Đã một lần đến với Bắc Ninh, bạn không thể không bị cuốn hút bởi những làn điệu dân ca quan họ, những câu hát đối trao duyên của những bậc liền anh liền chị. Mang trong mình truyền thống văn hoá Kinh Bắc lâu đời, Bắc Ninh cũng là quê hương của những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như Tranh Đông Hồ, Đúc đồng Đại Bái ... và cũng chính trên mảnh đất này, Xuân Lai được biết đến là một làng nghề tre gia dụng hun khói duy nhất của Việt Nam.
Người dân Xuân Lai - Gia Bình luôn tự hào về nghề tre của mình. Không ai nhớ chính xác nghề đã có từ bao giờ, nhưng theo những cụ cao tuổi trong làng, nghề chắc phải có từ vài trăm năm trước vì khi họ lớn lên đã thấy cả làng làm thợ. Thời ấy, các cụ tự tay mày mò, sáng tạo để làm ra các đồ dùng chủ yếu để phục vụ sinh hoạt trong gia đình và dùng cho sản xuất nông nghiệp như: đan thúng, rổ, rá, làm chõng tre, giường, tràng kỷ với nét hoa văn độc đáo.
Có lẽ, với truyền thống sản xuất đồ tre gia dụng lâu đời như vậy nên niềm đam mê nghề nghiệp đã thấm sâu vào tâm hồn của mỗi người thợ Xuân Lai. Thợ ở đây không có phường hội, không có khoán ước, không giữ bí mật. Mọi người học tập lẫn nhau, con nối nghiệp cha, đời này qua đời khác thành nghề cổ truyền bên cạnh nghề nông truyền thống. Trải qua biết bao những thăng trầm, nhiều lúc nghề sản xuất đồ tre gia dụng ở đây tưởng không thể tồn tại trước sự xuất hiện hàng loạt của các sản phẩm đồ gia dụng sản xuất công nghiệp bằng nhựa hay gỗ ép... Không chịu để nghề truyền thống bị mai một, những người thợ tâm huyết ở Xuân Lai đã ngày đêm mày mò nghiên cứu để đa dạng và nâng cao chất lượng các sản phẩm thuần chất tre của mình. Và sản phẩm tre hun khói với nhưng gam màu đen bóng tự nhiên đã ra đời đem lại những vẻ đẹp độc đáo trong trang trí nội thất, tôn vinh sắc đẹp tự nhiên, được người tiêu dùng hết sức ưa chuộng.
Cảnh làm việc của người dân Xuân Lai - Ảnh Sưu Tầm
Để có được những sản phẩm hun khói đẹp là cả một kỳ công. Sau khi khai thác, tre trúc thường được ngâm dưới ao vài tháng để tránh mối mọt, đồng thời tăng độ dẻo dai. Trước khi được vớt lên, tre được nắn thẳng và xếp vào lò hun bằng rơm trộn đất sét. Lò chỉ có khói, không có lửa và được trát kín nhiều ngày đêm. Tuỳ thuộc vào màu sắc yêu cầu, thời gian hun được điều chỉnh phù hợp: nếu là màu nâu thời gian sẽ ngắn hơn trong khi màu đen bóng yêu cầu thời gian hun dài hơn và có thể phải hun nhiều lần hơn.
Tạo được màu sắc mong muốn đã khó, việc sử dụng nguyên liệu tre đã hun để tạo thành các vật dụng lại càng yêu cầu tính sáng tạo và sự khéo léo của người thợ Xuân Lai. Có biết bao các sản phẩm đã được tạo ra, từ các loại bàn, ghế, xích đu, giường, tủ, kệ sách báo... đến các loại bình phong, đèn, khay ... với các kiểu dáng và kích thước khác nhau. Tất cả đều được người thợ Xuân Lai làm một cách kỹ lưỡng tạo nên sự chắc chắn và vẫn giữ nguyên được vẻ đẹp mộc mạc của chất liệu tre hun, vẻ đẹp mang nét hoài cổ mà không đâu có được.
Đặc biệt, những người thợ Xuân Lai đã sáng tạo những "mành tranh" chỉ có hai sắc vàng và nâu đen khá nhã nhặn bằng kỹ thuật cạo tinh trên chất liệu tre hun. Họ đã thổi hồn cái dân dã, chất dân tộc của dòng tranh Đông Hồ vào tranh tre với những chủ đề như vinh hoa phú quý, tùng cúc trúc mai, tích kiểu, tố nữ, bát tiên... hay tạo nên những bức tranh mang nội dung hiện đại...
Giờ đây, các sản phẩm tre gia dụng hun khói của Xuân Lai đã có mặt ở các cửa hàng lớn tại Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh... và là xu hướng trang trí nội thất của nhiều công trình nghệ thuật. Tre hun Xuân Lai cũng là sản phẩm được khách hàng trên thế giới ưa chuộng như Nhật, Mỹ, Đài Loan hay thị trường các nước Châu Âu. Cái nét hoài cổ của tre hun Xuân Lai sẽ còn mãi là niềm đam mê của bạn bè khắp nơi trên thế giới..