Được thiên nhiên ban tặng cho đồng bào vùng cao A Lưới thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế với nhiều những sản vật phong phú và món ăn dân dã đã mang lại cho vùng đất nơi đây với nhiều giá trị văn hóa ẩm thực thú vị và hấp dẫn.
Cũng như nhiều cộng đồng cư trú trên dãy Trường Sơn, các tộc người Ka tu, Tà ôi, Pa cô ở A Lưới đã tạo nên đặc trưng trong văn hóa ẩm thực phù hợp với môi trường sống của mình.Những món ăn được chế biến từ ngũ cốc như: xôi hông (adeep ihoat), xôi thui ống, cơm ống/lam (adeep ihoor)… phổ biến trong các lễ hội của người Tà Ôi, Katu, Pa Cô và là món đồng bào thường dâng cúng thần, đãi khách. Cơm nếp lam (Đooi chot) là món phổ biến nhất của người Pacô. Bà con thường dùng nếp than để chế biến món này. Đây là loại nếp hạt nhỏ, dẻo, mềm…
Cơm ống lam nổi tiếng của người Tà Ôi - Ảnh: sưu tầm
Trước khi nấu, lấy (nếp) bỏ vào ống nứa đã rửa sạch, rồi đổ nước vào ngập miệng ống, ngâm một đêm cho gạo mềm. Hôm sau, người ta sẽ đổ nước ra, lấy lá chuối bịt miệng ống và đặt trên bếp than. Người nấu ngồi bên bếp lửa cầm ống nứa trở qua trở lại, từ đáy ống dần lên miệng ống. Khi mùi thơm của cơm nếp lan tỏa, ống nứa mềm thì cơm chín tới.
Các món chế biến từ thịt như thịt nướng tươi, nướng khô, nướng trực tiếp hay nướng bằng ống tre, xào, lạp thịt, thịt heo muối chua cũng là sự thú vị bất ngờ với khách miền xuôi. Từ cách chế biến đơn giản: Thịt thái nhỏ, cho vào hũ, ché hoặc ống tre, dùng tiêu rừng, muối gạo rang giã nhỏ, trộn đều lại với nhau rồi ủ kín, gác trên giàn bếp khoảng 7 - 10 ngày. Như vậy, thịt có thể sử dụng trong thời gian dài mà vẫn không mất mùi vị.
Món lạp độc đáo của vùng núi A Lưới - Ảnh: sưu tầm
Liệu bạn có can đảm thưởng thức những món đặc sản này - Ảnh: sưu tầm
Hấp dẫn nhất là món chuột nướng ống (A ật đù i hoor) và ếch nướng ống (A cụt đù i hoor). Chuột rừng hoặc ếch ở hốc núi đá được làm sạch, ướp gia vị cho vào ống tre. Miệng ống được bịt kín bằng lá chuối rồi đem nướng. Hơi nước trong ống tre sẽ làm thịt chín mà không bị khô, cháy. Món ăn này có thể bảo quản bằng cách treo lên gác bếp từ 4-5 tháng mà thịt vẫn tươi ngon.
Ếch nướng và chuột nướng ống lạ lẫm - Ảnh: sưu tầm
Các món ăn được chế biến từ cá, như cá gói lá rừng vùi tro, cá nướng, lạp cá, gỏi cá, cá nướng ống, mắm cá (pa đẹec buỏi)... cũng là món ăn ngon của đồng bào vùng cao. Cá suối được ướp với gừng rừng, ớt, chanh rồi xâu vào que tre, nướng đến khi cá có màu vàng, có thể bảo quản trong thời gian dài mà không bị ôi thiu. Khi nào dùng có thể nấu cháo, nấu canh.
Cà lèng của miền núi A Lưới - Ảnh: sưu tầm
Ngoài ra, các loại côn trùng: mối (cláp), con dế (Anút), kiến chua (Aling ca xâu), kiến thơm, (Alinh ca do), kiến đỏ (Kasâu), nhộng ong (Càroi Acon Ghi zớ)... cũng thường hiện diện trong bữa ăn hàng ngày hay trong các dịp tết, lễ, cưới, hội làng.
Đối với các dân tộc thiểu số ở A Lưới,
rượu có vai trò quan trọng trong đời sống ẩm thực. Các loại
rượu của người Tà ôi, Ka tu và Pa cô rất đa dạng như Ariêu Tà vạc (rượu Tà vạc), Ariêu Par đin (rượu Tà đin), Bhua/a riêu thăn (rượu sắn), Avíeet (rượu mía), Adương (rượu mây), Ariêu Chĩa (rượu dứa)... Các loại
rượu này có sự khác nhau về nồng độ, hương vị nhưng đều góp mặt trong bữa ăn thường ngày ở các gia đình cũng như các hội lớn của làng, bản.
Rượu là thứ không thể thiếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày của các gia đình tại làng, bản - Ảnh: sưu tầm
Có thể nói,
rượu Tà vạt, Tà đin (loại cây mọc trong rừng hoặc được đem về trồng) là đặc sản phổ biến đối với các tộc người ở A Lưới. Cách làm men để chế biến các loại
rượu có một vai trò quan trọng trong việc chế biến. Men
rượu được làm từ nhiều loại cây như củ riềng (pari), rễ cây ớt (ria pơrớ), rễ cây chè hăng... giã nát, trộn lẫn bột gạo, vo thành viên nhỏ phơi khô.
Mytour.vn - Nguồn: baothuathienhue