Bất cứ ai đến "phu" (bản) Dì Thàng, Chỏn Thẻn hay Lao Chải, Sín Chải của người Hà Nhì đều muốn tham quan, chiêm ngưỡng cảnh quan hùng vĩ, kỳ bí của "rừng treo Ý Tý". Trên độ cao hơn 2.000m, bốn mùa chìm trong sương mù, rừng nguyên sinh Ý Tý có rất nhiều loài thực vật và động vật có tên trong Sách đỏ Việt Nam, đang được người Hà Nhì bảo vệ nghiêm ngặt. Khu rừng nguyên sinh độc đáo này nằm giữa một thung lũng đá hình vòng cung, rộng 8.000ha, trải dài trên ba xã Ý Tý, Dền Sáng, Sảng Ma Sáo, xen lẫn rừng nhiệt đới và á nhiệt đới, nhiều tầng tán với một số loại thực, động vật đặc hữu như bách xanh, thông tre, cây vù hương một lá, rùa ba vạch, tê tê vàng, kỳ đà vân, sóc bay.
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Lào Cai
Ði trong rừng nguyên sinh Ý Tý như lạc vào một không gian khác hẳn, tĩnh lặng, hoang sơ và bí ẩn, chỉ có tiếng nước chảy róc rách, tiếng lá rừng xạc xào và những ngọn gió phóng khoáng ru hồn người về miền cổ tích. Những cây cổ thụ vút lên từ khe sâu, cheo leo trên những vách đá, thân xù xì ẩm mốc. Ðiều kỳ lạ là cây nào cũng có tán lá tròn úp trên đầu như những chiếc mũ bê-rê khổng lồ, trên cành thi nhau lòa xòa, vấn vương đủ loại phong lan rực rỡ sắc mầu. Bạt ngàn thảo quả xanh mướt dưới tán rừng cổ thụ.
Nơi đây còn có những con đường ngoằn ngoèo vắt ngang núi, rồi mất hút trong ngút ngàn màu xanh của cây rừng. Những ngôi nhà chìm khuất trong mây thoắt ẩn, thoắt hiện. Những vách núi sừng sững giữa trời, đâu đó những thác nước trắng xóa từ trên cao đổ xuống đầy kiêu hãnh. Sự kỳ vĩ của thiên nhiên Ý Tý khiến ai đó nếu từng đến và được ngập chìm giữa bao la, khoáng đạt, mênh mang và vĩ đại của đất trời, sẽ không thể quên được cảm xúc tuyệt vời này.
Xem thêm: Các khách sạn tại Lào Cai
Nếu lên Ý Tý vào ngày thứ bảy, bạn sẽ được hòa mình vào phiên chợ văn hóa với rực rỡ sắc màu thổ cẩm của các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì. Mỗi dân tộc một kiểu trang phục, một cách vấn khăn, một lối trang sức, không lẫn vào nhau mà cùng nhau làm cho bức tranh Ý Tý trở nên đa sắc màu. Từ xa, rừng hiện lên như cánh cung khổng lồ treo trên hai đầu núi đá. Con đường hướng về phía khu rừng mỗi lúc một dốc ngược lên, quanh co, len lỏi trong biển sương giăng, đúng như như người Mông và người Hà Nhì thường gọi: “đường lên giời”.
0 Thích