Tôi bắt đầu hành trình đi Bạc Liêu vào tối thứ Sáu, sau khi kết thúc công việc của một tuần. Thật tình cờ, trên chuyến xe đêm, những câu hát da diết “Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu như sống lại hồn Cao Văn Lầu. Về Bạc Liêu danh tiếng ôn lại giấc ngủ vàng son một thời để nhớ ngày đó xa rồi” đưa tôi vào giấc ngủ êm đềm. Từ TP. HCM, sau khoảng 6 giờ ngồi trên xe, hành trình không quá dài và vất vả, tôi đã đến Bạc Liêu, nơi vốn nổi tiếng là vùng đất trù phú, sầm uất, phát triển sớm nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tưởng rằng một ngày ngắn ngủi, tôi sẽ chẳng biết làm sao để có thể “đi hết, biết hết” những điểm du lịch ở Bạc Liêu. Thế nhưng, nhờ sự nhiệt tình của những người dân nơi đây, tôi đã có một ngày “ôn lại giấc ngủ vàng son” tuyệt vời trên mảnh đất này. Bạn cùng tham khảo nhé!
Bạc Liêu, vùng đất nổi danh với đờn ca tài tử và bài Dạ cổ hoài lang – Ảnh: Báo Bạc Liêu
Vì trong chuyến đi lần này, tôi chỉ có một mình nên khi đến Bạc Liêu tôi quyết định chọn xe ôm làm phương tiện di chuyển. Để tiết kiệm chi phí, tôi thuê xe ôm nguyên một ngày, cho tất cả các điểm du lịch Bạc Liêu với giá 250.000 đồng. Chú xe ôm nhiệt tình vừa đưa đi, chờ đợi tôi tham quan vừa kiêm “hướng dẫn viên” cho tôi.
Nếu đi ít người, bạn có thể chọn xe ôm giống tôi. Nếu đi đông, bạn nên thuê xe máy với giá khoảng 150.000 đồng/ngày. Hoặc bạn có thể đi xe ô tô dịch vụ tại Trung tâm Điều hành du lịch Bạc Liêu, 2 Hoàng Văn Thụ, P. 3, TP. Bạc Liêu, ĐT: (0781) 382 2437. Giá thuê xe ô tô 7 chỗ đi một vòng các điểm du lịch Bạc Liêu theo lộ trình mà tôi sẽ kể dưới đây khoảng 500.000 đồng.
Góc bình dị của Bạc Liêu - Ảnh: Sưu tầm
Tôi bắt đầu xuất phát từ trung tâm thành phố hướng về dâng hương lễ Phật tại Quan Âm Phật đài mẹ Nam Hải tọa lạc ở phường Nhà Mát, cách thành phố Bạc Liêu khoảng 8km. Con đường dẫn vào Quan Âm Phật đài đang được mở rộng để đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách. Chú xe ôm – người bạn đồng hành của tôi – nói rằng, nơi đây vẫn đang là “một công trường” vì các công trình phục vụ du lịch đang tiếp tục được hoàn thiện. Thế nhưng, tới nơi tôi thây mọi thứ vẫn trong trật tự, tôn nghiêm. Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 11m đứng uy nghi hướng nhìn ra biển nổi bật giữa không gian thiền tịnh. Dù hôm tôi đi không phải ngày rằm hay lễ gì, nhưng vẫn có đông đảo Phật tử thành kính dâng hương bái Phật.
Quan Thế Âm Bồ Tát giữa mênh mông đất trời – Ảnh: panoramio
Nếu đã quá quen thuộc với những bãi biển trong xanh ở Phan Thiết hay Nha Trang, có thể bạn sẽ chần chừ khi được giới thiệu ra biển chơi khi đi du lịch Bạc Liêu. Thế nhưng biển Bạc Liêu có những nét đặc biệt riêng mà khi tới đây rồi du khách đều thích thú. Thay vì những bãi dương, thì ven biển ở đây là những bãi đất bùn bồi đắp cho cây sú, vẹt sinh sống thành rừng. Những chú cá thòi lòi dười nước thi nhau bò lên bãi bùn ở bờ biển để sưởi nắng nhìn rất ấn tượng. Ở biển Bạc Liêu có một khu ẩm thực Phố Biển được xây dựng trên mặt biển, cách bờ cả trăm mét nối với đất liền bằng một cây cầu nhỏ. Cảm giác được ngồi ngoài biển khơi thưởng thức hải sản không gì thú vị bằng.
Dọc bờ biển cũng có một khu chợ bán hải sản tươi ngon đủ loại. Nhiều ngư dân sau cũng mang hải sản đánh bắt được lên chợ bày bán nên giá cả ở đây rất phải chăng. Nếu đi đông người, các bạn nên mua hải sản từ ngư dân rồi thuê người nấu (ngay tại khu chợ này) rồi chọn một quán nước tại bờ biển ngồi nghỉ ngơi, thưởng thức bữa trưa trong làn gió mát rượi trước khi lên đường khám phá điểm tiếp theo trong hành trình du lịch Bạc Liêu.
Biển Bạc Liêu đầy tôm cá - Ảnh: thbl
Cây cầu nhỏ nối đất liền với khu ẩm thực Phố Biển – Ảnh: flickr
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Bạc Liêu
Rời biển Bạc Liêu, tôi đi về vườn nhãn cổ có từ khoảng hai trăm năm trước. Vườn nhãn cổ trải dài hàng chục kilômét dọc theo con đường nhỏ. Đi trên con đường này, bạn sẽ thấy xum xuê nhãn đang trổ bông trắng xóa. Nếu đi vào mùa quả, bạn sẽ tha hồ được thưởng thức mùi vị thơm ngon rất đặc trưng của những quả nhãn trên những cây có tuổi đời cả trăm năm.
Vườn nhãn cổ là điểm du lịch được yêu thích ở Bạc Liêu - Ảnh: phunukieuviet
Tiếp tục đi trên con đường ở khu vườn nhãn cổ, sau khoảng 10 phút, tôi đã đến với nơi ấn tượng nhất, điểm du lịch đặc sắc nhất của Bạc Liêu. Đó là ngôi chùa Xiêm Cán của đồng bào Khmer. Trong ánh nắng chiều vàng, chùa Xiêm Cán hiện ra rực rỡ sắc màu vàng và đỏ, nổi bật lên trong vườn cây cao vút. Trong những công trình như chánh điện, sala, tháp xá lợi… những họa tiết rắn năm đầu, phù điêu tiên nữ và quái vật độc đáo ở mái vòm, tường, các hàng cột và cầu thang. Chùa Xiêm Cán không chỉ là nơi thờ cúng mà còn là nơi lưu giữ văn hóa Khmer. Đến đây vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 Âm lịch, bạn sẽ được tham dự các lễ hội như Dolta, Ok Om Bok. Trong buổi chiều đẹp, giữa không gian tịch mịch của nơi này, bạn thấy mọi mệt mỏi căng thẳng dường như được buông bỏ hết.
Cổng chùa Xiêm Cán, điểm du lịch đặc sắc ở Bạc Liêu - Ảnh: flickr
Chùa Xiêm Cán nổi bật giữa không gian xanh mát – Ảnh: flickr
Xem thêm: các tour du lịch lễ hội, hành hương giá tốt
Từ sáng sớm, đi hết một vòng các điểm du lịch ở Bạc Liêu, tôi trở về sân chim khi ánh chiều đang xuống. Đây chính là thời điểm thích hợp nhất để ngắm từng đàn chim ríu rít bay về tổ sau cả ngày mải miết kiếm ăn. Giờ tôi mới hiểu vì sao chú xe ôm lại chở tôi đi một vòng từ điểm xa trung tâm rồi về điểm gần trung tâm mà không đi điểm gần trước. Vì chỉ lúc này bạn mới được chiêm ngưỡng nhiều loài chim quý như điên điển, quắm trắng, quắm đen, còng cọc, dang sen… xao xác trên ngọn cây.
Buổi chiều từng đàn chim bay về tổ xào xạc ngọn cây - Ảnh: thbl
Tôi rời sân chim về nơi đặc biệt nhất ở thành phố Bạc Liêu là nhà công tử Bạc Liêu khi chỉ còn 15 phút là đến 5h chiều. Vậy là tôi có 15 phút tham quan bên trong nhà của vị công tử nổi tiếng một thời. Nhà công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13-15 Điện Biên Phủ, phường 3, Bạc Liêu. Trong nhà, những vật dụng gắn với vị công tử nổi danh một thời như giường, gụ, chén trà, bàn ghế… vẫn mới đẹp và được lưu giữ cẩn thận. Một hướng dẫn viên đi cùng tôi vào khắp các phòng, tầng, kể cho tôi những câu chuyện, giới thiệu về nguồn gốc gắn liền với những đồ vật trong nhà... Cho đến khi anh hướng dẫn viên nói đã đến giờ đóng cửa tôi vẫn còn muốn nấn ná thêm chút nữa trong không gian “giàu có” này. Chính vì lẽ đó, tôi quyết định cho mình vào vai “công tử” thưởng thức bữa tối tại khuôn viên nhà công tử Bạc Liêu trước khi lên xe về lại thành phố kết thúc một ngày ấn tượng ở Bạc Liêu.
Nhà công tử Bạc Liêu – Ảnh: panoramio
Nội thất nhà công tử Bạc Liêu – Ảnh: Nguyễn Thanh Bình
Mách bạn:
- Nếu có thời gian, bạn có thể ở lại Bạc Liêu thêm 1-2 ngày để tham quan, khám phá thêm nhiều địa danh du lịch nữa như khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhà tưởng niệm Bác Hồ, di tích đồng Nọc Nạng, tháp cổ Vĩnh Hưng…
- Bạn hãy thưởng thức thêm nhiều món ăn hấp dẫn ở Bạc Liêu như bánh củ cải, bún nước lèo, bún cá, bánh xèo, bún bò cay… Dạo chợ đêm trên đường Hai Bà Trưng để thưởng thức những món này bạn nhé.
Bánh củ cải là một trong những món ăn bạn nên thưởng thức khi đi du lịch Bạc Liêu - Ảnh: Internet
Các khách sạn ở Bạc Liêu đều dễ đặt phòng. Nếu không đi vào các dịp lễ, bạn có thể xuống đến nơi rồi vào hỏi nhận phòng luôn. Nhưng để chủ động cho chuyến đi của mình, bạn nên gọi điện thoại đặt phòng trước hoặc lên các trang trực tuyến đặt phòng để hưởng giá tốt nhất.
Xem thêm: các khách sạn giá tốt tại Bạc Liêu
Vậy là chỉ với một ngày đi Bạc Liêu, nhưng tôi đã có những trải nghiệm tuyệt vời khi được “đóng vai” vị công tử đốt tiền nấu trứng, được ngắm từng đàn chim bay về tổ trong ráng chiều, được quan sát ngư dân đánh bắt trên biển… và cảm nhận được sự nhiệt tình, thân thiện của những con người chân chất trên mảnh đất này. Một ngày tuy ngắn ngủi, nhưng là một ngày đáng nhớ của tôi trong chuyến du lịch Bạc Liêu lần này!
Hải Yến – Mytour.vn
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền Mytour.vn. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.
1 Thích