Hội An trong ngày nắng hửng mưa rào. Hội An mơ màng và đẹp như mộng trở đi trở lại trong những câu chuyện tình ru ngủ giấc mơ đêm. Hội An trong tình yêu của một cô gái nhỏ.
Tôi tới Hội An vào một ngày có mưa có nắng. Thong dong đi từ Đà Nẵng thì độ một giờ đồng hồ là tới nơi. Đến Hội An, vừa đặt chân vào Giếng Bá Lễ gọi ít nem lụi, thị nướng, bánh xèo thì cơn mưa rào ập tới. Mưa Hội An mang theo nước, theo gió từ Cửa Đại thổi vào, xối xả, mát rượi.
Thịt nướng thơm lừng ở Giếng Bá Lễ - Ảnh: sưu tầm
Cơn mưa vội khiến tôi tìm đến một quán café vườn để trú tạm. Ngồi đưới tán ô lợp lá kè, nhìn xung quanh những hàng lá xanh mượt đẫm nước, nghe Lý Cát thủ thì và nhìn ngắm mưa rơi làm cho lòng phơi phới.
Mưa rơi trong lòng phố cổ - Ảnh: Hihiki
Mưa dứt. Nắng lên. Nước đọng trên ngọn cây lóng lánh. Hội An dần hiện ra tinh tươm, trong trẻo. Lấp ló góc xa những mái ngói nâu sầm, tường nhuốm vàng sậm cổ điển đậm nét kiến trúc… Cuộc dạo chơi Hội An của tôi chính thức bắt đầu.
Giàn hoa nắng Hội An - Ảnh: Cao Anh Tuấn
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Hội An
Ban ngày, ở Hội An không cấm xe qua lại. Nhưng lượn lờ bằng xe máy ở nơi đây thì phí của lắm. Tôi gửi xe ở một căn nhà bán đồ lưu niệm nơi đầu phố rồi mua vé để khám phá những ngôi nhà cổ nơi đây.
Ngõ nắng - Ảnh: Cao Anh Tuấn
Vé tham quan Hội An dạo tôi đi độ 80 nghìn, thăm quan được một phần các khu tính phí. Tôi chọn thăm quan một vài ngôi nhà cổ, một vài ngôi đền, chùa ở nơi đây. Ngày tôi ghé, Hội An đang lạnh lắm. Chẳng phải mùa du lịch nên người Việt Nam có khi còn ít hơn cả người nước ngoài. Đi đâu cũng thấy người ta bắn tiếng Anh, tiếng Pháp như gió, thỉnh thoảng thấy chen vào vài câu tiếng Trung rồi cả tiếng Nhật. Từ anh chàng bán thiệp lưu niệm đến những đứa trẻ bé tí hon cũng làm tôi thấy ngài ngại vì vốn ngoại ngữ của mình. Tại điểm tham quan một ngôi nhà cổ, thấy có đoàn người đang đi theo anh hướng dẫn còn khá trẻ. Tôi cũng ngoe ngoe đi theo mong được ăn hôi. Ai dè nghe một hồi là ngôn ngữ bay loạn xạ. Đến là đau lòng.
Phố vắng - Ảnh: Mucdong
Bạn bè tôi đi Hội An bảo thực ra không cần mua vé tham quan, đầy điểm miễn phí. Nhưng nếu vậy, có lẽ sẽ phải bỏ qua kha khá những thứ hay ho ở nơi đây. Những ngôi đền cổ, những ngôi nhà cổ đặc sắc và anh hướng dẫn dễ thương ở Hội An không gặp thì tiếc lắm.
Ở Hội An có chùa Cầu nổi tiếng. Người Việt Nam hẳn không còn lạ lẫm với ngôi chùa in trên tờ 20 nghìn xanh xanh. Chùa Cầu vốn là một nét kiến trúc đặc sắc mang đậm phong cách Nhật Bản được xây dựng từ thế kỉ XVI. Nhưng cũng trải quả nhiều lần trùng tu thì những nét kiến trúc này đã dần nhòa bớt.
Chùa Cầu từ lâu đã trở thành một hình ảnh vô cùng quen thuộc - Ảnh: sưu tầm
Chùa Cầu ra đời gắn liền với truyền thuyết về một con thủy quái. Theo truyền thuyết, cả cộng đồng người Việt, người Nhật, người Hoa có chung một truyền thuyết về nguyên nhân gây ra động đất. Họ cho rằng ở ngoài đại dương có một loài thuỷ quái mà người Việt gọi là con Cù, người Nhật gọi là Mamazu, người Hoa gọi là Câu Long, đầu của nó ở Nhật Bản, đuôi của nó ở Ấn Độ và lưng của nó vắt qua khe ở Hội An mà cầu Nhật Bản bắc qua. Mỗi khi con thuỷ quái đó quẫy mình thì nước Nhật bị động đất và Hội An không được yên ổn để người Nhật, người Hoa, người Việt được bình yên làm ăn buôn bán. Truyền thuyết cũng có từ lâu rồi. Không ai xác minh thực hư ra sao nhưng người ta vẫn thường bảo nhau rằng dạo trước bên Nhật Bản lụt là do thủy quái dưới chùa Cầu quẫy đuôi mà ra hết.
Chùa Cầu trong tranh vẽ - Tranh: Hoàng Minh
Không chỉ chùa Cầu mà như kiến trúc của Hội An từ nhà cửa cho đến đền chùa đều vô cùng lạ mắt. Đền chùa ở đây màu sắc rực rỡ và họa tiết vô cùng cầu kì, không gian được ở ra xung quanh, vô cùng thoáng đãng. Nhà cổ tôi được tham quan ở đây cũng rất lạ. Những ngôi nhà mang kiến trúc cổ có giếng trời ở giữa, hút nắng, hút gió vào nhà, mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm.
Bên trong một ngôi đền phố Hội - Ảnh: sưu tầm
Đường ở Hội An nhỏ nhắn, xinh đẹp và mộng mơ. Ở Hội An tôi hầu như không thấy bóng dáng của chiếc xe hơi nào trong phố. Người ta đi bộ nhiều, cũng đi xe đạp, lác đác xe máy qua. Đan xen màu ngói, màu tường là bụi cây leo hoa vàng ươm như nắng, là lấp ló những lồng đèn rực rỡ sắc màu. Được dạo dạo ở đây sướng tơi cả người. Tôi cứ đi rồi đi hoài không biết chán.
Hội An thuở trước - Ảnh: sưu tầm
Dường như, tôi có cảm giác, Hội An là biểu tượng của hình ảnh một người con gái truyền thống phương Đông nhưng cũng rất phóng khoáng, trẻ trung và năng động.
Từ những mái ngói nâu sồng san sát, đi độ vài km sẽ thấy biển Cửa Đại. Đường ra cửa Đại đẹp lắm. Những biệt thự và khu nghỉ dưỡng được bao phủ bởi màu xanh dịu mượt. Những quán café mộc, phóng khoáng và tự nhiên nối dài cùng ăm ắp con nước đôi bờ. Biển ngày Đông vắng vẻ và lạnh. Tôi vứt xe ở một góc rồi ngồi bệt xuống bên một gốc dừa ngắm biển. Biển Cửa Đại hay lắm. Có những đoạt rì rào sóng cát mênh mang, có những khúc lại là hàng dài đê chắn. Sóng và gió rạt rào xô biển vỗ vào bờ, liếm hàng dài những đá. Từ lâu rồi, tôi đã thích biển. Nhưng là biển của mùa đông. Lạnh và mạnh mẽ. Nhìn sóng biển từng cơn người ta có cảm giác như những thăng trầm của cuộc đời con người vậy.
Mùa Đông bên Cửa Đại - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: khách sạn giá tốt tại Quảng Nam
Tôi ngồi ngoài biển đến xế chiều. Khi về gặp mưa lớn. Lại tìm một quán nhỏ ven đường để trú chân. Không hiểu có phải do tôi gặp may hay không mà vào café nào ở Hội An cũng đều đáng yêu, đáng nhớ lắm. Quán nhỏ, đơn sơ, nằm ven đường biển. Không gian quán mở ra xung quanh, có ao, có vườn và có những chiếc ghế tre mộc. Tôi gọi tách ca cao nóng ấm rồi chầm chậm ngắm nhìn hết chung quanh. Thư thái.
Trước khi đến Hội An, tôi lên cả một trang dài danh sách những quán hàng đồ ăn ngon nghẻ. Nhưng thời gian ở lại đây ít quá. Nên tên Cao lầu nghe lạ lạ, hay hay làm tôi nóng lòng muốn thử. Tôi nghe người ta bảo rằng, tên Cao lầu vì món ăn này ngày xưa ăn ở trên lầu cao nên gọi luôn thành vậy. Nhìn bát Cao lầu đơn giản lắm. Sợi mì to như mì Udon của Nhật nhưng màu lại vàng vàng, ăn kèm thịt tôm, thịt nạc rán giòn, cắt mỏng, ít tóp mỡ ngậy ngậy và chút nước dùng, chút rau thơm ăn kèm. Ấy thế mà tôi ăn hoài không chán. Ăn xong còn ngoái lại thòm thèm.
Cao Lầu – nét tự hào của ẩm thực Hội An - Ảnh: Wan Lu
Tôi đến Hội An non cũng độ một năm ròng. Đến giờ vẫn nhớ, vẫn thèm, vẫn thương. Nhiều người thích Hội An buổi đêm hơn khi trời sáng vì nó lung linh lạ kì. Tôi thì thôi thích cả, tôi yêu hết. Hội An trong ngày nắng hửng mưa rào. Hội An trong tôi. Hội An trong tôi vẫn còn đó những câu chuyện tình ru ngủ giấc mơ đêm. Tôi sẽ lại nhớ về Hội An, lại kể về Hội An và đêm Hội An vào một ngày lung linh cảm xúc.
Xem thêm: Hội An mùa gió lạnh – Phần 2
Nguyễn Thanh Hằng - mytourblogs.com
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền mytourblogs.com. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại mytourblogs.com.
- Hội An mùa gió lạnh thường diễn ra từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau.
- Nên mặc quần áo ấm, có thể là áo khoác, áo len, khăn quàng cổ để giữ ấm.
- Bạn có thể tham gia các hoạt động như đi bộ trên phố cổ Hội An, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham quan các di tích lịch sử, đền chùa, chùa chiền, tham gia các lễ hội địa phương.
- Quảng Nam có nhiều địa danh nổi tiếng như phố cổ Hội An, đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà, đền Mỹ Sơn, chùa Cầu, bãi biển An Bàng, bãi biển Cửa Đại, chùa Bà Đanh.
- Miền Trung có nhiều món ăn đặc trưng như bánh xèo, mì Quảng, bún bò Huế, nem lụi, bánh bèo, bánh canh, bánh tráng cuốn thịt heo, chả cá Lăng Cô, cháo hến, bánh ít trần, bánh bột lọc.
1 Thích