Hành trình dài hơn 300 km từ Hà Giang lên Đồng Văn, rồi từ phố huyện về, một bên toàn là vách núi đá dựng đứng, bên kia là vực sâu hun hút, những khúc cua tay áo liên tiếp khi vượt qua dốc Bắc Sum, qua cổng trời Quản Bạ, đèo Cán Tỷ, Yên Minh, Mậu Duệ… đã để lại nhiều cảm xúc khó quên.
Thăm khu mộ cổ trước dinh thự họ Vương ở xã Sà Phìn
Trên đường từ khu chợ cổ Đồng Văn về thị xã Hà Giang, đến xã vùng cao Sà Phìn chặng dừng chân khó quên với các thành viên trong đoàn lần đầu ghé thăm dinh thự nhà họ Vương. Nhà họ Vương được xây dựng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Nghe nói phải mất đến tám năm và tiêu tốn chừng 150 nghìn đồng bạc hoa xòe Đông Dương thời bấy giờ cho việc xây dựng công trình. Đây là di tích lịch sử đã được Bộ Văn hóa- Thông tin cũ (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận vào năm 1993.
Quần thể dinh thự cổ, khu trường học, nhà dân cư nằm gọn dưới thung lũng lộng lớn nhìn từ trên cao
Nhắc đến dinh họ Vương, không ít người liên tưởng đến nhà “Vua Mèo” Vương Chí Sình. Tuy vậy thực ra người làm vua không phải là ông Vương Chí Sình mà là bố ông ta- ông Vương Chính Đức, người xưa kia đã xây dựng cho mình và con cháu một dinh thự bề thế nằm giữa vùng thung lũng rộng thoáng cực kỳ đắc địa. Bao bọc xung quanh dinh thự tựa một bức lũy khổng lồ là điệp trùng núi non cao vút thường xuyên mây mù bao phủ.
Qua tìm hiểu, người con trai thứ của Vua Mèo còn nổi tiếng hơn hai người anh em là Vương Chí Tinh và Vương Chí Chư. Bởi vì ông Vương Chí Sình đã giác ngộ và đi theo cách mạng, trở thành đại biểu Quốc hội khóa I và II của nước ta, từng giữ cương vị Chủ tịch Uỷ ban Hành chính huyện Đồng Văn. Ông còn vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi tên là Vương Chí Thành và trao tặng tám chữ: “Tận trung báo quốc, bất thụ nô lệ” (Trung thành với đất nước, không chịu làm nô lệ) và một thanh kiếm.
Xem thêm: Các khách sạn tại Hồ Chí Minh
Kiến trúc dinh thự họ Vương gồm tiền dinh, trung dinh và hậu dinh được thiết kế mang phong cách quyền quý thời phong kiến. Tòa nhà dựng bằng gỗ, lợp mái ngói âm dương đến nay các tấm lợp vẫn giữ được nguyên bản. Hệ thống nước mưa thời trước được làm bằng một loại tôn đem về từ Pháp, qua đó dẫn nước mưa ra một chiếc bể chứa lớn sau nhà.
Nhà có nhiều phòng nhỏ riêng biệt dành cho con cháu, các bà vợ, có phòng cho người hầu và quân lính. Có cả phòng sưởi cho mùa đông, bể bơi, kho thuốc phiện, bể tắm sữa dê được đục nên từ đá nguyên khối… Phía trên ba căn phòng chính của tòa dinh thự có hai lô cốt, trước đây cả ngày lẫn đêm đều có lính canh gác thường trực nhìn ra bốn phía toà nhà.
Hàng cây sa mộc trước cổng dinh thự mọc thẳng đứng vươn cao bất chấp gió mưa bao đời nay. Trước đây, ngôi nhà do một người cháu của họ Vương trông coi, nay xã đã biết phát triển du lịch bằng cách bán vé tham quan và cử một cô hướng dẫn viên trông coi ở ngay tại căn nhà trước cổng.
Trước khu dinh nhà là khu lăng mộ cổ dưới tán cỏ lau và bóng cây sa mộc cổ thụ hàng trăm năm tuổi
Đối diện chân bậc thang đá trước cổng dinh thự nhà họ Vương đi tới chừng dăm chục mét, chợ Sà Phìn với dãy nhà cổ mái ngói úp sậm chen lẫn nhà gác bê- tông mới xây bày biện các loại mặt hàng được biết đến là “chợ lùi”. Chợ họp luân phiên các ngày trong tuần, theo thứ tự ngày ngược lại. Chẳng hạn tuần này chợ họp vào chủ nhật, thì tuần sau sẽ họp vào thứ bảy, tuần sau nữa sẽ họp vào thứ sáu… Chung quanh ngôi nhà Vương chỉ có khoảng hơn chục nóc nhà của bà con người Mông.
Khu chợ Sà Phìn trước dinh thự một thời của Vua Mèo
Xem thêm: Các khách sạn tại Hà Giang
Sự quần cư của 17 dân tộc anh em ở huyện Đồng Văn góp phần tạo nên bộ phận văn hóa độc đáo trong cộng đồng 22 dân tộc sinh sống trong tỉnh Hà Giang, cũng như những nét độc đáo thật hấp dẫn của phố cổ, chợ cổ, dinh thự họ Vương vùng cao nguyên đá.
0 Thích