Làng Chuột Phù Dật cách quốc lộ 91 chưa đầy 600m theo con đường đất đi sâu vào đồng ruộng có một làng nghề "xưa nay hiếm", đó là nghề săn bắt và mua bán chuột ở ấp Bình Chiến, xã Bình Long, huyện Châu Phú, An Giang. Nơi đây còn được gọi với cái tên rất mộc mạc, rất đồng quê: "Làng Chuột".
mytourblogs.com có mặt tại làng chuột vào lúc 4h chiều. Một chiếc xe tải khoảng 3,5 tấn vừa chạy đến rồi ngừng hẳn tại một nơi, trên xe đầy ắp các rọng chuột. Mọi người hô vang: "chuột Bạc Liêu về tới rồi"! Mỗi ngày có 1-2 xe tải đi gom chuột nay ở tỉnh này, mai ở tỉnh khác trở về như vậy.
Chuột tại đây đựơc trưng bày như thực phẩm thông thường - Ảnh: Sưu tầm
Mọi người bu đông, chen lấn nhau trong khu vực xuống chuột. Từng rọng chuột được các thanh niên khiêng xuống đặt lên bàn cân, bình quân một rọng chuột khoảng 50kg. Những "chú tí" nằm chồng lên nhau trong rọng mệt mỏi sau một chuyến đưòng xa, đôi khi chạy nháo nhào khi có ai đụng đến.
Phía sau con kênh Phù Dật dọc theo làng chuột cũng sôi động không kém. Anh Nguyễn Văn Hoàng, vai mang 2 cái rọng đầy chuột, mỗi bên độ chừng 30kg dường như quá sức so với tạng người nhỏ nhắn, cho biết nhóm của anh đã đi qua tỉnh Long An săn bắt hơn 6 ngày, chắc được vài trăm kg.
Trẻ em cũng tham gia đào chuột - Ảnh: Sưu tầm
Chuột đựơc phân loại kỹ lưỡng - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn gần làng chuột Phù Dật
Khoảng 5h chiều, số người tham gia làm chuột càng về tối càng đông. Dọc theo lề đường làng hay khoảnh sân trước nhà, chuột được bày ra, những khay nước được lóng phèn sắp xếp ngay ngắn. Người già, trẻ nhỏ đều tham gia làm chuột. Trung bình mỗi ngày có trên 10 hộ, mỗi hộ thu hút 10 đến 15 người tham gia.
Vào những lúc chuột nhiều, người dân làm thịt chuột lấn ra lề đường đông nghẹt, xe chạy qua làng chuột rất khó khăn. "Cứ cái đà này thì chuột ở An Giang hết đất sống" - anh Út Từ, cán bộ xã Bình Long, nói vui. Tại điểm làm thịt chuột của anh Trần Văn Sành có trên 15 người tham gia làm được chia theo trình tự từng công đoạn đã sắp xếp sẵn. Người khoẻ như anh Nam thì đập đầu chuột, trẻ nhỏ cắt chân, đuôi, người lớn cắt da mổ bụng....
Quy trình thực hiện từ bước Bắt chuột ra - Ảnh: Sưu tầm
Tay không bắt chuột - Ảnh: Sưu tầm
Chỉ nhìn động tác của anh Nam đủ thấy anh có thâm niên trong nghề. Trước khi nắm đuôi chuột đập đầu, một tay anh dùng cây chổi bằng những cọng dừa bó lại quét vào thành rọng chuột để chúng gom về một bên đưa đuôi ra, tay kia chỉ cần nắm đuôi kéo ra khỏi rọng đựng chuột đập vào thanh gạch đặt sẵn là... con chuột tiêu đời.
Ấy vậy nhưng cũng có những con chuột hung hăng quay đầu lại cắn vào tay anh rớm máu. Chuột đập đầu xong được đưa sang một nhóm khác dùng dao, kéo cắt chân, mổ bụng, sau đó lột da cho vào thau nước sạch. Chuột sau khi làm được ướp lạnh đưa đi tiêu thụ khắp nơi. Các phế phẩm của chuột thì bán cho các hộ nuôi cá tra trong huyện.
Dây chuyền giết mổ - Ảnh: Sưu tầm
Dây chuyền giết mổ - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Khách sạn tại An Giang
Chị Lưu Thị Quang cho biết, cứ 100kg chuột lột được 36- 40kg da, bán được 1.200 đồng/kg. Hiện nay, vào chính vụ của nghề chuột, mỗi ngày ở làng chuột này có trên 5 tấn chuột được làm thịt. Đêm, tại làng chuột không ngớt tiếng nói cười, tiếng cọc cọc của dao ăn vào thớt, cái âm thanh ấy đã trở thành nhịp sống quen thuộc của người dân nơi này.
Chuột sau khi lột da - Ảnh: Sưu tầm
Ướp đá - Ảnh: Sưu tầm
Ở làng chuột có ba công việc chính khác nhau được người dân tham gia làm là: nhóm người đi thu gom chuột; nhóm người làm thịt chuột và đưa đi tiêu thụ. Tuỳ theo đồng vốn và tay nghề mà mỗi người chọn cho mình một công việc phù hợp.
Anh Lê Duy Khánh ở ấp Bình Chiến, một trong những người chuyên làm nghề đi thu gom chuột, cho biết mỗi ngày anh đưa về đây tiêu thụ khoảng 1-2 tấn chuột. Để thu gom chuột được nhiều anh Khánh mua 7.000 cái rập chuột cung cấp cho nông dân ở các tỉnh để săn bắt chuột, sau đó bán chuột sống lại cho anh. Với cách làm này, mỗi ngày anh thu được 400.000- 500.000 đồng.
Lái chuột - Ảnh: Sưu tầm
Lái chuột - Ảnh: Sưu tầm
Đối với những người ít vốn thì chọn nghề đi săn bắt chuột. Anh Nguyễn Văn Mén cho biết, nhóm của anh gồm năm người, mỗi chuyến đi săn bắt chuột kéo dài năm ngày đến một tuần. Bình quân mỗi đêm nhóm của anh bắt được trên 50kg chuột (hiện nay chuột sống bán 8.000 đồng/kg).
Những người đi săn bắt chuột có thể biết vào tháng nào ở đồng đó chuột nhiều hay ít. Như từ tháng giêng đến tháng tư chuột có nhiều ở Cà Mau, Bạc Liêu; tháng tư đến tháng sáu ở Đồng Tháp... Toàn làng chuột ấp Bình Chiến chỉ tính riêng nghề sǎn bắt chuột bán đã có trên 100 lao động. Mỗi người chỉ cần khoảng 1 triệu đồng sắm 300 cái rập, đèn, bình ắcqui... là đủ để hành nghề. "Chi phí ăn uống cho mỗi chuyến đi khỏi phải lo, chỉ cần có gạo, nước mắm, còn mồi thì cứ thịt chuột" - Hai Mén nói vậy. Cái nghiệp gắn vào thân Hai Mén đã 15 năm trời khiến anh khẳng định rằng bắt chuột trước là có cuộc sống ổn định, sau là giúp nông dân diệt trừ thảm hoạ.
Đưa chuột đi tiêu thụ - Ảnh: Sưu tầm
Phần lớn các hộ sống bằng nghề săn bắt chuột không có đất sản xuất, lại là nghề dễ làm nên số hộ tham gia ngày càng đông. Làng chuột hoạt động quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là thời điểm thu hoạch vụ đông xuân, xuống giống vụ hè thu. Thời gian khác chuột ít nên có hộ chuyển sang cào hến, ốc gạo, đến mùa lại trở về với nghề chuột.
Xem thêm: Các khách sạn tại An Giang
Có dịp đến An Giang, bạn không nên bỏ qua một chuyến viếng thăm những người dân tại làng chuột Phù Dật, để có thể ít nhiều hình dung về cảnh sống, sinh hoạt của những người dân nơi đây.
0 Thích