịch sử chùa Linh Sơn Trường Thọ cổ kính nằm cheo leo trên lưng chừng núi giữa cảnh sắc thiên nhiên trầm tịch, lẩn khuất bóng mây, là địa danh không thể thiếu của dân bản xứ và khách thập phương hành hương lễ phật dịp xuân về.
Núi Tà Cú nằm ven quốc lộ 1A tại thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, cách thành phố Phan Thiết 28km về phía Nam, là một địa điểm leo núi, một thắng cảnh kỳ thú của tỉnh Bình Thuận có đỉnh cao 649m so với mặt nước biển. Khung cảnh nơi đây hoang sơ, kỳ vỹ với núi non trùng điệp, thấp thoáng mái chùa cổ kính ẩn sau rừng cây.
Nét uy nghi, hùng vĩ của Tà Cú khi đứng nhìn từ trên cao - Ảnh: Sưu tầm
Khí hậu ở Tà Cú quanh năm trong lành mát mẻ. Đến đây vào mỗi độ Xuân về, du khách thỏa thích ngắm hoa mai vàng, hoa vông đỏ nở thơm nức cả cánh rừng. Nhiều danh mộc như trắc, giáng hương, bằng lăng rợp cả ngọn núi. Đặc biệt, dòng nước suối trong vắt tuôn ra từ những khe đá trên núi mát lạnh, trong veo càng làm cho khung cảnh thiên nhiên trở nên kỳ thú.
Hoa thơm cỏ dại mang đến sắc Xuân ngập tràn ở Tà Cú - Ảnh: Lan Nguyen
Nước suối trong veo tuôn ra từ vách đá tạo cho thiên nhiên Tà Cú thêm phần lôi cuốn - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Bình Thuận
Để lên được núi du khách phải leo hơn 1000 bậc đá quanh co, luồn qua những tán lá đại ngàn của khu rừng già. Với những tín đồ tôn thờ đạo Phật thường chọn đi theo đường bộ vì họ cho rằng lên chùa lễ Phật thì phải như thế mới có lòng thành và vừa là dịp để rèn luyện sức khỏe. Hoặc du khách cũng có thể đi cáp treo thưởng ngoạn khung cảnh xinh đẹp bên dưới, tận hưởng cảm giác lướt trên những cây cổ thụ xanh um và đắm mình trong khí trời mát dịu.
Chinh phục những bậc đá để đến được ngôi chùa trên núi Tà Cú - Ảnh: Sưu tầm
Cáp treo giúp du khách vừa thưởng ngoạn toàn cảnh núi, vừa tiết kiệm thời gian lên núi - Ảnh: wikimedia
Tọa lạc bên sườn núi ở độ cao 420m là ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ, được nhà sư Hữu Đức khai sơn, lập tịnh thất tọa thiền vào năm 1872, là một di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Tại đây có tượng Phật Thích Ca, Phật Niết Bàn trong tư thế nằm nghiêng, đầu gối lên tay, lưng tựa vào núi. Có thể coi đây là pho tượng Phật có kích thước lớn nhất Đông Nam Á và mang giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo.
Cổng chào lên chùa - Ảnh: titc
Du khách tiếp tục chinh phục những bậc thang từ cổng chào để lên được ngôi chùa - Ảnh: Minh Phú
Ngôi chùa Linh Sơn Trường Thọ với kiến trúc độc đáo - Ảnh: Mai Anh Thư
Cảnh quan chùa gồm hai cụm kiến trúc chính, chùa trên gọi là chùa Linh Sơn Trường Thọ và chùa dưới là chùa Long Đoàn, xây sau khi tổ Hữu Đức viên tịch (1887). Các công trình kiến trúc có giá trị di tích như Song lâm thị tịch, Tam thế Phật, Tháp mộ, Miếu thờ, Ao thất bảo, Tổ đình… dù được xây dựng, trùng tu qua nhiều thời kỳ nhưng vẫn giữ nét đặc trưng lối kiến trúc truyền thống Phật giáo.
Chùa Linh Sơn Trường Thọ với cảnh quan thơ mộng, khi đứng đây có thể nhìn bao quát cả vùng đồng bằng rộng lớn, vùng biển trải dài tận chân trời và ngọn hải đăng Kê Gà bao năm vẫn đứng trầm mặc - Ảnh: Sưu tầm
Ngôi chùa Long Đoàn thanh tịnh, hiền hòa - Ảnh: tacutourist
Tượng Tam Thế Phật cổ kính - Ảnh: titc
Đồng chuông – Linh Sơn vô thượng - Ảnh: Minh Phú
Tháp mộ là nơi thờ tổ sư Hữu Đức - Ảnh: Minh Phú
Xem thêm: Các khách sạn 3 sao tại Phan Thiết
Trước khi chiêm ngưỡng tượng Phật nằm, du khách sẽ chiêm bái tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát và nhóm tượng "Tam Thế Phật" xếp thành hàng ngang: tượng A Di Đà ở giữa cao 7 mét, bên trái là tượng Quán Thế Âm và bên phải tượng Đại Thế Chí đều cao 6,5 mét.
Tượng Địa Tạng Vương Bồ Tát uy nghi - Ảnh: tacutourist
Tượng A Di Đà - Ảnh: tacutourist
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát - Ảnh: tacutourist
Tượng Đại Thế Chí Bồ Tát - Ảnh: tacutourist
Tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn là trung tâm của núi Tà Cú, do kiến trúc sư Trương Đình Ý thực hiện từ năm 1962 đến 4 năm sau mới hoàn thành, được đúc bằng bê tông cốt thép. Tượng với nghệ thuật điêu khắc bậc thầy đã thể hiện trạng thái an nhiên, tự tại của đức Phật lúc nhập Niết bàn. Tương truyền, hình tượng đức Phật Thích Ca Nhập Niết Bàn tượng trưng cho sự thoát tục khỏi những đau khổ trên trần thế, nên rất nhiều du khách gần xa đã đến đây viếng để cầu mong sự an lạc và bình yên trong tâm hồn.
Tượng Đức Phật Nhập Niết Bàn trong tư thế nằm thể hiện sự thoát tục, an nhiên - Ảnh: Minh Phú
Dưới chân tượng Phật nằm, ven bãi đá hoa cương ngổn ngang có một hang đá sâu thăm thẳm, cửa hang hẹp chỉ vừa đủ một người len vào. Nhưng càng vào trong có tảng đá bằng phẳng làm bàn thờ Phật chập chờn ánh sáng lung linh. Buổi khai sơn, tổ sư Hữu Đức đã chọn nơi này để tịnh thất tọa thiền nên có tên là Hang Tổ.
Du khách thích thú khám phá Hang Tổ ở Tà Cú - Ảnh: Lan Nguyen
Không chỉ là vùng kỳ sơn tú thủy, Tà Cú còn là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia của Bình thuận với hệ sinh thái động thực vật phong phú gồm hơn chục loài qúy hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới như Thằn lằn đá, Gà gô, Diều núi, Voọc bạc Trường Sơn, Chà vá chân đen…, các loại cây quý như Afzelia xylocarpa, Irvingia malayana… và trên 150 loài cây thuốc.
Các loài vật quý hiếm ở Tà Cú có tên trong sách đỏ của thế giới - Ảnh: Lan Nguyen
Rừng nguyên sinh với các loại cây quý - Ảnh: Lan Nguyen
Xem thêm: Các tour du lịch Bình Thuận giá rẻ
Đứng trên đỉnh núi cao, nhìn những đám mây lững lờ trôi trong cái không khí lành lạnh tưởng chừng như đang đứng dưới trời Đà Lạt, dường như những mệt mỏi đều tan biến. Bên tai tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng chim hót líu lo, âm thanh rừng sâu thều thào vẫy gọi, du khách sẽ thấy lòng trần được gột rửa, một cảm giác thăng hoa thật tuyệt diệu giữa thênh thang gió núi mây ngàn.
Khách thập phương đến đây vào những dịp lễ hay Tết để chiêm bái Phật và chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc mang đậm giá trị văn hóa tâm linh, đắm mình trong cõi trầm lắng của thiên nhiên như gác bỏ hết những phiền muộn của cuộc sống đời thường vậy.
Sáng sớm tinh mơ, trời Tà Cú được bao phủ bởi mảng sương mờ dày đặc - Ảnh: Sưu tầm
Khách hành hương đến chùa Núi Tà Cú - Ảnh: tacutourist
Đến với Tà Cú mới cảm nhận hết được vẻ đẹp bình yên, thanh tịnh của nơi đây. Hãy một lần trải nghiệm không khí linh thiêng núi Tà Cú dịp Tết đến Xuân về để cuộc đời thêm phần trọn vẹn bạn nhé.
“Nhè nhẹ sương bông ôm núi lịm
Êm đềm cây cỏ đắm trong mơ
Tiếng chuông đâu bỗng run lòng đá
Ngó xuống trần ai thấy mịt mờ”
(Trích từ Huyền thoại xứ biển - Phan Chính )
Nguyễn Minh Hoàng - Mytour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour..
Núi Tà Cú nằm ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Miền Trung.
Núi Tà Cú được coi là chốn linh thiêng vì trên đỉnh núi có chùa Linh Sơn Tự, nơi thờ Phật và các vị thần linh của địa phương.
Thời điểm tốt nhất để tới Núi Tà Cú là vào dịp xuân về, khi các lễ hội diễn ra và khí hậu ở Bình Thuận cũng rất đẹp.
Bạn có thể tham gia các hoạt động như leo núi, tham quan chùa Linh Sơn Tự, tham gia các lễ hội và sự kiện diễn ra tại đây.
Có, Bình Thuận còn có nhiều địa điểm du lịch khác như Mũi Né, đồi cát Bay, Vịnh Tà Cú, Bàu Trắng, v.v.
0 Thích