Khi núi rừng Tây Bắc khoác lên mình chiếc áo rực rỡ của những cánh hoa đào hoa mơ hoa mận, khi sương lạnh giăng bồng bềnh trên những rẻo núi cao, tiếng khèn vang vọng giữa không gian núi rừng với những bản tình ca lãng mạn cũng là khi mùa xuân về với bản làng, với người H''''''''''''''''Mông trên núi rừng phương Bắc.
Xuân trên bản làng H’Mông thôi thúc lòng người rạo rực. Những bông hoa níu chân người say mê khám phá vẻ đẹp mộc mạc của vùng sơn cước trong buổi sớm mùa xuân tuyệt đẹp.
Mùa xuân Tây Bắc thay màu áo mới với sắc đào nở thắm - Ảnh: Minh Thu Le
Mùa xuân về các cô gái H’Mông váy xòe rực rỡ ngắm đào trong bảng lảng sương giăng - Ảnh: sưu tầm
Các em bé chơi trên cây đào nở hoa rực rỡ - Ảnh: Tuan Vu
Mời các bạn cùng Mytour du xuân Tây Bắc, đón xuân về trên những bản làng của người H''''''''''''''''Mông.
Khi những nụ hoa báo hiệu mùa xuân Tây Bắc đang về, những thiếu nữ H’Mông mặc váy áo mới màu sắc sặc sỡ xuống núi về chợ phiên Tết. Chợ Tết nhộn nhịp, thứ gì cũng có, từ quần áo, khăn mũ đến thực phẩm, đồ gia dụng... rực rỡ màu sắc hơn bất cứ phiên chợ nào trong năm.
Ngày xuân phiên chợ đông đúc - Ảnh: sưu tầm
Mặt hàng thổ cẩm được bày bán rất nhiều trong phiên chợ Tết - Ảnh: sưu tầm
Để chuẩn bị cho gia đình một cái Tết thật sung túc sau vụ mùa bội thu những cô gái sẽ sắm sửa thật nhiều trong phiên chợ cuối năm để mọi người cùng có đồ mới thật đẹp và mâm cỗ Tết thật đầy.
Các cô gái H’Mông sẽ xuống chợ mua sắm thật nhiều cho ngày Tết - Ảnh: Duc Viet Tran
Trong mâm cỗ Tết của người H’Mông có nhiều món đặc biệt, nào là bánh dầy rán, thịt lợn hong khói rang lá mắc mật, thịt lợn nướng và bình rượu ngô… Trong đó, không thể thiếu bánh dầy và thịt lợn. Mỗi gia đình tùy theo từng dòng họ mà để ba, năm hoặc bảy chiếc bánh dày lên bàn thờ cúng tổ tiên.
Bánh dày là món truyền thống trong ngày Tết của người H’Mông - Ảnh: wikipedia
Thịt lợn gác bếp cũng không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của đồng bào H’Mông - Ảnh: Tuan Hoang Anh
Bánh dày cũng như bánh chưng dưới xuôi, là món ăn cổ truyền từ lâu đời và là nét đặc trưng của cái Tết người H’Mông. Thế nên, những ngày đầu xuân Tây Bắc, đến với các bản làng người H’Mông, nghe trong không trung vang vọng tiếng chày giã bánh dầy, tiếng sáo tiếng khèn réo rắt bên sườn núi.
Tiếng chày giã bánh dày vang vọng núi rừng - Ảnh: Thanh Hà
Tiếng khèn là món ăn tinh thần của người H’Mông. Tiếng khèn xuất hiện gần như trong tất cả các hoạt động đời sống hàng ngày của người dân trong bản. Tiếng khèn theo đồng bào H’Mông lên nương, xua tan những nhọc nhằn, vất vả; tiếng khèn càng thêm rộn rã để gắn kết những tâm hồn, hòa quyện con người với thiên nhiên; tiếng khèn tha thiết gọi bạn tình đến bên nhau. Vậy nên chẳng cớ gì mà Tết đến xuân về tiếng khèn lại không vang vọng khắp núi rừng Tây Bắc.
Tiếng khèn vang vọng khắp bản làng người H’Mông khi mùa xuân về - Ảnh: yenbai.gov
Ngày xuân, các chàng trai người H’Mông thổi khèn không chỉ đơn giản là để giải trí mà còn là thể hiện tài nghệ của mình và thông qua tiếng khèn réo rắt, nhiều chàng trai, cô gái đã tìm được “một nửa” của mình để cùng nhau xây dựng hạnh phúc.
Tiếng khèn giao duyên ngày xuân Tây Bắc - Ảnh: vov2
Theo phong tục của đồng bào H’Mông, Tết đến những dụng cụ lao động cũng được nghỉ Tết, được rửa sạch và dán một mảnh giấy rồi dựng bên góc nhà. Nên ngày xuân ở núi rừng Tây Bắc là ngày của hội hè, vui chơi; là ngày: “Rượu ngô anh uống khèn anh thổi/ Váy hoa em múa hòa sắc xuân”.
Chào đón mùa xuân Tây Bắc, cùng với những bữa tiệc linh đình, chếnh choáng say men rượu ngô là tưng bừng lễ hội của đồng bào. Ở nơi có tiếng trống rộn ràng là nơi vui nhất của bản làng, có văn nghệ, ném còn, đẩy gậy, hát giao duyên, bắn nỏ, uống rượu tập thể... Những vòng xòe của các chàng trai cô gái theo tiếng trống vui xuân cất lên giòn giã, cuốn hút.
Nơi nào vang tiếng trống nơi đó có hội xuân - Ảnh: laocai.gov
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Sơn La
Trong khung cảnh mùa xuân Tây Bắc tràn đầy sức xuân ấy bao giờ cũng kèm theo các cuộc thi, trò chơi dân gian độc đáo. Thi trang phục dân tộc H’Mông, múa khèn, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co, ném pao, giã bánh dày... hội nào cũng vui, cũng thu hút.
Thi đẩy gậy - Ảnh: laocai.gov
Hội thi thổi khèn rộn ràng xuân Tây Bắc - Ảnh: sưu tầm
Trẻ em vui đùa ngày xuân - Ảnh: sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Lào Cai
Ở các bản làng người H’Mông, vào những ngày xuân sẽ có trò chơi ném trái pao. Trên các bãi đất bằng đầu bản, trò ném pao thu hút nhiều người từ bản bên, xã bạn gần xa đến tham gia trong không khí vui vẻ đoàn kết, nhưng phần đông tham gia là các nam thanh, nữ tú. Điểm đặc sắc nhất trong trò chơi ném pao cũng là dịp để trai gái trao gửi ánh mắt nụ cười tìm bạn lòng. Trái pao như một lời hẹn, trao nhau nỗi nhớ, để nên những lứa đôi hạnh phúc.
Ném pao ngày xuân - Ảnh: sưu tầm
Ném pao tỏ tình - Ảnh: Minh Huệ
Các chàng trai người H’Mông còn tham gia đua ngựa để thể hiện sức mạnh của mình. Đua ngựa là biểu hiện của tinh thần phóng khoáng, dũng mãnh và tự tin của chàng trai người H’Mông. Mọi người cùng tụ tập hò reo cổ vũ. Khi cuộc đua kết thúc, dù thắng hay thua, mọi người vẫn quây quần bên bếp lửa mừng nhau trong chén rượu nồng ấm áp giữa ngày xuân.
Những chàng trai dũng mãnh trên lưng ngựa - Ảnh: danviet
Những cuộc thi, trò chơi, điệu múa, tiếng khèn cứ thế kéo dài khiến cho không khí ngày xuân càng rộn ràng khắp vùng cao Tây Bắc - Ảnh: Huỳnh Phạm Anh Dũng
Xem thêm: Các tour du lịch Lào Cai giá rẻ
Xuân Tây Bắc nói chung và Tết của đồng bào H’Mông nói riêng luôn có những điều hấp dẫn thu hút đặc biệt. Được hòa mình vào tiếng khèn tiếng sáo, say trong điệu xòe với đồng bào H’Mông trong dịp Tết cổ truyền sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm không thể nào quên. Thế nên, xuân 2015 này, bạn cũng có thể lên một lịch trình du xuân Tây Bắc để có dịp thưởng thức Tết với người H’Mông. Nếu chưa rõ hành trình như thế nào, bạn có thể liên hệ để Mytour giúp bạn có một chuyến du xuân Tây Bắc tuyệt vời nhé.
Tùy Phong – Mytour.vn
Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Mytour (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Mytour..
0 Thích