Huyện Cái Bè có vị trí địa lý vô cùng thuận lợi cho cả 2 tuyến giao thông thủy - bộ. Cái Bè vừa nằm cạnh bên bờ sông Tiền vừa có quốc lộ 1A chạy qua chia Cái Bè ra làm hai nửa, một nửa là diện tích trồng lúa, một nửa là diện tích trồng cây ăn trái chuyên canh với nhiều loại trái cây đặc sản có thương hiệu như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi long Cổ Cò bên cạnh đó Cái Bè còn có nhiều di tích lịch sử, di tích kiên trúc văn hóa, nền văn hóa ẩm thực mang đậm hương vị làng quê và cả tấm lòng đôn hậu, mến khách của người dân nơi đây.
Du khách đến Cái Bè ngoài việc được sống giữa thiên nhiên không khí trong lành, thì du khách còn được đến thăm các di tích lịch sử như khu Thiên Hộ Dương, chiến thắng Đập Ông Tải, chiến thắng Cổ Cò, Chùa Bà Cạn, thăm làng nghề truyền thống, Cồn Cổ Lịch đặc biệt là 2 ngôi nhà khổ nơi còn lưu lại nhiều nét kiến trúc và nhiều cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử gắn liền với vùng đất Cái Bè thế kỷ thứ XIX và đầu thế kỷ thứ XX. Chính hai ngôi nhà cổ nầy là điểm du lịch thu hút khách du lịch đến tham quan khá đông.
Sông Cái Bè, đoạn chảy qua thị trấn Cái Bè - Ảnh: Sưu tầm Từ thị trấn Cái Bè đi bằng tàu du lịch khoảng 15 phút bạn sẽ đến ngôi nhà thứ nhất tọa lạc ở ấp An Lợi, xã Đông Hòa Hiệp, ngôi nhà được xây dựng từ năm 1938 gồm hai gian, ba chái, mang đậm truyền thống Á đông xen lẩn những nét kiến trúc mềm mại theo kiểu kiến trúc Pháp. Các đồ dùng trong nhà như tủ, bàn, ghế được trang trí rất gọn gàng, cân đối và đẹp mắt, các đồ dùng này đều có tuổi thọ từ 50 năm đến trên 100 năm, đặc biệt là 3 chiếc tủ thờ được cẩn ốc sà cừ rất tinh vi và độc đáo, cho thấy sự khéo léo, tinh vi và óc thẩm mỹ của các nghệ nhân thời trước, khách du lịch rất thích thú với nghệ thuật cẩn ốc sà cừ này nhất là qua các nội dung được cẩn với ý nghĩa giáo dục đạo đức rất sâu sắc.
Nhà cổ xây dựng năm1838 ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè - Ảnh: Sưu tầm
Rời căn nhà thứ nhất đi đò khoảng 30 phút là đến ngôi nhà cổ thứ hai ở ấp Hòa Phú, xã Hòa Khánh. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1860, vật liệu chủ yếu bằng gỗ. Ông Trần Quang Mẫn, chủ nhân thừa kế đời thứ năm của ngôi nhà thì gia phả ghi lại cho biết: ngôi nhà được các nghệ nhân tài hoa ở cố đô Huế vào thi công, đến năm 1923 ngôi nhà được sửa chữa lại một lần làm cho ngôi nhà bị biến đổi chút ít, từ kiến trúc theo kiểu cung đình Huế giờ có pha thêm những nét chấm phá theo kiểu kiến trúc Pháp, chủ yếu là mặt tiền của ngôi nhà còn phần bên trong vẫn được giữ gìn trọn vẹn với những nét cổ kính của nó. Đây là căn nhà của dòng họ Phạm thuộc tầng lớp quan lại của triều đình nhà Nguyễn, cho nên những đồ dùng trong gia đình thuộc tầng lớp phong kiến, giàu có của giai đoạn đó và đây cũng là gia đình có nhiều đóng góp cho cách mạng, cho nên cũng có nhiều chuyện kể về gia đình giúp đỡ Việt Minh đánh Tây vào những năm 1930-1945.
Tháp mộ Trần Bá Lộc ở thị trấn Cái Bè - Ảnh: Sưu tầm
Do chiến tranh nên một số cổ vật và đồ dùng trong gia đình bị thất lạc và bị mất, nhưng vẫn còn lại nhiều cổ vật và đồ dùng gia đình có thể giúp các bạn biết được đời sống văn hóa xã hội của vùng đất Cái Bè cách đây một hai thế kỷ. Đồ dùng trong gia đình được bài trí khá công phu, nhìn vào nơi bố trí bàn ghế chúng ta có thể biết được người ngồi ở đó thuộc vai vế nào trong dòng tộc.
Thánh thất Cao Đài ở thị trấn Cái Bè - Ảnh: Sưu tầm
Phát triển du lịch ngoài việc góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương thì du lịch còn tạo điều kiện để giao lưu văn hóa, giúp mọi người hiểu nhau hơn và gần nhau hơn. Với ý nghĩa đó Cái Bè một chấm nhỏ của du lịch Việt Nam sẽ phát huy hết tiềm năng sẵn có của mình để thu hút khách du lịch đến với Cái Bè ngày một nhiều hơn.
Nhà thờ cổ xây dựng khoảng đầu thế kỷ 20 ở thị trấn Cái Bè - Ảnh: Sưu tầm
mytourblogs.com - Nguồn: tổng hợp