Chùa Phật Quang tọa lạc tại thôn Bình Tây, bán đảo Hòn Khói, xã Ninh Hải, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chùa do thượng tọa Thích Hạnh Hải khai sơn vào năm 1964 và được trùng tu vào năm 1970. Đến nay, chùa đã trải qua bốn đời trụ trì là: Thượng tọa Thích Hạnh Hải, Thích Nguyên Độ, Thích Nguyên Chơn và sư cô Thích Nữ Tịnh Thường.
Thượng tọa Hạnh Hải, húy Tâm Phước , tự Thông Như sinh năm 1915, thế danh Phan Cẩm Long, quê làng Quang Ðông, sinh tại quê ngoại làng Phú Nghĩa, cùng xã Ninh Ðông, huyện Ninh Hòa.
Nhà nghèo, thân phụ làm rẫy tại suối Nhơn cách chùa Thiền Sơn 3km. Năm 16 tuổi thân phụ mất, năm sau thân mẫu cho cả 3 anh em xuất gia quy y ngài Nhơn Sơn-Trừng Nghệ trụ trì chùa Thiền Sơn được truyền thừa chữ Tâm đời 43 LTCT dòng kệ Liễu Quán. Thượng tọa Hạnh Hải là người con thư sáu, người em kế là Hạnh Ðịnh, húy Tâm Tại, tự Thông Tánh, người em út là Tâm Ðường quy y mới 6 tuổi.
Năm 20 tuổi Thượng tọa theo học ngài Ðại Trí trụ trì chùa Linh Quang, thôn Phước Sơn. Năm 22 tuổi học ngài Quảng Ðức, trụ trì chùa Thiên Ân, thôn Phước Thuận được thế độ tự là Thông Như. Năm 25 tuổi vô chùa Thiên Quang ở Nha Trang nghe kinh với ngài Nhơn Duệ-Trừng Thông, năm sau chùa tổ chức khánh thành, và mở Giới Ðàn truyền giới, chứng minh là Hòa thượng Huệ Ðăng, trụ trì chùa sắc tứ Tây Thiên, Ninh Thuận và đông đủ chư tăng Khánh Hòa, Thượng tọa Hạnh Hải thọ cụ túc giới. Năm 27 tuổi trụ trì chùa Hải Tràng, thôn Phú Thứ. Năm 28 tuổi, HT Hưng Từ khai Giới Ðàn chùa Kim Long, Thượng tọa giữ đệ nhất dẫn thỉnh.
Năm 1946, trụ trì chùa Phước Long, thôn Phước Lý. Năm 1949 trụ trì chùa Thiên Bửu hạ. Vận động lập Giáo Hội Tăng Già Khánh Hòa, làm Trị sự Sơn Môn Tăng Già Ninh Hòa. Ðại trùng tu Tổ đình Thiên Bửu hạ.
Tháng Ba/1951 tổ chức Lễ Khánh Thành và mở Giới Ðàn do HT Phước Huệ chứng minh, HT Trí Thắng truyền giới, tấn phong các vị Hòa thượng, và truyền giới sa di, tỳ kheo.
Năm 1951-1963: phục vụ Giáo Hội Tăng Già Khánh Hòa, giữ chức Phó Trị sự. Năm 1961, tổ chức Giới Ðàn tại Thiên Bửu hạ, HT Trí Thủ chứng minh, HT Hưng Từ truyền giới.
Năm 1964-1982: Giữ chức Phó Ban Ðại Diện Tỉnh kiêm Ðặc Ủy Tăng Sự Tỉnh Giáo Hội Khánh Hòa , kiêm Ðại Diện Huyện Giáo Hội Ninh Hòa.
Năm 1972 dự Ðại Giới Ðàn Linh Sơn ở Sài Gòn (Hội Từ Bi Âm) được cử Chánh Niệm. Năm 1982: Giữ chức Cố vấn Ban Ðại Diện Giáo Hội Ninh Hòa, chứng minh các đại lễ.
Thượng tọa còn khai sơn các chùa:
1. Phước Lễ, thôn Chấp Lễ, Ninh Thân
2. Phật Ấn, thôn Ðông Hải
3. Linh Ứng, thôn Tân Thủy
4. Thạnh Ðức, thôn Phong Thạnh
5. Bửu Lâm, thôn Phước Lâm
6. Hoa Nghiêm, đồi Ổ Gà
Ngài tân tạo 3 ngôi bảo tháp của Tổ Huệ Giáo, Tổ Nhơn Sơn, và 1 vị Tổ khác.
Tổ đình Thiên Bửu thượng sau khi trùng tu, ngày 20 tháng Hai Âm Lịch năm 1990 tổ chức ngày giỗ Tổ Bửu Dương rất trọng thể, Thượng tọa Hạnh Hải về dự và chứng minh, đó là lần đầu tiên tôi được gặp ngài. Thượng tọa trông phương phi, có khuôn mặt phúc hậu, ăn nói hoạt bát ôn tồn với tất cả mọi người. Khi ngài đến cả chùa như phấn khởi hẳn lên, ai ai cũng tỏ ra trọng vọng ngài, những lúc đó tôi thấy uy tín ngài rất lớn.
Năm 1992, nhạân được Thông Tri của Thượng tọa Thích Thiện Bình, Trưởng Ban Trị Sự Tỉnh Giáo Hội Phật Giáo Khánh Hòa ký ngày 15-3-1992 kêu gọi mỗi chùa/ tịnh xá/ tịnh thất trong tỉnh "sưu tầm hệ thống hóa tiểu sử” của chùa/ tịnh xá/ tịnh thất mình, Ðại đức Thích Nguyên Hoa trụ trì Thiên Bửu thượng họp Ban Hộ Tự và các cụ trong làng Ðiềm Tịnh lập ra một tổ gồm 12 vị gọi là "Tổ Sử Chùa Thiên Bửu" (trong đó có tôi và Ðiềm Ca) chia nhau đi tới một số chùa tại Tu Bông, Vạn Giã, Ninh Hòa, Nha Trang để sưu tầm tài liệu thực hiện quyển "Lược sử Chùa Thiên Bửu". Tôi và Ðiềm Ca nhiều lần đến Thiên Bửu hạ yết kiến ngài Hạnh Hải được ngài hoan hỉ giúp đỡ tận tình. Dù tuổi hạc đã gần 80 nhưng ngài vẫn còn minh mẫn kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về thầy về chùa về đời về đạo về những năm tháng lịch sử gay go... mà ngài và Tỉnh, Huyện Giáo Hội đã trải qua... Dù hoàn cảnh nào ngài cũng giữ hai chữ Minh Tâm, tức là "cái tâm trong sáng thẳng ngay như đóa bạch liên giữa chốn bùn nhơ”. Ngài kể vanh vách hàng 2, 3 tiếng đồng hồ, lâu lâu quay lại hỏi tôi có ghi kịp không?
Có một buổi sáng chúng tôi đến, thì các Thầy trong Huyện Giáo Hội đang họp gần 30 vị mà Ngài là Cố vấn, Chánh Ðại diện là Ðại đức Thích Ngộ Tánh và các Ðại Ðức Trừng Giác, Ðại Ðức Thiện Hạnh, Ðại Ðức Ngộ Tịnh... Chúng tôi ngồi chờ ngoài sân hoa. Sau bế mạc các thầy về hết thì đã gần 11 giờ, nhưng ngài vẫn tiếp chúng tôi. Chúng tôi thưa với ngài là quyển Lược sử Chùa Thiên Bửu sau 5 tháng khởi công nay đã hoàn tất chỉ còn thiếu Lời Tựa, bản chụp bức Giới Ðao Ðộ Ðiệp để làm sử liệu và bản Tiểu sử của ngài, kính nhờ ngài hoan hỉ giúp cho. Ngài đồng ý ngay. Ngài bảo độ điệp thì muốn chụp lúc nào cũng được, còn tiểu sử thì lấy giấy bút ra ngài đọc cho mà ghi. Tôi mừng trong bụng và thưa rằng chiều mai chúng tôi sẽ đưa ông Trầm Lệ Ý đến đây chụp hình và gởi cho ngài bản thảo quyển Lược Sử. Ngài gật đầu. Dù đã trưa nhưng ngài vẫn dành cho chúng tôi thời gian, bước ra hàng hiên nằm trên chiếc võng đu đưa... và bắt đầu kể về cuộc đời tu hành của mình...
Nhờ thế mà hôm nay chúng ta có đôi nét tiểu sử về cuộc đời tu hành rất phong phú của ngài, một vị danh tăng tài đức của Ninh Hòa đã xuất gia từ lúc 17 tuổi trì chí tu học qua nhiều vị cao tăng, từng khai sơn ra nhiều chùa từng hóa độ cho nhiều người, là một trong các hàng giáo phẩm sáng lập và lãnh đạo của Tỉnh, Huyện Giáo Hội Phật giáo suốt đời xả thân vì Ðạo pháp.
Công đức của ngài thật là to lớn.
Nay nghe tin ngài đã về cõi Phật cách đây 4 năm, kẻ hậu sinh xin ghi lại đôi dòng tiểu sử của Ngài và của ngôi Chùa Phật Quang do ngài sáng lập... để thay nén hương thắp trước Long Vị Ngài thờ tại Tổ đình Thiên Bửu hạ và những ngôi chùa do ngài tạo ra.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
VINH HỒ sưu tầm (Orlando, 10-5-2004)
- Căn cứ lời kể của Thượng Tọa Hạnh Hải năm 1993.
- Căn cứ tài liệu của Sư cô Thích Nữ Tịnh Thường.
(*) Những bài viết của Vinh Hồ về các ngôi chùa ở Ninh Hòa đăng trên Ninh-Hoa. Com trong điều kiện khó khăn và hạn chế về sử liệu, nếu có điều chi nhầm lẫn thiếu sót, kính mong quý Chư Tôn Ðức, quý Vị Trụ Trì, quý Ðạo Hữu... mở lòng từ bi điều chỉnh bổ túc cho, xin đa tạ. VH.