Ỷ Lan là một phụ nữ đức hạnh, tài, sắc vẹn toàn. Bà là người phụ nữ duy nhất trong lịch sử nắm quốc quyền, hai lần nhiếp chính thay vua trị vì đất nước. Bà có công xây dựng nhà Lý thành một quốc gia cường thịnh, giữ nước yên dân bằng tấm gương sáng kết hợp cả pháp trị và đức trị.
Bà Ỷ Lan có công đưa ca múa dân gian vào cung đình, làm cho vua quan đến dân chúng đều yêu mến nghệ thuật ca múa dân tộc. Bà cùng vua Lý Nhân Tông cho đắp đê chống ngập lụt, khởi đầu việc đắp đê ngăn lũ ở nước ta, khuyến khích phát triển nông nghiệp, làm thủy lợi, nghề thủ công, cấm giết trâu bò cày, có chính sách thuế hợp lý, dùng gấm vóc Việt may phẩm phục triều đình, không dùng hàng ngoại. Bà chủ trương phát triển nghề nuôi tằm, dệt vải. Ngay trong kinh thành Thăng Long, Ỷ Lan đã cho xây dựng các khu nuôi tằm, lập các xưởng dệt. Bà còn quan tâm tới phụ nữ bất hạnh, đến phát triển văn hóa Phật giáo.
Trên 40 năm gián tiếp hay trực tiếp nắm quyền triều chính bà Ỷ Lan đã làm được nhiều việc lớn lao, ích nước, lợi dân khiến đương thời và hậu thế đều kính phục. Năm 1115, khi 71 tuổi, Hoàng thái hậu Ỷ Lan về hẳn quê nhà ở Ghênh Sủi. Triều đình nhà Lý đã cho xây tại Ngọc Kinh một Thủy Lâu đài để bà tiếp khách triều đình, nghỉ ngơi và tu tại gia. Sau khi bà mất ngày 25/7 âm lịch, năm Đinh Dậu 1117, Thủy lâu đài được sửa sang thành đền thờ bà, gọi là đền Ghênh. Đền Ghênh được xây theo kiểu nội công ngoại quốc, chia làm ba phần gồm có chính tiền tế, bái đường và hậu cung, chính điện quay về hướng nam, nhìn xuống Tam giao thủy. Từ phía xa đã nhìn thấy tam quan của đền được xây dựng theo kiến trúc cổ, đi vào trong sân đền có một phiến đá rất lớn để nhân dân đặt đồ tế lễ.
Toàn bộ ba tòa ở đền được xây dựng trên nền cao có 9 bậc lên xuống bằng đá hoa cương gọi là cửu trùng, ở hai bên cửa lên xuống có hai phỗng đá quỳ khoanh tay, đánh dấu sự quy hàng của vua Chiêm Thành. Tiền tế là nơi tế lễ, biểu diễn văn nghệ trong những ngày lễ hội, trong bái đường với những lễ khí lộng lẫy, còn treo những bức hoành phi câu đối cổ. Hai bên nhà tiền tế mới được xây dựng thêm hai dãy nhà để làm nơi đón tiếp khách thập phương đến dâng hương. Hậu cung còn bức đại tự: “Mẫu nghi thiên hạ” và đôi hàng câu đối cổ nói về công đức của Bà. Tượng của đức Thái Hậu Ỷ Lan được đặt trong long kiệu sơn son thiếp vàng có 6 vị nữ đứng hầu cùng nhiều đồ thờ bằng gỗ và gốm sứ. Sau đền có hai giếng nước trong xanh quanh năm không bao giờ cạn gọi là mắt rồng, trên bờ có hai cây đa cổ thụ lớn nhất vùng gọi là mi rồng, bên phải đền có một cái ao to là nơi biểu diễn múa rối vào những ngày hội lớn. Chính giữa hai hồ nước là nhà điện Mẫu, thờ Tam tòa Thánh Mẫu, công đồng và hội đồng các quan.
Sát bên phải đền là chùa, trước cửa trồng cây hoa ngọc lan, tượng trưng cho tên của Bà. Cạnh cây hoa Ngọc Lan là mô hình tháp Kính Thiên được xây bằng đá. Đền còn có bia đá ghi lại những năm xây dựng, trùng tu tôn tạo đền. Đền Ghênh là một công trình kiến trúc mang phong cách triều đại nhà Lý, là nơi lưu dấu ấn lịch sử của Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, một người phụ nữ tài đức vẹn toàn, một bậc mẫu nghi thiên hạ đã suốt đời vì dân, vì nước.
0 Thích