Dòng sông là nguồn sống của khoảng 60 triệu người dân các nước nằm ở hạ nguồn như: Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Phần lớn họ sống nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên: tôm, cá. Ngoài ra họ còn dựa vào nước và phù sa để trồng lúa và cây trái, hoa màu. Dòng sông còn là trục giao thông chính của toàn khu vực nó chảy qua. Với 1.245 loại cá, Mekong là sông có nhiều tôm cá thứ nhì thế giới sau sông Amazon ở Nam Mỹ. Có nhiều loại cá quý hiếm như cá bông lau khổng lồ nặng đến 300 kg và cá heo sống ở nước ngọt. Hàng năm có đến 1,8 triệu tấn cá đánh được ở các quốc gia hạ nguồn.
Sông Mekong là một con sông quốc tế, chảy qua lãnh thổ của nhiều quốc gia, việc khai thác tài nguyên từ con sông này cần có sự hợp tác thống nhất giữa các quốc gia. Vì thế, từ bao nhiêu năm nay, tuy là một con sông lớn, nhưng Mekong lại là con sông được khai thác kém nhất trên thế giới. Mặc dù người Pháp đã có ý tưởng khai thác ngay từ khi mới chiếm Đông Dương, nhưng do chiến tranh thường xuyên, nên vẫn chưa thực hiện được.
Năm 1957, Ủy ban Sông Mekong đã được thành lập bao gồm Chính phủ 4 nước: Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, nhằm mục đích khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế của con sông trong các lãnh vực như: thủy điện, thủy lợi, ngăn ngừa lũ lụt và giao thông đường thủy. Ngày 05-04-1995, 4 nước hội viên gốc của Ủy ban Sông Mekong (đại diện cho Việt Nam là Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm) cùng ký "Hiệp định hợp tác phát triển bền vững vùng Hạ lưu sông Mekong" và đổi sang một tên mới là Ủy hội Sông Mekong (The Mekong Commission).
Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Mekong chia thành hai nhánh là sông Tiền và sông Hậu, đổ ra biển bằng 9 cửa (nay chỉ còn 8 cửa) nên mới có tên gọi là Cửu Long. Ngoài ra, sông Mekong còn có lưu vực ở Vùng Tây Nguyên của Việt Nam với diện tích khoảng 30,84 km2, bao gồm các tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng. Tại đây, sông Mekong có hai nhánh chính là sông Sê San và sông Sêrêpốk.
Sông Cửu Long là con sông đã mang lại phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Tây Nam Bộ của Việt Nam, vì thế, vùng đất này còn gọi là Đồng bằng Sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời nổi tiếng với nhiều loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, măng cụt, bưởi, cam.....Sông còn là nguồn cung cấp thủy sản và cũng là mạng lưới giao thông quan trọng trong vùng.
0 Thích