Phố có tên là phố Hàng Giấy vì nơi đây xưa kia bày bán các loại giấy do thợ ở làng Bưởi, làng Cót làm ra như giấy lệnh, giấy sắc, giấy bản, giấy moi, giấy bổi, giấy quyến, giấy tàu bạch... Mặt trước các tòa nhà cổ vẫn còn những chữ đắp nổi tên các cửa hiệu buôn giấy nổi tiếng trước kia.
Tên gọi phố Hàng Giấy (Rue de Papier) đã có từ thời Pháp thuộc, sau cách mạng tên gọi này vẫn được duy trì.
Phố Hàng Giấy ngày trước vốn thuộc về nhiều phường, thôn. Thời Nhà Lê, khi Thăng Long chỉ có 36 phường thì đoạn đầu phố thuộc phường Hòe Nhai, đoạn cuối phố thuộc phường Đồng Xuân.
Đến thời Nhà Nguyễn, từ 36 phường, Thăng Long chia nhỏ thành 250 phường, thôn. Lúc này đoạn đầu phố Hàng Giấy thông sang phố Hàng Cót nằm trên bờ sông Tô và thuộc làng Đồng Thuận. Đoạn giữa phố và cuối phố thuộc phường Đồng Xuân.
Đầu thời Pháp thuộc, ở phố này xuất hiện nhiều nhà hát ả đào (gọi là cô đầu Hàng Giấy). Ca dao thời đó có câu: Trải qua Hàng Giấy dần dần, cung đàn nhịp phách nên xuân bốn mùa. Đến những năm 20 của thế kỷ XX, các nhà hát ả đào chuyển ra phố Khâm Thiên, Ngã Tư Sở...
Phố Hàng Giấy được xây dựng trên nền đất xưa vốn thuộc phường Đồng Xuân, tổng Hậu Túc (sau đổi là tổng Đồng Xuân), huyện Thọ Xương. Xưa kia, số nhà 83 phố Hàng Giấy chính là đình Đồng Xuân thờ Bạch Mã . Năm 1925, người Pháp vẫn còn chụp được tấm ảnh ngôi đình này. Ngày nay thì đình đã biến thành cửa hàng.
Phố Hàng Giấy đã có từ lâu đời, nguyên là một con đường đê cũ từ góc Đông Bắc thành phố Hà Nội đi xuống, bên phía Đông con đường đó là đất của thôn Huyền Thiên, bên phái Tây là đất thôn Tân Khai.
Trước năm 1915, đường phố này chưa có vỉa hè, mặt đường trải gạch vụn, không có cảnh quang cây cối, chưa có nhiều nhà lợp ngói, chủ yếu là nhà lá lẫn với nhà tường gạch lợp tôn, nhà xây chưa theo vạch thẳng hàng. Trong phố chỉ có những cửa hàng nhỏ bán dưa cà mắm muối, mấy hàng xén nhỏ, vài ông lang bắt mạch bốc thuốc.
Phố vắng vẻ hẻo lánh, vì vậy khi chưa có Bốt cảnh sát (Sở cấm Hàng Đậu) ở đầu phố thì dân phố phải thuê tuần phiên canh gác. Vào những ngày có phiên chợ Đồng Xuân, người Kẻ Bưởi đem giấy bày bán ở hai bên đường đi, chỗ gần ngã tư phố Hàng Khoai.
Sau năm 1925, phố Hàng Giấy mới dần được xây dựng đẹp hơn với nhiều ngôi nhà kiểu Tây diện tích rộng, gác cao, một số nhà buôn giàu có xuất hiện. Năm 1938 khách sạn Hoa Nam (nay là rạp chiếu bóng Bắc Đô) được xây dựng.
Chiến sự cuối năm 1946 đầu năm 1947, phố Hàng Giấy ở vào vị trí địa đầu Liên khu I, những nhà có gác cao đều được chiến sĩ ta dùng làm nơi quan sát và phục bên trong bắn tỉa lên Cầu Sắt nơi có lính pháo đóng giữ. Địch đã nã pháo và ném bom vào phố này làm đổ nát nhiều nhà cửa. Đến thời kỳ Thực dân Pháp tạm chiếm (năm 1948-1954), những nhà bị tàn phá mới được xây lại.
Những năm đầu thế kỷ 20, người trong phố chủ yếu là những gia đình công chức nhỏ hoặc nhân viên sở tư, sống nền nếp, kín đáo, rất ít cửa hàng khang trang. Có một số cửa hàng bán giấy bút, giấy bản, bút lông, một số nhà làm kẹo bột, vài ba cửa hàng thuốc Đông y.
Dần dần, phố Hàng Giấy trở thành một phố kinh doanh các hàng tạp hóa. Duy chỉ có ngôi nhà số 58 của gia đình một công chức tòa Đốc lý họ Phạm là vẫn giữ được nghề, đó là Hiệu ích Ký, vừa bán giấy, bán sách tây, vừa mở nhà in sách, nhà xuất bản. Hiệu Ích Ký đã góp phần phổ biến trong dân gian lúc bấy giờ các truyện cổ Phạm Công, Phan Trần, Nữ tú tài in bằng chữ quốc ngữ.
Ngày nay phố Hàng Giấy không còn chuyên bán giấy mà bán nhiều mặt hàng khác nhau. Tuy nhiên, tên "Phố Hàng Giấy" thì vẫn còn trong lòng những người Hà Nội xa quê, gợi nhớ về một phố nghề xưa ở vùng đất Thăng Long-Hà Nội
0 Thích