Ngôi đình toạ lạc trên đất của trại Đại Yên, thuộc tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, nay thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội.
Đình thờ thành hoàng làng là Ngọc Hoa công chúa. Tương truyền Ngọc Hoa công chúa là cô bé 9 tuổi đã có công trong việc đánh giặc ngoại xâm, được vua phong công chúa. Khi mất dân làng thờ làm thành hoàng làng. Thần phả soạn năm Hồng Phúc thứ nhất (1572) cũng chép lại là: "Nàng Ngọc Hoa là con ông đồ Huấn. Ông quê gốc ở Thanh Hoá ra Thăng Long dạy học lấy mẹ nàng là người trại Đại Bi. Đời Long Phù nhà Lý; năm thứ tư (1104) có giặc Ma Na, nàng Hoa mới 9 tuổi cũng xin ra trận, đóng giả làm cô gái bán hàng vào trại giặc dò la, báo tin địch cho quân ta đánh thắng. Trở về, nàng Ngọc Hoa được vua trọng thưởng, nàng xin qua nhà thăm mẹ và đột ngột qua đời, vua Lý Nhân Tông thương tiếc phong là Ngọc Hoa công chúa và cho dân Đại Bi lập đình thờ. Mộ nàng Ngọc Hoa tương truyền nay vẫn còn ở sau đình."
Đình Đại Yên - Ảnh: Sưu tầm
Trong thời kì 1935 - 1936, đình là nơi truyền bá chữ quốc ngữ và là nơi học võ cho thanh niên bảo vệ xóm làng. Đình Đại Yên được xây dựng từ thế kỉ thứ XII - XIII và đã qua nhiều lần sửa chữa, nổi bật nhất là hai lần trùng tu vào năm 1886 và 1901. Hiện nay, cổng đình mang phong cách kiến trúc thời Nguyễn theo kiểu ngũ môn, 3 hiện 2 ẩn với cửa giữa nằm trong hai trụ lớn kiểu lồng đèn.
Tiền Đường - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Đình quay về hướng Tây, gồm cổng, sân gạch, hai bên có tả vu, hữu vu, nhà tiền tế, đại bái, hậu cung. Phía sau có mộ công chúa Ngọc Hoa được xây thành hình vuông. Nhà tiền tế được kết cấu theo kiểu vì kèo trụ trốn, 4 gốc ở bốn chân cột vẩy ra thành bốn chiếc bẩy, ở bốn gian bên, mái được lót kín theo kiểu vòm cuốn (vỏ cua), một hình thức hiếm thấy ở đình chùa miền Bắc, giống như kiểu kiến trúc đình chùa ở Huế. Trang trí trên các bức cốn của nhà tiền tế, gồm 3 gian với 4 hàng chân cột, có tường hồi bít đốc, kết cấu bộ vì theo kiểu giá chiêng chồng rường, con nhị. Ngoài ra có các hình vẽ rồng cuốn thuỷ, rồng cuốn cột ở các cột sơn son thếp vàng.
Cận cảnh - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các khách sạn giá ưu đãi tại Hà Nội
Toà đại bái được xây dựng nhỏ hơn nhà tiền tế với ba gian, 4 hàng chân cột. Hai kiến trúc này liền kề nhau theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, tạo nên một không gian liên hoàn hiếm thấy ở các đình chùa khác. Bên trong hậu cung, các bức cốn được trang trí với hình chạm nổi phượng vũ trong tư thế đang bước về phía trước, miệng ngâm một bông cúc mãn khai.
Cổng làng Đại Yên - Ảnh: Sưu tầm
Chiếc khám thờ Ngọc Hoa công chúa là một sản phẩm được chạm trổ đẹp, mặt ván ở lưng khám vẽ đôi rồng chầu mặt trời với tư thế uốn lượn trong mây cuộn, phần trong khung được chia làm ba ô ngăn cách bởi hai trụ lửng chạm lẵng hoa. Tượng to bằng người thật, tạc trong tư thế ngồi, chân trái khoanh, chân phải co chéo, tóc cuộn lên đỉnh và che bằng khăn kết hình cánh phượng. Khuôn mặt tượng phương phi, nhân hậu, mắt nhìn xuống, miệng mỉm cười. Áo tượng vát chéo hai lớp, để lộ yếm ngực và chảy qua cánh tay.
Hội làng Đại Yên - Ảnh: Sưu tầm
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Nội
Tay trái tượng cầm một quả đào nhỏ. Tay phải để ngửa trên đầu gối trong thế "kết âm cam hồ" để xua tan mọi phiền muộn.Đình còn giữ lại nhiều hiện vật có giá trị: 3 câu đối gỗ, 3 bức hoành phi, 2 lọ lục bình hình bát giác, 1 đôi choé, 4 hương án, 2 bộ cửa võng... Bốn hương án được bảo quản khá tốt, trong đó có giá trị nghệ thuật cao nhất là chiếc nhang án đặt ở tiền tế. Tai nhang án chạm rồng và long mã chầu vào giữa, hàng diềm kép dưới được chạm thủng và bong, chia ô cùng với các hình thức trang trí rồng, hồ phủ, phượng. Ở chân nhang án cũng chia ô to nhỏ cân xứng với các đề tài linh vật, khiến cho mảng chạm thêm sinh động và đầy gợi cảm.
Ngoài ra, đình còn lưu giữ nhiều hiện vật khác như kiệu bát cống, ngai, bài vị, cửa võng cùng với những bộ chấp kích, phủ việt, đại đao, chuỳ...
Đình đã được Nhà nước xếp hạng di tích Lịch sử Văn hoá Nghệ thuật ngày 27/01/1990.
Mytour.vn - Nguồn: tổng hợp
0 Thích