Có một câu hỏi mà nếu tôi hỏi 100 người thì chắc chắn sẽ có hơn 90 người trả lời giống nhau. Đó là “Bạn có thích đi du lịch không?” Chắc hẳn câu trả lời của đám đông sẽ là “Có!”. Họ muốn đến nơi này, nơi kia, muốn trải nghiệm thật nhiều trong những năm tháng ngắn ngủi của cuộc đời. Thế những, bao nhiêu người trong số họ thực hiện hóa được điều đó? Hay đa phần đều trải nghiệm chuyến đi của mình trước màn hình máy tính văn phòng, giữa bốn bức tường lạnh cùng suy nghĩ “túi tiền của mình có hạn”, “đi du lịch là không ổn định, là mất việc làm”, “du lịch chỉ là đi chơi, hưởng thụ, tốn tiền”, v.v..
Làm thế nào để vừa được du lịch, vừa có thu nhập để trang trải chi phí - Ảnh: pose
Song nếu để ý một chút, ta sẽ thấy rất nhiều dân du lịch bụi nổi tiếng có thể trang trải cho những ngày tháng rong ruổi liên tục của mình hết tháng này qua năm nọ. Không phải vì họ giàu có, thừa sức trang trải chuyến đi, mà là họ đã tận dụng mọi khả năng để kiếm thêm thu nhập. Những công việc từ xa, những “tác phẩm” gặt hái được từ chuyến đi chính là nguyên liệu giúp họ giữ lửa cho niềm đam mê xê dịch.
Những thước hình, những khoảnh khắc đẹp bạn “chộp” được trong chuyến đi không chỉ là thứ bạn đem khoe với bạn bè, mà còn là sản phẩm có thể “hái ra tiền” nữa đấy. Nếu hình ảnh của bạn đẹp và chất lượng, sẽ không thiếu các đầu báo, hay tạp chí du lịch muốn trao đổi đâu. Đặc biệt là bạn không cần là dân chuyên nghiệp mới bán được ảnh, chỉ cần có năng khiếu, đam mê, và những chuyến đi chất lượng là bạn đã có thể cho ra đời những tác phẩm đẹp. Ngoài ra, đừng quên trang bị cho mình một chiếc ảnh “xịn” một chút nhé!
Hãy cố gắng lưu lại bất kỳ khoảnh khắc đẹp nào - Ảnh: gadventures
Bạn nên đầu tư một chiếc camera “xịn” một chút nếu có ý định kiếm tiền bằng chụp ảnh - Ảnh: travefy
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hồ Chí Minh
Đi du lịch với một chiếc laptop trong tay, bạn thậm chí có thể kiếm được tiền chỉ nhờ vào việc trích ra vài giờ mỗi ngày để viết blog, làm website cá nhân. Bạn có thể viết về kỳ nghỉ bạn đang tận hưởng, review những chuyến đi đã trải qua, hay san sẻ những kinh nghiệm bạn đã có trong hành trình. Ví dụ, bạn vừa làm một chuyến du lịch đến xứ sở mặt trời mọc. Kỳ trải nghiệm của bạn chỉ khoảng 1 tuần, nhưng sẽ có vô vàn điều bạn có thể viết xuống. Ví dụ review về những món ăn ngon, hàng quán nổi tiếng, cẩm nang du lịch, lịch trình chuẩn, kinh nghiệm tiết kiệm tiền khi du lịch tại đây, kinh nghiệp xin visa, v.v.. Biết PR bản thân khéo léo, bạn sẽ nổi tiếng trong giới truyền thông và dễ dàng được chọn làm gương mặt đại diện cho một số thương hiệu đấy.
Mỗi chuyến đi là một hành trình thú vị mà ta có vô vàn điều để kể - Ảnh: sưu tầm
Nếu chuyến đi của bạn là một hành trình phượt thì chắc chắn bạn sẽ có nhiều thứ để viết hơn nữa. Điều quan trọng là hãy “đặc biệt hóa” chuyến đi của bạn, hãy xem nó như một cuộc du ngoạn và kể lại bằng niềm trân trọng nhất của mình. Thậm chí, chẳng cần đâu xa mà viết về chính nơi mình đang ở, cùng cảm nhận sâu sắc, bạn vẫn khiến nó đặc biệt hơn trong mắt những kẻ lữ hành khác.
Hãy kể lại chuyến đi của bạn bằng niềm hứng khởi nhất - Ảnh: the blank map
Trong một số trường hợp bạn có thể không cần nghỉ công việc hiện tại để đi du lịch nếu đặc thù công việc của bạn cho phép bạn làm việc, trao đổi với cấp trên từ xa. Đặc biệt với những việc cần đến sự sáng tạo như copy writer, designer, v.v.. thì địa điểm làm việc linh hoạt và thay đổi thường xuyên sẽ giúp hiệu quả công việc đạt được cao hơn.
Những công việc sáng tạo đòi hỏi sự linh động về giờ giấc và nơi làm việc - Ảnh: sưu tầm
Thậm chí, nếu đã quá ngán với công việc bàn giấy hiện tại, cả ngày giữa bốn bức tường, thì hãy “take a break”, và chuyển sang làm cộng tác viên cho các đầu báo du lịch xem sao? Còn gì hay ho hơn khi vừa ngắm núi rừng ở Đà Lạt vừa làm việc?..
.. hoặc tranh thu làm việc cạnh một bờ biển xinh đẹp như thế này? Vừa xong việc bạn đã có thể nhảy ùm xuống dưới nước rồi - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Bạn có thể dạy tiếng Anh hoặc bất cứ ngôn ngữ nào mà bạn thông thạo. Một số quốc gia trên thế giới không yêu cầu bằng cấp chính thức cho việc giảng dạy ngoại ngữ như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia Đông Nam Á,… Ngoài ra, nếu bạn có khả năng và chứng chỉ sư phạm ở một số lĩnh vực khác như Toán, Khoa học, v.v thì bạn sẽ dễ dàng tìm được một công việc giảng dạy chính thức ở các trường học địa phương.
Dạy học tại địa phương có thể giúp bạn kiếm thêm thu nhập - Ảnh: sưu tầm
Một số quốc gia như Úc, New Zealand, Canada, Pháp, Ireland và Singapore, v.v. tạo điều kiện cho người ngoại quốc từ 18 – 30 tuổi du lịch đến đất nước của họ theo diện cấp Thị thực “Làm việc trong kỳ nghỉ” (Working Holiday Visa) tối đa 1 năm. Bạn có thể tìm được một công việc chính thức, thời vụ hay bán thời gian tùy vào khả năng và sử dụng nguồn thu nhập đó để đi du lịch khám phá.
Làm việc ở trang trại là một trong những công việc phổ biến nhất - Ảnh: foodloosetours
Vừa du lịch vừa kiếm tiền không khó. Quan trọng là bạn phải biết tận dụng mọi khả năng của mình, và cơ hội làm việc trong mọi hoàn cảnh. Trên đây là một số gợi ý giúp bạn kiếm thêm thu nhập từ những chuyến đi. Hãy tranh thủ mọi cơ hội để trang trại cho hành trình của mình nhé! Bạn có thể lựa chọn ngồi mãi ở bàn giấy, vùi đầu vào công việc thường nhật hay xách balo lên và đi. Đừng để nỗi sợ hãi vô hình ngăn bạn khám phá thế giới rộng lớn ngoài kia. Rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn khám phá đấy!
Đừng để lỡ tuổi xuân, xách ba lô lên đi ngay thôi! - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Khánh Hòa giá rẻ
Vladimir - mytourblogs.com
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của mytourblogs.com (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại mytourblogs.com.
0 Thích