Với diện tích của đất nước thì có đến 3/4 diện tích là đồi núi. Mỗi nơi, mỗi vùng miền lại có một đặc sản khác nhau. Được coi là món ngon và lah ở vùng sơn cước "Cọ om" sẽ khiến bạn cảm nhận được mùi vị riêng biệt của món ăn mà không bị lẫn với mùi vị của đồ ăn nào.
Cây cọ sống tương đối phổ biến ở vùng đồi núi, trung du của các tỉnh vùng Tây Bắc, cứ vào khoảng tháng 7 là những cây cọ trong rừng bắt đầu ra hoa, kết trái. Đến cuối tháng 10, đầu tháng 11 những trái cọ bắt đầu chín, màu vỏ xanh đậm hơi nâu nâu.
Cây cọ có giá trị tương đối lớn về mặt kinh tế bởi tất cả các bộ phận từ cây cọ đều có thể tận dụng. Lá cọ dùng để lợp mái nhà tước lấy gân lá để bán, cuống lá dùng để chẻ nan dệt mành, hoặc thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Đặc biệt, quả cọ có vị bùi, ngậy là món ăn hấp dẫn với nhiều khách du lịch mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
Quả cọ không ngọt ngào cũng chẳng thơm mát. Ẩn chứa trái cây nhỏ bé ấy là vị chan chát mà bùi bùi rất riêng của núi rừng xứ Việt. Ở Việt Nam, có rất nhiều nơi trồng cọ, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất vẫn là Phú Thọ. Nhắc tới Phú Thọ là người ta nghĩ tới “rừng cọ đồi chè”, thậm chí cọ còn trở thành một hình ảnh văn hóa biểu trưng cho vùng đất trung du này.
Cọ om hay cọ ỏm là món ngon độc đáo của Việt Nam. Trái cọ dùng để om phải là cọ già thì mới ngon. Cọ càng già thì vị càng ngậy, càng béo và bùi. Cọ mang về đem xóc với những cật nữa sắc để cạo bỏ lớp vỏ bên ngoài. Sau đó đem cọ thả vào nồi nước sôi lăn tăn, để một lúc là cọ sẽ chín mềm. Om cọ cũng là một nghệ thuật. Người ta không om cọ khi nước sôi sùng sục, vì như thế quả cọ sẽ vì nhiệt độ quá nóng mà teo đi, quắt lại, ăn cứng và chát. Cọ cũng không thể om quá lâu, khi mặt nước nổi những váng màu vàng, cọ từ màu xanh sậm chuyển sang màu vàng là được. Trong quá trình chế biến cọ ỏm, quan trọng nhất là nhiệt độ của nước và thời gian om. Người khéo tay là người có thể căn được đúng các yếu tố đó để có được những miếng cọ dầy cùi, mềm, ăn bùi bùi mà không quá chát.
Cây cọ - Ảnh: Sưu tầm
Cọ ngon phải là cọ nếp. Cọ nếp sau khi om sẽ trổ màu vàng đẹp mắt, ăn mềm và dẻo. Ở nhiều vùng, loại cọ nếp này có thể được dùng để làm bánh dầy. Cọ nếp sau khi om vàng rượi được bóc ra, đem giã dập sẽ là nguyên liệu độc đáo cho món bánh dầy của “xứ cọ”. Bên cạnh đó, cọ còn có thể là dưa. Cọ muối có vị mặn, bùi ngậy, chan chát. Đây là một món ngon hấp dẫn, lạ miệng trong mâm cơm. Đối với khách phương xa tới thăm, một đĩa cọ muối hay cọ om sẽ là đặc sản quý đậm đà hương vị núi rừng, xứ sở. Khi mùa cọ đến, nhiều người miền xuôi nhờ người mua giúp cọ vì đã trót cảm mến hương vị của món ngon này.
Món ngon Tây Bắc - Ảnh: Sưu tầm
Có nhiều loại quả hiện diện trong đời sống của người Việt Nam. Giữa muôn ngàn loại quả ngọt thơm, trái cọ mang đến một hương sắc rất riêng và độc đáo. Không ngọt cũng chẳng thơm, nhưng chính vị chan chát, bùi ngậy của trái cây nhỏ bé này khiến cho người ta nhớ mãi.
Đặc sản tây Bắc - Ảnh: Sưu tầm
Người ăn cọ sành là người biết chọn cho mình những quả cọ tròn, cùi dầy có màu vàng như mật ong, khi nhấm nháp còn thấy dẻo, dính ở răng thì đó chính là loài cọ nếp quý. Cọ ỏm chấm với nước mắm là ngon nhất thế nhưng tùy thuộc khẩu vị từng người có thể thay bằng bột canh hay tương ớt.
Vỏ trái cọ - Ảnh: Sưu tầm
Quả cọ ngoài làm ỏm thì còn có thể làm dưa. Khi đến mùa cọ các bà các chị ở đây còn chọn những quả cùi dày, béo rồi mang cạo sạch vỏ đem làm dưa. Dưa cọ có vị mặn của muối, vị ngậy béo bùi bùi của cọ, có thể ăn cùng với cơm hoặc ăn chơi đều rất ngon.
Đến với Tây Bắc không những được ngắm nhìn những cánh rừng cọ vươn cao, xanh ngút tầm mắt đã trở thành một nét cảnh quan đặc trưng nơi đây mà còn được thưởng thức món ăn độc đáo, dân dã từ quả cọ khiến ai đến rồi đi chắc chắn không khỏi quyến luyến mãi cái màu xanh đầy sức sống nhưng mang đậm hồn quê nơi núi rừng này.
Những món ăn tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải nơi đâu cũng có thể làm được, không phải muốn là sẽ có mùi vị thực sự của nó. Bạn có thể đến những vùng có nhiều cọ như Phú thọ... để thưởng thức món ăn chuẩn nhất. Bạn sẽ ấn tượng với món ăn độc đáo này.
mytourblogs.com - Nguồn tổng hợp