Bích Câu Đạo quán là một di tích nổi tiếng ở Hà Nội. Ít người biết nơi đây còn liên quan đến một thiên tình sử lãng mạn và thần kỳ.
Đền Bích câu ngày nay nằm trên phố Cát Linh – Hà Nội. Nguyên tên chữ Hán là Bích Câu Đạo quán. Đạo quán có nghĩa là nơi tu luyện của những người theo Đạo Lão, chuyên tu tiên.
Hai chữ Bích Câu nghĩa là ngòi nước biếc. Nó được rút ra từ tích Vu Hựu đời Đường bên Trung Quốc đi qua một ngòi nước trong cung cấm chảy ra, nhặt được một cái lá đỏ. Trên lá có một bài thơ là lời than vãn của một cung nhân bị giam giữ tuổi xuân trong cung cấm, mong ước được ra ngoài để tìm bạn trăm năm. Về sau Vu Hựu gặp và kết duyên với Hàn Thị là một cung nữ được thả ra ngoài. Kỳ lạ thay, Hàn Thị chính là người đã đề thơ lên chiếc lá năm xưa.
Toàn cảnh Đền Bích Câu
- Ảnh: Sưu tầm
Ở Việt Nam, Bích Câu Đạo quán xuất phát từ một câu chuyện tình yêu thần tiên ly kỳ. Theo Doãn Kế Thiện trong Cổ tích và thắng cảnh Hà Nội thì đó là câu chuyện chàng thư sinh Tú Uyên có duyên may gặp tiên nữ.
Tương truyền rằng, đời vua Lê Thánh Tôn có chàng Tú Uyên là con quan huyện họ Trần. Từ bé Tú Uyên đã có tiếng thông minh, học giỏi. Tính tình chàng phóng khoáng, thích ngao du sơn thủy và uống
rượu ngâm thơ. Thấy gò Kim Quy nổi lên ở phía tây Thái Hồ, chầu về Văn Miếu là một thế đất đẹp, Tú Uyên bèn dựng mấy gian nhà tranh lên đó làm nơi đọc sách. Thường ngày chàng hay mời các bạn văn đến đó uống
rượu làm thơ.
Bích Câu đạo quán - Ảnh: Sưu tầm
Trong ngày hội xuân ở chùa Ngọc Hồ, Tú Uyên cùng mấy bạn đến vãn cảnh xem hội. Khi đứng dưới một cây mẫu đơn, Tú Uyên tình cờ nhặt được một lá đỏ trong có bốn câu thơ tạm dịch là:
Liễu biếc đào hồng tiết tháng ba
Xe loan hạ cánh cửa thiền gia
Cầu Lam chật ních người như kiến
Ai biết thần tiên trước mắt ta?
Đang còn ngẩn ngơ vì lời thơ lạ, chàng bỗng thấy một thiếu nữ nhan sắc tuyệt trần, tha thướt đi qua cửa chùa. Tú Uyên vội vã theo hút lấy. Ra tới Quảng Văn đình thì nàng biến mất. Từ đó Tú Uyên sinh ra tương tư quên ăn, biếng học. Có chàng bạn thân là Hà Lang đến chơi, Tú Uyên mới bộc bạch tâm sự.
Chánh đường Bích Câu đạo quán - Ảnh: Sưu tầm
Bạn khuyên chàng rằng Lê Thánh Tôn cũng gặp tiên ở đó rồi nên đừng tin đó là người thực mà mơ tưởng hão huyền. Nhưng Tú Uyên cũng không sao quên được. Nghe thần đền Bạch Mã linh thiêng, chàng bèn đến khấn rõ sự tình rồi nằm mộng xin thần chỉ vẽ cách cho. Thời xưa có tục các học trò hay đến các đền linh thiêng để cầu được thần linh báo mộng giúp đỡ trước mỗi kỳ thi cử. Bởi thế Tú Uyên đến xin thần chỉ cho cách gặp tiên nữ cũng là việc theo phong trào.
Và thần Bạch Mã báo mộng rằng chàng phải đến xóm Cầu Đông sẽ được gặp tiên. Sáng sau, Tú Uyên dậy thật sớm đến xóm Cầu Đông trông ngóng. Đứng cả buổi mới gặp 1 cụ già từ đằng xa đi lại, tay cầm một bức tranh tố nữ, hỏi ai mua thì bán. Trông bức hình hao hao giống người đã gặp ở chùa Ngọc Hồ, chàng mua ngay bức tranh đem về treo trong nhà.
Cổng Bích Câu Đạo quán trên đường Cát Linh - Ảnh: Sưu tầm
Từ ngày có tranh, Tú Uyên bớt nỗi tương tư, hàng ngày ra vào trò chuyện với tranh như là với người thực vậy. Ăn cơm uống nước đều dùng 2 chén tỏ ý như mời người trong tranh cùng ăn uống với mình.
Một hôm đi học về chàng sửng sốt thấy trên án đã có sẵn cơm rượu. Chàng lấy làm lạ nhưng trong lòng đã ngờ ngợ đoán ai là tác giả những cơm canh ấy rồi. Sáng sau, Tú Uyên đi học nhưng giữa đường quay về nấp bên ngoài rình xem thì thấy người trong tranh hiện thân đi ra nấu nướng cơm nước cho chàng.
Tú Uyên chạy thẳng vào nhà, sấn đến người đẹp. Không kịp biến hình, nàng cúi đầu vẻ bẽn lẽn. Chàng gạn hỏi nàng nói nguyên là tiên nữ ở núi Nam Nhạc tên là Giáng Kiều, cùng chàng vốn có tiền duyên nên xuống trần để kết nghĩa.
Thế rồi nàng hóa phép tự nhiên có đủ lâu đài, xe ngựa và các đồ dùng quý báu chẳng thiếu thứ gì. Hai người từ đó sống rất êm ấm hạnh phúc. Nhưng rồi Tú Uyên sinh lòng phóng túng, suốt ngày chỉ
rượu chè. Giáng Kiều khuyên nhủ mãi chẳng được nên tức giận bỏ đi. Tú Uyên tỉnh dậy, hối hận toan tự tử để tạ lỗi thì Giáng Kiều lại hiện về.
Từ đó Tú Uyên bỏ hẳn tật
rượu chè, gia đình lại vui vầy. Họ sinh được một con trai đặt tên là Trần Nhi. Đoạn kết, dân gian truyền rằng cả nhà họ đều đắc đạo thành tiên, cưỡi hạc bay về trời.
Câu chuyện được truyền ra khắp dân gian khi nữ sĩ Đoàn Thị Điểm diễn tả nó thành một thiên diễm sử mang tên Bích Câu kỳ ngộ bằng chữ Hán. 200 năm sau cụ Vũ Quốc Trân người
Hải Dương lại chuyển thể câu chuyện thành thể thơ lục bát với chữ Quốc văn. Riêng bản của cụ Vũ Quốc Trân thì ban đầu được in bằng chữ Nôm, đến khi chữ Quốc ngữ thịnh hành lại được in lại và lưu hành rộng rãi. Bởi vậy câu chuyện lan truyền khắp dân gian.
Tương truyền rằng sau khi gia đình Tú Uyên đắc đạo bay về trời, những người theo đạo Lão Trang lập Bích Câu đạo quán để thờ họ và dùng làm nơi tụ họp, tu tập. Đạo quán này được lập từ đầu thời Lê và có lẽ do nó có ảnh hưởng mạnh trong vùng nên khu vực này sau đó được gọi là phường Bích Câu.
Bạn hãy đến và hành hương - Ảnh: Sưu tầm
Sau nhiều năm binh hỏa, loạn lạc, Bích Câu đạo quán xuống cấp nhiều. Đến thời Nguyễn Gia Long, tổng trấn Bắc thành Lê Chất bỏ tiền riêng tu sửa lại. Đến thời kỳ Pháp quay lại đánh chiếm Hà Nội, Bích Câu đạo quán bị Pháp san bằng năm 1947. Diện mạo của nó như ngày nay là do nhân dân địa phương đã sửa chữa lại vào năm 1953.
Thời nay ở nước ta đã không còn bóng dáng các đạo sĩ tu tiên theo học thuyết Lão Trang. Tuy nhiên, Bích Câu đạo quán vẫn là một địa chỉ được nhiều khách viếng thăm để tìm hiểu một thiên tình sử lãng mạn. Những năm gần đây, Bích Câu Đạo quán lại trở thành một trong số ít những địa chỉ tổ chức các canh hát Ca Trù – loại hình nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam đã được UNESCO công nhận di sản văn hóa.
mytourblogs.com - Nguồn: tổng hợp