Cụm di tích đình - chùa Khương Trung toạ lạc trên vùng đất gắn với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Thuở Hùng Vương dựng nước có hai võ tướng là Trần Minh và Trần Quang, quê Vĩnh Phú đã cùng vua Hùng thứ 18 đánh giặc bảo vệ đất nước, giúp dân Khương Trung làm ăn. Khi mất hai ông được thờ làm thành hoàng làng. Ngoài ra, ở đây còn có một bàn thờ riêng cho mẹ con bà Trịnh Thị Quý, thời Trịnh. Bà quê ở Nam Định, không có con trai nên đã cúng hết ruộng vào chùa và được thờ ở đình làng.
Chùa Khương Trung toạ lạc trên vùng đất gắn với nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc
Xem thêm: Khách sạn giá hấp dẫn tại Hà Nội
Đây cũng là nơi diễn ra nhiều chiến thắng lớn của quân dân ta hồi thế kỉ XV. Tháng 10/1426, khi nghĩa quân Lê Lợi vây Đông Quan, tướng nhà Minh là Viên Lượng mang quân giải vây, quân ta phục ở Nhân Mục tiêu diệt trên 1000 quân giặc và bắt sống Viên Lượng. Tháng 11/1426, quân giặc đánh ra vùng Bình Đà (Thanh Oai), ta đã nhữ giặc về phía Hà Đông, tiêu diệt hàng nghìn tên, bắt sống trên 500 tên.
Trong chiến thắng Kỉ Dậu (1789), quân Tây Sơn đã phối hợp cùng dân binh vùng này diệt quân giặc ở vùng Đống Đa.
Trong kháng chiến chống Pháp, sau trận đánh vào sân bay Bạch Mai năm 1948, giặc Pháp đã phá huỷ đình - chùa Khương Trung. Căn cứ vào hai sắc phong năm Khánh Đức thứ 4 (1652) và năm Quang Trung thứ 3 (1790) thì có thể thấy đình - chùa có sớm hơn.
Đình Khương Trung xây trên nền đất cao có tam quan, đại đình và hậu cung. Đại đình có năm gian, hậu cung ba gian là nơi thờ chính hai vị thành hoàng, có long đình chạm trổ tinh xảo. Ngoài đại đình còn có một quả chuông, một chiếc trống và một tấm bia. Các di vật có trong đình bao gồm: hai đạo sắc phong, một thần phả, hai pho tượng Thành hoàng, long ngai, bài vị, một kiệu long đình, hai bia, một bộ bát bửu, hoành phi.
Chùa có tiền đường năm gian, hậu cung ba gian
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Hà Nội
Chùa Khương Trung ở bên trái cửa đình tam quan, thẳng hàng với đình. Tam quan có bảng đề Khương Trung tự. Chùa có tiền đường năm gian, hậu cung ba gian. Trong chùa còn có một quả chuông cao 1,1m, rộng 0,4m, hai hoành phi, hai câu đối, 11 pho tượng, bức cửa võng chạm thủng tinh xảo.
Đây là cụm di tích có từ khá lâu đời. Các di vật đều khá điển hình (tượng, chạm trổ). Đình chùa hiện nay đã được sửa chữa lại nên vững chải hơn và có xây dựng thêm nhà khách và tường bao quanh nên cảnh quan được bảo vệ tương đối đẹp đẽ, hài hoà, xứng đáng với Thăng Long Bát cảnh xưa.
Đình và chùa Khương Trung đã được công nhận là Di tích Văn hoá - Lịch sử năm 1993.
0 Thích