Để đến chùa, khách phải đi bằng ghe máy từ đường Phạm Văn Đồng sang. Khách phải đi theo lối mòn ở phía Tây để đến trước hướng chính Nam của chùa. Mặt chính Nam của chùa nhìn về Hòn Yến, Hòn Tre.
Bên dưới nền Quan Âm Các là một bãi đá trải dài ra đến biển với tượng Bồ Tát Quan Thế Âm mặt hướng ra biển.Năm 1960, TT Thích Viên Mãn ra đảo khai hoang phục hóa, dựng am cùng Tăng ni và các Phật Tử sau này xây chùa, mua đất chuyển ra trồng cây, chăm sóc tôn tạo. Sau ngày lễ “ Thầy thuốc Việt Nam” tôi được duyên may theo anh Tùng Phong đi thăm chùa Từ Tôn trên đảo Hòn Đỏ.
Đảo Hòn Đỏ
Xem thêm : các khách sạn giá rẻ tại Nha Trang
Đó là ngày 17 tháng giêng Ất Dậu. Tùng Phong nói với tôi : Thầy Chúc Minh sẽ đón chúng ta vào lúc 14 giờ. Dịp này sẽ “phỏng vấn” sư ông Thích Viên Mãn để được nghe sư ông thuật lại những ngày tháng khai phá hòn đảo thành lập chùa Từ Tôn từ năm 1960. Ghe máy cặp sát bờ sau khi hai chúng tôi qua khỏi cầu mới Trần Phú, vượt qua xóm chài của ngư dân thủa trước. Màu biển thật xanh, mặt trời lơ lửng phía Tây đang xuống từ từ như một quả cam hồng lớn. Đài khí tượng báo thời tiết sẽ nóng lên gần 10 độ, tuy nhiên biển vẫn dễ chịu và có sóng nhồi. Thuyền cập bến…những tảng đá trải quanh đảo Hòn Đỏ có một sắc hồng …nhất là phía Đông cho nên gọi là Hòn Đỏ- theo lời Tùng Phong cho biết.
Chùa Từ Tôn trang nghiêm giữa biển
Một khối đá lớn bằng 8, 9, lần cái tủ sách dáng dấp một bàn tay xòe cong lại vẫy chào từ giả cuộc đời phố thị bên kia eo biển (mà có lần du lịch Khánh Hòa dự định đổ đá lấp eo biển, nối đường qua đảo ). Tùng Phong đưa tôi đi theo lối mòn phía Tây để đi đến trước hướng chính Nam của đảo Chúng tôi gặp những lùm gai, một ít cây bằng lăng, xoài đặt biệt là cây mai 6 nhánh vươn cao mà theo thầy Chúc Minh thì cây mai này đã ở trên đảo từ khi thầy có mặt và chỉ ra hoa đúng vào ngày rằm tháng tư. Có lẽ đây là giống mai rừng đã một thời phát triển trên hòn Trại Thủy.
Chùa cố kính dưới bóng những tán cây
Bên cạnh đó một quả đại hồng chung họa tiết nhiều chữ Phạn rất sắc nét, dáng vẻ uy hùng hợp với màu đen của nó. Trên chuông khắc nhiều bài thi kệ “nguyện tiếng chuông nầy siêu pháp giới “. Bên cạnh chuông là tượng bồ tát Địa Tạng Vương- trên tay cầm một quả châu tượng trưng tánh “viên giác” của chúng sanh, cõi địa ngục không bao giờ hư hoại, mờ khuất.
Mặt chính Nam – của chùa nhìn về Hòn Yến, Hòn Tre, biển xanh bao la một màu thúy lục yên lặng của buổi chiều tuy rằng có gió biển xào xạc…. Từ trên nền điện các của tượng thánh mẫu bồ tát Quán Thế Âm nhìn ra biển, một bãi đá trãi lài ra giáp với biển: hai bên tả hữu như thế Thanh Long, Bạch Hổ..bên trái thấy Hòn Án, hòn Thư: như một con triện (ấn) và một khối sách- chen vào giữa là một bàn cờ tiên. Sau hòn thư là “hòn chị hòn em “ (em đở chị như Tùng Phong nói). Phía dưới hòn thư ,hòn ấn là những lùm cây, nhãn rừng lá dày kín, có những cây thông còn thấp mới trồng. Có những ghế đá cho du khách, có thể hứng gió mát, lồng lộng thổi từ biển Đông Nam làm cho du khách không còn chút gì lưu luyến đến cảnh hồng trần bên kia làng xóm.
Tượng Quan Thế Âm hướng ra biển
Trước khi đến điện bồ tát Quan Thế Âm chúng tôi đã đi qua một cảnh đẹp- rất thoáng đảng của trời xanh có cây bồ đề reo vui trong gió – mặt trời tỏa sáng trên mây hồng, ánh nắng không còn làm cho du khách ngột ngạt nhờ những tàn cây lá của cội bồ đề tỏa ra trên pho tượng Thích Ca Thế Tôn – với nụ hàm tiếu rất từ bi như đang thiền định. Lá cây rung nhẹ xào xạc và có tiếng linh khua trong gió từ sau lưng. Thật là một cảnh Phật ở trần thế. Chúng tôi đứng chiêm ngưỡng dung nhan từ bi của Thánh mẫu Quán Thế Âm… tượng chưa có nhành dương chi nhưng tịnh bình và nụ cười cũng đủ uy linh cứu giúp cho bao tâm hồn, vượt biển..kiếm sống trên đại dương muà gió chướng. (Nếu tâm họ an trú vào niềm tin).
Bài thơ khắc trên đá
Nơi những bàn đá rộng này sáng sớm tinh mơ mà được hít thở dương khí của mặt trời hay linh khí của Dược Sư Phật thì khỏe khoắn biết dường nào.. Tôi ước ao một ngày nào đó ở lại đêm trên đảo để ngắm trăng rằm được ăn những ngọn rau, quả bắp trồng trên đảo hấp thụ linh khí nơi đây hay những đỉa rong biển xào khô như thầy Chúc Minh đã sống cầm thực trong những ngày tháng ăn độn trước 1980 . Chính nhờ cái linh khí của đất trời trên hòn Đỏ này mà sư ông Viên Mãn đã sống dũng mảnh mà gánh nước ,” gánh nắng” của quê hương gieo mầm sống cho đời : ngài hay gánh nước chạy trên đá như những võ sư khí công thời mới khai hoang trên đảo với hai cây rựa đem từ Phú Yên về bằng ghe buồm.
Chúng tôi đi về phía Bắc nơi đây là nền cũ mà thầy Chúc Minh đã ẩn cư. Một vùng đất nhìn về phía Nha Trang: cảnh đồi La San,Hòn Chồng, đường cái quan một vùng xây dựng nhân tạo nơi xa xa rất thơ mộng. Tôi ước ao nếu nơi đây có một trà thất để hưởng những chung trà ban mai lúc mặt trời mới ló dạng thì chắc chắn sẽ yêu đời, yêu thi ca hơn là mơ tiên cảnh vì cảnh địa đàng đã có. Thầy Chúc Minh nói : Tôi sẽ cho xây một tháp cao (7 tầng) để làm thế trấn sơn sau lưng điện Phật. Tôi rất tâm đắc ý kiến này. Tại đây đã có một cây thùy dương màu rất thẩm xanh toát ra một sức sống kỳ diệu, cái sức sống mà sư ông đã trì chí trì lực để vượt qua những cơn cảm cúm hành hạ - không một viên thuốc sau những ngày gánh nước và “gánh nắng” như nhà văn Tùng Phong nói.
Chiều đã xuống sau khi đã chụp những tấm phim kỷ niệm, màu trời vàng và vừng kim ô rất chu sa, thầy Chúc Minh đưa chúng tôi đi quanh đảo bằng ghe máy. Thầy đứng trước mũi thuyền dáng vẻ cao lớn như thiền sư Pháp Thuận đưa Lý Giác về Tàu, những câu thơ :” Nga nga lưỡng nga nga –lưỡng diện hướng thiên nga..” vang lên trong trí tôi.
Tôi ngầm cảm ơn sư ông, thầy Chúc Minh đã làm hạnh “trì địa” để cắm mốc đất Phật ở cảnh trần gian này.
Trúc Như