Chiến tranh đã đi qua rất lâu, nhưng cứ đến ngày lễ 30/4 hàng năm, không khí cả nước lại sôi sục hồi tưởng những ngày chiến đấu gian khổ mà ngoan cường của Cách mạng Việt Nam. Nhân kỳ nghỉ lễ dài ngày 30/4 và 1/ 5 kết hợp với giỗ tổ Hùng Vương, sao bạn không làm một chuyến ghé thăm địa đạo Củ Chi để xem lịch sử tái hiện thật rõ nét?
Lễ 30/4 là dịp tuyệt vời để đến thăm Củ Chi - Ảnh: Csaba
Địa đạo Củ Chi nằm về phía Tây Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 70km, được hình thành từ cuối những năm 1940 trong thời kháng chiến chống Pháp. Hệ thống địa đạo gồm nhiều phòng ở, nhà bếp, bệnh xá, kho chứa… đã được quân kháng chiến sử dụng làm căn cứ khi thực hiện các chiến dịch chống giặc ngoại xâm.
Ngày nay, địa đạo Củ Chi là nơi thu hút khách du lịch địa phương và cả du khách quốc tế, những ai yêu thích khám phá những địa điểm mới lạ độc đáo và hứng thú với lịch sử dân tộc. Chiều dài đường hầm Củ Chi đến 200km, có nhiều đoạn rất hẹp và tối, nên được nhiều du khách thích thú. Bạn bè quốc tế bình chọn đây là một trong những điểm du lịch kỳ lạ nhất ở Đông Nam Á.
Cổng vào khu di tích địa đạo Củ Chi - Ảnh: Sưu tầm
Có 2 cách phổ biến nhất để đến Củ Chi là đi bằng xe máy và xe buýt. Nếu chọn đi bằng xe máy thì có 2 đường để đi: một đi theo quốc lộ 13 và một đi theo quốc lộ 22.
Bản đồ đi Củ Chi bằng xe máy - Ảnh: nhocharuka
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hồ Chí Minh
Đi xe buýt thì lại đơn giản hơn nhiều. Chỉ cần ra chợ Bến Thành, bắt tuyến xe buýt số 13, ngồi một mạch đến địa đạo Củ Chi luôn, đỡ phải chịu cảnh nắng nôi bụi bặm.
Ngoài ra một số du khách phương xa đến không rành đường đi thì cũng có thể chọn đi xe ôm hoặc taxi tuỳ theo ngân sách của mình.
Cách thành phố không xa, bạn hoàn toàn có thể hoàn thành chuyến tham quan Củ Chi trong ngày. Nhưng đợt lễ 30/4 và 1/ 5 thì chắc hẳn sẽ có rất đông khách tham quan cùng đến địa đạo Củ Chi, bạn nên đi sớm, khoảng 6h sáng, để tránh phải chen lấn. Và tất nhiên với một kỳ nghỉ lễ dài như thế bạn cũng không cần đi đúng vào ngày 30/4 để phải chịu cảnh chen lấn quá tải của khách tham quan, cứ chọn lấy một ngày trong số 6 ngày nghỉ và thực hiện chuyến du lịch ngắn của mình.
Địa đạo Củ Chi là 1 trong 10 công trình ngầm ngoạn mục nhất trên thế giới - Ảnh: Caitlyndebeer
Thường thì khách du lịch từ Sài Gòn đến Củ Chi và về trong ngày. Nhưng đối với những du khách phương xa muốn ở lại để hôm sau đi địa điểm khác hoặc khách Sài Gòn nhưng muốn nán lại một đêm tận hưởng không khí trong lành vùng ngoại ô thì có thể thuê các khách sạn ngay trên quốc lộ 15 đoạn gần Khu du lịch địa đạo Củ Chi, các khách sạn có giá khá mềm, từ 150.000 - 300.000 đồng/ ngày đêm.
1. Chui hầm địa đạo Củ Chi
Ở Củ Chi có 2 địa đạo là địa đạo Bến Dược ở xã Phú Mỹ Hưng và địa đạo Bến Đình ở xã Nhuận Đức, nhưng thường thì Bến Đình là dành cho khách Tây đến tham quan, còn Bến Dược dành cho người Việt.
Củ Chi có 2 địa đạo Bến Dược và Bến Đình - Ảnh: Nhochakura
Đến thăm địa đạo Củ Chi vào dịp lễ 30/4 là một ý tưởng tuyệt vời, có thể giúp chúng ta hồi tưởng lại không khí sôi sục của cuộc kháng chiến chống Mỹ của thế kỷ trước. Địa đạo Củ Chi quả là kỳ quan độc nhất vô nhị với 200km chạy ngoắt ngoèo dưới lòng đất, được làm từ những dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng… nhưng lại khá đầy đủ những tiện nghi cơ bản cho việc trú ẩn và chiến đấu như bàn làm việc, giường, kho chứa, nhà bếp, bệnh xá…
Tranh mô phỏng địa đạo Củ Chi - Ảnh: yatlat
Bên trong địa đạo Củ Chi - Ảnh: wikipedia
Sau khi chui khỏi đường hầm thì bạn sẽ được thưởng thức món khoai mì chấm muối đậu, món đặc sản của Củ Chi. Khoai mì được luộc bằng bếp Hoàng Cầm, loại bếp không gây khói, tránh được sự chú ý của quân địch. Như vậy vào đợt lễ 30/4 bạn đã thực sự được trải nghiệm các thời khắc lịch sử ngay tại Củ Chi, rất thú vị và đáng nhớ.
Củ mì chấm muối đậu - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hồ Chí Minh
2. Chơi bắn súng sơn
Sau khi chui khỏi hầm địa đạo, để giải phóng đầu óc mình khỏi những đường hầm tăm tối, thiếu oxy dưới lòng đất, du khách thường chọn chơi trò bắn súng sơn. Để chơi được trò này thì cần phải có đủ thành viên chia thành 2 đội, nên nếu đi du lịch ít người thì không thể chơi trò này.
Thử độ tinh nhạy của mắt và chân với trò bắn súng sơn - Ảnh: sưu tầm
3. Đạp xe - bơi lội
Ngay trong khu du lịch Củ Chi có cho thuê xe đạp để du khách thoải mái dạo mát ngắm cảnh vì khuôn viên khá rộng. Bạn có thể vừa đạp xe vừa ngắm cảnh tận hưởng không khí trong lành nơi đây. Nhảy xuống hồ bơi, đắm mình trong làn nước mát vào những ngày oi bức như thế này quả là một ý tưởng không tồi.
Hồ bơi Củ Chi - Ảnh: sưu tầm
4. Thăm trung tâm cứu hộ động vật
Sau khi trải qua hết các loại hình tham quan giải trí nêu trên, nếu còn thời gian thì bạn có thể tham quan trung tâm cứu trợ động vật Củ Chi. Được thành lập từ năm 2006 , đây được xem là “bệnh viện” động vật hoang dã lớn nhất miền nam. Tuy nhiên nếu có ý định tham quan thì bắt buộc bạn phải gọi điện liên hệ trước, nếu không thì có thể bạn sẽ không được các nhân viên tại đây đón tiếp.
Có rất nhiều động vật hoang dã được nuôi dưỡng và chăm sóc tại Củ Chi - Ảnh: cinet
Kết thúc một ngày tham quan, vui chơi mệt nhoài, du khách thường phải nạp năng lượng trước khi trở về thành phố. Và món ăn đặc sản của Củ Chi chính là món bò tơ, trong đó quán bò tơ Xuân Đào Củ Chi đã trở thành một địa chỉ uy tín, hấp dẫn, thu hút rất nhiều khách du lịch từ khắp nơi.
Ngoài bò ra thì Củ Chi cũng nổi tiếng với bánh tráng cuốn thịt và các món nướng. Chỉ cần đi dọc đường quốc lộ trên đường về Sài Gòn bạn sẽ bắt gặp rất nhiều quán ăn như thế, giá cả so với nội thành thì mềm hơn nhiều.
Đặc sản bò tơ Củ Chi - Ảnh: sưu tầm
Da bò xào nghệ Củ Chi - Ảnh: diadiemanuong
Bạn cũng đừng bỏ lỡ nước mía sầu riêng Vườn Cau cách cầu vượt Củ Chi 3km về phía An Sương nhé, đó là món đồ uống đặc biệt ngon của Củ Chi đấy!
Mặc dù là một chuyến đi ngắn nhưng nếu bạn muốn mua quà để tặng cho bạn bè làm kỷ niệm thì có thể ghé quầy hàng lưu niệm của khu du lịch Củ Chi. Ở đây có các mô hình máy bay, đèn dầu, hộp quẹt, móc khoá… được chế tác rất khéo léo tài tình qua đôi tay của các nghệ nhân. Đặc biệt, hầu hết các món đồ này đều có giá dưới 100.000 đồng, bạn tha hồ chọn lựa cho người thân, bạn bè.
Móc khoá bằng vỏ đạn - Ảnh: zing news
Đa số có giá dưới 100.000 đồng - Ảnh: zing news
Xem thêm: Các tour du lịch Hồ Chí Minh
Sau khi mua vé vào cổng bạn sẽ được hướng dẫn viên cho xem một đoạn phim giới thiệu về địa đạo Củ Chi, về nhiều sự kiện trong lịch sử. Đã đến Củ Chi vào dịp lễ 30/4 thì nên chăm chú lắng nghe để hiểu về lịch sử dân tộc, không nên mải mê chụp hình, check-in.
Dưới đường hầm khá hẹp và tối, bạn cần phải tuân theo các hướng dẫn của hướng dẫn viên để đảm bảo an toàn.
Cuối cùng, đây là địa danh lịch sử, nơi mà các hướng dẫn viên sẽ mặc quân phục, đội nón tai bèo hướng dẫn bạn, do đó bạn cũng không nên ăn mặc quá mát mẻ, hớ hênh để thể hiện sự tôn trọng của mình đối với “vị chứng nhân” lịch sử này.
Trên đây là toàn bộ các thông tin cần thiết để bạn có thể yên tâm vác balo lên làm một chuyến Củ Chi vào dịp lễ 30/4 để hiểu thêm về lịch sử kháng chiến và bồi đắp thêm niềm tự hào dân tộc.
Daisy - mytourblogs.com
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của mytourblogs.com (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại mytourblogs.com..
0 Thích