Hội An được cả thế giới quan tâm khi trở thành Di sản Thế giới. Khách du lịch bốn phương nườm nượp đổ về nơi mỗi góc phố vẫn còn nguyên những trầm mặc, yên bình và rêu phong.
Người dân phố Hội vẫn thật thà, nồng nhiệt và hồn hậu. Giữ được một Hội An trong lành, hẳn là khó lắm thay. Đêm ở Hội An kế ngày rằm, 14 âm lịch, trăng vằng vặc chiếu trên sông Hoài, ánh trăng mơn man trải trên bờ nóc, trên mái ngói âm dương của những nếp nhà cổ. Cả thành phố tắt đèn, du khách nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của nhau qua ánh sáng của nến, của những chiếc đèn lồng đủ màu sắc.
Khu phố cổ Hội An - Ảnh: Sưu tầm
Phố cổ Hội An không lớn. Dọc ngang vòng vèo cũng chỉ vừa độ mỏi chân. Hôm tôi đến Hội An, đúng ngày Quảng Nam khai trương Tuần lễ Di sản. Cũng vì lý do đó, mà khách ghé Hội An cũng tấp nập gấp chục lần ngày thường. Tối mười tư là ngày duy nhất trong tháng các nhà ngoài mặt phố tắt đèn, chỉ thắp nến, đèn dầu…
Những mâm hoa quả, cháo gạo, bỏng nếp cúng rằm được người dân bày ra trước cửa nhà, khói hương trầm quện với ánh nến khiến khu phố nhuốm màu liêu trai.
Đêm ấy phố Hội đón dễ đến vài chục nghìn lượt khách tham quan, vậy mà vẫn giữ được cái nhẹ nhàng vốn có. Hình như, trước không gian trầm mặc, chẳng có du khách nào nỡ to tiếng hay mạnh bước chân. Phía ngoài bờ sông xem ra tấp nập hơn.
Những ngôi nhà cổ điển hình cho kiến trúc Hội An - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Quảng Nam
Góc hát bài chòi người đứng xem vòng trong vòng ngoài, tiếng hát đối văng vẳng “Con gì nó ra đây là tôi đây hô tiếp là hô tiếp con gì?…”. Hát bài chòi được coi là “đặc sản” truyền thống còn được lưu giữ tại vùng đất này với giai điệu dân dã mộc mạc, hài hước… Cách bài trí chòi, thẻ bài và cả những người hát đối, mà người ta hay gọi là anh Hiệu cũng đậm chất Quảng.
Với 32 thẻ bài – 9 cái chòi, khách du lịch có thể lựa chọn 1 chòi – 3 thẻ bài và bắt đầu lắng nghe màn hát đối đáp kèm theo tiếng trống, mõ, phất cờ và những lời reo hò cổ vũ. Mỗi lần anh Hiệu bốc xăm và hát trúng ca từ có trong thẻ bài của chòi mình, bạn sẽ được một lá cờ. Khi gom được ba lá cờ, bạn sẽ là người chiến thắng và giành giải thưởng.
Lại cũng có góc du khách thử tài bịt mắt đập niêu. Góc rực sáng với ánh nến hắt ra từ cả nghìn bông hoa đăng của người dân hàng phố bày bán phía sát chùa Cầu. Những em bé mặc áo dài trắng, đội nón lá ngồi bán hoa đăng nhoẻn miệng cười khi khách hỏi mua.
Mải mê chụp ảnh, bỗng có người vỗ nhẹ vai tôi, quay ra thấy một anh công an, lại cũng là nụ cười thân thiện hệt như em bé bán hoa đăng, anh nhắc: “Chị cẩn thận túi xách, ví tiền. Điện thoại không gọi nữa thì cất luôn vào túi, đừng cầm ở tay không kẻ xấu giật, hôm nay du khách đông”.
Một đồng nghiệp cùng đi với tôi hôm đó về cứ xuýt xoa, rằng sao chu đáo thế. Và rồi sau mấy ngày khám phá Hội An, tôi chợt nhận ra rằng, không riêng gì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho lễ hội mới có trách nhiệm nhắc nhở du khách cảnh giác, mà hình như người Hội An đều cẩn thận thế cả.
Vẫn luôn giữ vững những giá trị truyền thống - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại Quảng Nam
Mấy năm gần đây, Hội An áp dụng mô hình thành phố không tiếng động cơ. Tức là trong khu vực phố cổ, ngoài giờ tan tầm xe máy được phép ra vào, còn lại thì chỉ có đi bộ và xe đạp. Thế là hình thành nên một loại hình dịch vụ mới: cho thuê xe đạp. Lại nói về cái chuyện cho thuê xe, không đâu đơn giản như Hội An.
Khách hỏi thuê, chủ xe cũng chẳng yêu cầu đặt tiền, đặt giấy tờ chỉ hỏi khách ở khách sạn nào, thế rồi cứ vào mà dắt xe đi. 25.000 đồng/ngày/xe, nếu thuê từ sáng sớm. Nếu trưa muộn thì giá chỉ 20.000 đồng/ngày/xe. Đi chán rồi về trả tiền sau cũng được.
Ông chủ cho thuê xe trên đường Hai Bà Trưng - Hội An cười lớn khi tôi hỏi, không bắt đặt cọc nhỡ khách không trả xe thì sao? Ông bảo, tin nhau là chính, 5 năm nay ông cho thuê xe đạp, chưa từng bị “tai nạn nghề nghiệp”.
Hôm sau tôi lại hỏi thuê xe ở một chỗ khác trên phố Bà Triệu, vẫn cách cho thuê đơn giản, vẫn mức giá thống nhất. Xem ra chuyện “chặt chém” rất xa lạ với người dân phố cổ. Những ngày cuối tuần, du khách đến Hội An đông hơn, từ Quảng Trường Sông Hoài vào đến phố cổ là phải đi bộ.
Cũng thấy người dân căng dây nhận trông giữ xe máy, nhưng cái khác là đều có giá trông xe thống nhất 5.000 đồng, giá này được niêm yết công khai. Đi suốt dọc phố, thi thoảng du khách lại bắt gặp những tấm biển “Khách có nhu cầu vệ sinh tại đây” kèm theo là mũi tên chỉ.
Lúc mũi tên đó chỉ vào một nhà hàng sang trọng, lúc là mũi tên chỉ vào một nhà bán lụa, lúc lại là một nhà dân cửa mở toang nhưng không thấy buôn bán gì. Thấy có khách đứng ngó tấm biển, chị chủ nhà bước ra hỏi: “Tìm toa lét hả? vô trỏng đi” rồi chỉ cho chúng tôi vào phía trong nhà mình.
Tình cờ gặp được ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, tôi đem chuyện đó kể, ông cười xòa cho biết, ban đầu tính đến phương án dựng nhà vệ sinh di động phục vụ du khách, nhưng tính đi tính lại thấy chướng quá. Thành ra, UBND TP Hội An đã đứng ra vận động dân phố cho khách… “đi nhờ”. Không ngại phiền hà, dân phố Hội nhiệt tình chào đón du khách từ chuyện nhỏ nhất này.
mytourblogs.com - Nguồn: tổng hợp
0 Thích