Huyện Ngọc Hiển là huyện tận cùng của đất nước Việt Nam, có Mũi Cà Mau là điểm mốc quốc gia cuối cùng trên đất liền về phía nam (có ý nghĩa như Mục Nam Quan ở biên giới phía Bắc). Khu vực Đất Mũi Cà Mau là điểm cuối cùng của tuyến đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 1A nối dài) sẽ được đầu tư trong thời gian tới.
Huyện Ngọc Hiển là một trong những huyện của tỉnh Cà Mau. Điều đặc biệt của huyện Ngọc Hiển đó chính là ba phía Đông, Tây, Nam đều giáp với biển. Bên cạnh đó, phía Bắc của huyện lại giáp với sông Cửa Lớn và sông Bồ Đề nên địa bàn huyện Ngọc Hiển bị tách biệt như một cù lao. Đây còn là nơi được biết đến với sự hiện diện của Mũi Cà Mau và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau. Bên cạnh đó, huyện Ngọc Hiển còn được biết đến với vẻ đẹp của Sân chim Ngọc Hiển, Đảo Hòn Khoai…Tất cả đã tạo nên vẻ đẹp hấp dẫn du khách từ mọi miền đất nước.
Gắn liền với sông nước
Cách Cà Mau khoảng 120 km, du khách sẽ được nhìn thấy vẻ đẹp của mảnh đất tận cùng phía Nam của Tổ quốc - Mũi Cà Mau.
Nếu đi tàu từ Rạch Gốc (cửa ngõ của huyện Ngọc Hiển ra biển Đông), thì chỉ sau 3 giờ vượt biển, du khách đã có thể chiêm ngưỡng được Hòn Khoai - một trong những hòn đảo đẹp nhất miền cực nam của Tổ quốc.
Dân sinh sống 2 bên bờ song
Hòn Khoai là thắng cảnh của tỉnh Cà Mau nằm ngoài biển Ðông, cách đất liền khoảng 15 km. Cụm đảo nhỏ này nằm sát bên nhau với tổng diện tích gần 5km2, với hòn Khoai, hòn Sao, hòn Tượng, hòn Ðá Lẻ, hòn Ðồi Mồi…nằm về phía tây nam thị trấn Năm Căn thuộc huyện Ngọc Hiển. Thuở xưa, hòn Khoai còn có tên là hòn Giáng Hương, hòn Ðộc Lập, thời Pháp thuộc gọi là đảo Poulo Obi. Tuy nhiên, người địa phương vẫn quen gọi là hòn Khoai vì hình dạng của nó trông giống như củ khoai khổng lồ. Trên đỉnh cao nhất của Hòn Khoai có ngọn hải đăng do người Pháp xây dựng vào năm 1920. Hải đăng Hòn Khoai được xem là một trong những công trình đèn biển có mặt sớm nhất tại hải phận Việt Nam. Từ trên ngọn hải đăng, du khách có thể chiêm ngưỡng mũi đất tận cùng của Tổ quốc.
Với khí hậu mát mẻ, thời tiết tốt, phong cảnh đẹp, có rừng, có biển, ngày nay Hòn Khoai rất thích hợp với các loại hình du lịch về nguồn, dã ngoại, nghiên cứu, nghỉ ngơi. Và là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Đảo Hòn Khoai
Từ thành phố Cà Mau, du khách sẽ đi bằng canô xuống vùng đất mũi. Trên đoạn đường sông chằng chịt dài hơn 100 km đó, du khách sẽ được nhìn thấy Đầm Dơi, nghỉ dọc đường tại chợ Năm Căn và sau đó canô sẽ đưa du khách sang Cồn Ông Trang-điểm du lịch sinh thái nổi tiếng ở vùng Đất Mũi.
Cồn Ông Trang nằm ở cửa sông Cái Lớn thông ra bãi bồi phía Tây thuộc xã Viên An, huyện Ngọc Hiển. Cồn Ông Trang bao gồm 2 cồn: Cồn trong và Cồn ngoài. Cồn Trong hình thành năm 1960 có diện tích 122 ha, cồn Ngoài hình thành muộn hơn (năm 1980). Gắn với cồn Ông Trang là bãi bồi phía Tây Mũi Cà Mau. Bãi bồi là nơi hội tụ của nhiều loài thủy sản về đây sinh sản. Với điều kiện tự nhiên có một không hai, bãi bồi không chỉ có ý nghĩa về kinh tế, nghiên cứu khoa học mà còn là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách khi đặt chân đến Cà Mau. Trong tương lai, cồn Ông Trang và bãi bồi phía Tây Mũi Cà Mau sẽ là điểm du lịch sinh thái đầy hứa hẹn của Cà Mau.
Cò bay khắp rừng
Ngoài ra, khi đến với huyện Ngọc Hiển, du khách còn có thể chiêm ngưỡng mốc tọa độ quốc gia - biểu trưng cho sự toàn vẹn của đất nước Việt Nam.
Huyện Ngọc Hiển là một trong những huyện có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp của Cà Mau. Và đang ngày càng thu hút khách du lịch trong cả nước đến với vùng đất mới này.
Sông với rừng
Dọc theo bờ biển của huyện có nhiều cửa sông lớn đổ ra biển như Ông Trang, Cá Mòi, Rạch Tàu, Rạch Gốc, Bồ Đề. Trong đó cửa Bồ Đề rộng 600m, sâu 19 - 26m, cửa Ông Trang rộng 600 - 1.800m, sâu 4 - 5m. Sông Cửa Lớn dài 58km nối từ cửa Bồ Đề ở phía Biển Đông với cửa Ông Trang ở Vịnh Thái Lan. Đây là tuyến sông lớn nhất tại khu vực Năm Căn - Ngọc Hiển. Triều biển xâm nhập sâu vào đất liền theo hệ thống sông rạch, do biên độ triều cao nên phần lớn đất đai của huyện thường bị ngập triều. Do biên độ triều các sông chịu ảnh hưởng triều biển Đông lớn hơn nên biên độ triều trên các sông cũng có xu hướng giảm dần từ Đông sang Tây.
Độ mặn nước sông biến đổi theo mùa, mùa khô nước các sông có độ mặn cao hơn, tuy nhiên đối với khu vực huyện Ngọc Hiển do gần sát biển nên sự chênh lệch độ mặn nước sông giữa các mùa biến đổi không lớn như các vùng sâu trong nội địa.
Làng quê yên tĩnh
Đặc điểm địa hình, thuỷ văn của huyện nói chung và vùng Đất Mũi nói riêng thuận lợi cho phát triển giao thông đường thuỷ, du lịch sông nước, phát triển nuôi trồng thuỷ sản, rừng ngập mặn… Những đặc thù của điều kiện thuỷ văn đã được nhân dân địa phương ứng dụng vào sản xuất và đời sống từ lâu đời, tạo nên những nét đặc thù của vùng sông nước miền Tây Nam Bộ nói chung và của huyện Ngọc Hiển nói riêng, đó là: việc xuồng ghe đi lại theo con nước, đóng đáy sông, đáy biển, lấy nước và xả nước các đầm tôm… đã tiết kiệm được nhiều về chi phí và sức lao động, phù hợp với sinh trưởng phát triển tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn, nhất là rừng đước.