Giữa miền Tây sông nước có một nơi núi non trập trùng, cảnh quan hữu tình. Đó chính là vùng thất sơn - tức bảy ngọn núi - ở An Giang. Trong dãy 7 ngọn núi này, núi Cấm hay còn gọi là Thiên Cấm Sơn là đỉnh cao nhất, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Núi Cấm hùng vỹ mọc lên giữa đồng bằng với phong cảnh như một bức tranh thủy mặc làm xao lòng du khách. Trên đỉnh núi có hệ thống chùa chiền và tượng Phật, hồ nước, vườn cây rất đẹp. Chính vì vậy, núi Cấm là một trong những địa điểm du lịch thu hút du khách ở An Giang, là nơi mà đông đảo các thiện nam tín nữ hành hương về lễ Phật, vọng cảnh.
Thiên Cấm Sơn hữu tình – Ảnh: Đat Tran
Vào mùa nước nổi, trên đường về Thiên Cấm Sơn, bạn sẽ bắt gặp nhiều cảnh rất đẹp ở hai bên đường. Có đoạn là những ruộng lúa trải mênh mông. Có đoạn là những cánh đồng thốt nốt cao vút soi bóng xuống mặt nước lấp loáng khiến bạn không thể cưỡng lại mà dừng xe chụp vài tấm ảnh làm kỷ niệm.
Du lịch An Giang mùa nước nổi, những hình ảnh này sẽ khiến bạn vô cùng thích thú – Ảnh: huyenhoang
Tới chân khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm, bạn mua vé lên núi tham quan với giá 15.000 đồng. Nếu muốn vận động, bạn có thể cùng bạn bè leo núi bằng con đường mòn mà khách hành hương thường hay leo. Nếu leo núi, bạn sẽ có dịp thưởng ngoạn núi rừng, ghé suối Thanh Long hòa vào dòng nước mát lạnh và tìm hiểu về đời sống của người dân sống trên triền núi. Nếu bạn muốn đi xe ôm lên, thì ngay ngoài cổng khuôn viên khu du lịch Lâm Viên Núi Cấm cũng có một đội xe. Giá xe ôm khoảng 100.000 đồng/người (bao gồm cả lượt đi và về). Các anh xe ôm sẽ hướng dẫn bạn những điểm tham quan. Bạn cứ chơi thoải mái trên núi, khi nào muốn quay xuống thì gọi điện, các anh xe ôm sẽ đón. Tới chân núi, bạn mới phải trả tiền. Theo quy định, bạn không được tự chạy xe máy lên núi.
Trên đường lên núi, bạn đã thấy mây phủ khắp đỉnh núi - Ảnh: panoramio
Ở độ cao khoảng hơn 700m, núi Cấm được nhiều người ví như một Đà Lạt thu nhỏ của khu vực miền Tây Nam bộ. Ngoài những danh lam thắng cảnh, núi Cấm còn có môi trường thiên nhiên hấp dẫn, hoa lá bốn mùa tạo nên một bức tranh tươi đẹp. Trên núi có nhiều đỉnh cao thấp khác nhau gọi là vồ. Đứng từ trên các vồ cao nhìn xuống, bạn sẽ thấy đỉnh núi Cấm như một lòng chảo lớn, bốn xung quanh là chùa chiền, núi non, ở giữa là một hồ nước rộng mênh mông.
Ở trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, du khách mới cảm nhận hết sự bao la quang đãng của đất trời. Vào những ngày sương hay nhiều mây, những đám mây bồng bềnh sà xuống, đỉnh núi được phủ một màn sương huyền ảo, lúc này du khách như được phiêu lãng trong mây trời.
Đỉnh núi Cấm như một lòng chảo rộng lớn - Ảnh: de nguyen
Xem thêm: Các khách sạn giá tốt tại An Giang
Bắt đầu bước vào “cao nguyên Thiên Cấm Sơn”, bạn sẽ thấy những ngôi chùa rất đẹp. Vạn Linh Tự nằm dựa lưng vào sườn núi, trước mặt là hồ Thủy Liêm rộng mênh mông. Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc vừa mang sắc thái Á Đông vừa mang tính hiện đại bao gồm tiền đường và hậu đường. Nổi bật là Quan Âm các chín tầng cao 40m. Trong khuôn viên chùa là những vườn hoa, cây kiểng, vườn cây ăn trái tươi tốt bốn mùa, tạo nên nét đẹp hài hòa giữa lối kiến trúc tôn giáo và cảnh sắc thiên nhiên.
Chùa Vạn Linh đẹp với thế tựa sơn, hướng hồ - Ảnh: oivietnam
Quần thể chùa Vạn Linh - Ảnh: tuvientuongvan
Chùa Phật Lớn nằm cách chùa Vạn Linh không xa. Đây vốn là một ngôi cổ tự danh tiếng ở núi Cấm được tôn tạo và mở rộng, bao gồm khu chánh điện, nhà chuông, nhà nghỉ. Từ bên cổng chính vào núi, có một cây cầu rất đẹp bắc qua hồ Thủy Liêm sang chùa. Đứng trên cầu, bạn có thể thấy từng đàn cá đông nghịt đủ loại to nhỏ, từ cá chép, rô phi, điêu hồng, tới cá lóc cá trê đều có bơi lên ăn tạo nên màu sắc rất đẹp mắt. Thỉnh thoảng một đôi ngỗng lại ra hồ bơi lội, phong cảnh rất nên thơ.
Chùa Phật Lớn – Ảnh: thuydaonguyen
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni trong chánh điện chùa Phật Lớn - Ảnh: commons
Cây cầu bắc sang chùa Phật Lớn – Ảnh: Đat Tran
Nổi bật nhất trên đỉnh Thiên Cấm Sơn là tượng Phật Di Lặc, một công trình văn hóa nghệ thuật tôn nghiêm được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á. Tượng Phật Di Lặc có chiều cao từ dưới chân đế đến đỉnh đầu 33,6m. Hình ảnh Phật Di Lặc với cái bụng bự, khuôn mặt đôn hậu cùng nụ cười hồn nhiên đã trở thành quen thuộc đối với các Phật tử khi đến núi Cấm. Phía trước tượng Phật Di Lặc là rừng cây cao thoáng mát, còn hai bên đường lên bán rất nhiều loại thuốc Nam, cây quả rừng lạ mắt.
Tượng Phật Di Lặc với nụ cười hiền hòa, an nhiên tự tại – Ảnh: Le Ngoc Long
Đây là tượng Phật Di Lặc trên núi lớn nhất châu Á - Ảnh: Bemphoto
Cảnh tượng nổi bật giữa bao la núi rừng - Ảnh: BemPhoto
Xem thêm: Tour du lịch về An Giang
Hành trình về Thiên Cấm Sơn không chỉ giúp bạn tận hưởng cảnh quan thiên nhiên đầy vẻ khoáng đạt với núi non xanh tươi đầy sức sống, mà còn có thể dành những khoảng lặng riêng cho tâm hồn khi vãn cảnh chùa. Trong không gian thiền tịnh, thỉnh thoảng vọng lại tiếng chuông chùa khiến bạn cảm thấy thanh thản, bao muộn phiền của cuộc sống dường như tan biến.
Mênh mông hồ Thủy Liêm trên núi Cấm - Ảnh: BemPhoto
Xem thêm : Các khách sạn giá rẻ tại An Giang
Hoàng hôn hư ảo phía chân mây - Ảnh: Dat Tran
Vì vậy, hãy lên kế hoạch đi du lịch An Giang mùa này để vừa có dịp ngắm miền Tây mùa nước nổi vừa được thư tịnh trên Thiên Cấm Sơn trong mùa vàng thu nhé!
Hải Yến - Mytour.vn
Lưu ý: Tất cả bài viết thuộc bản quyền Mytour.vn. Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour.vn.
- Thiên Cấm Sơn là một ngọn núi cao 710m nằm ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Miền Nam Việt Nam. Đây là một trong những địa điểm hành hương nổi tiếng của người dân địa phương và du khách.
- Lễ hội hành hương Thiên Cấm Sơn diễn ra vào ngày 15/2 âm lịch hàng năm.
- Trong lễ hội hành hương Thiên Cấm Sơn, người dân và du khách sẽ cùng nhau tham gia các hoạt động như lễ cúng, lễ rước, lễ đền, lễ hát, lễ múa và các trò chơi dân gian.
- Thiên Cấm Sơn có cảnh quan tuyệt đẹp với những dãy núi xanh ngút ngàn, những thác nước trắng xóa và những hang động kỳ vĩ. Đặc biệt, từ đỉnh núi, du khách có thể ngắm toàn cảnh vùng đất thánh An Giang.
- Khi đi hành hương Thiên Cấm Sơn, du khách nên chuẩn bị đầy đủ đồ dùng cá nhân, giày dép thoải mái, nước uống và thức ăn nhẹ. Ngoài ra, cần lưu ý về vấn đề an toàn khi leo núi và tham gia các hoạt động trong lễ hội.
0 Thích