1. Chợ Nổi Dumnoen Saduak có lẽ cũng được hình thành như vậy và hiện được khai thác thành những tour du lịch. Những tour này được tổ chức chặt chẽ, người ta cần đăng ký hôm trước tại một khách sạn và được đón đi bằng ô tô từ sớm hôm sau, qua một phố nhỏ có người hướng dẫn liếng thoắng một hồi về chương trình rồi gắn miếng dán mầu xanh lên áo từng người để nhận biết khách.
Đến nơi lại có người hướng dẫn khách lên thuyền đi vào trong chợ. Cả khu vực chợ được quy hoạch vuông vức, đường đi lại chính là những kênh rạch và cầu nối các khu đất với nhau. Cửa hàng làm sát mặt nước, nên thuyền du lịch thường đi chậm và ghé sát sạp hàng cho người ta nhìn ngắm và chủ hàng chào đón. Hàng hóa phần nhiều là đồ thủ công mỹ nghệ Thái, áo quần, đồ ăn và những con rối, mặt nạ từ Bali.
Chương trình đi thuyền được chia thành hai phần - đi vòng quanh chợ qua các ngõ ngách và đi vòng vào làng nổi rồi ra bãi tập kết quay về ô tô. Rất nhiều thuyền cư dân bán hàng ăn trên mặt nước cơm phở, hoa quả hấp dẫn. Cách ăn mặc nói năng của họ cho thấy nhiều người có gốc người Hoa đánh cá từ miền Nam Trung Quốc, và phần đông đã hòa huyết với người Thái.
Tôi hỏi một chị bán hàng, chị cho biết chị có 20% là người Hoa, 80% là người Thái, nhưng không nói được tiếng Hoa nào.
Các con thuyền được làm rất tốt, trong chợ chúng liên tục cọ vào nhau, do kênh nhỏ và thuyền đông, người chèo thuyền rất khéo léo cũng như nhường nhịn nhau để tránh gây tai họa, tuy nhiên thuyền cũng liên tục chao đảo khi có những con đò máy chạy qua.
Người Thái giỏi kinh doanh với thái độ mềm mỏng giúp đỡ nhau, khiến không có một cãi vã nào trong phiên chợ tưởng như bát nháo. Tất cả đã được thuơng mại hóa đến từng chi tiết, cho đến khi bạn móc nhẵn túi tiền ra thì thôi mà vẫn có cảm giác nên ở lại, đến nữa cái khu chợ kỳ lạ này.
2. Từ chợ Nổi, làng xóm chạy dài theo các kênh lớn, hai bên là nhà sàn làm trên mặt nước, hoặc bán địa bán thủy. Mực nước chắc cũng ổn định, vì nhà cũng không cao lắm so với mực nước. Càng đi xa cây cối càng rậm rạp trở thành những khu rừng nổi hoang vu và kênh rạch đầy bèo, cũng không được sạch sẽ lắm.
Tôi không rõ hiện người ta dùng nước gì sinh hoạt, nhưng nước trong kênh khá ô nhiễm cùng nhiều rác nổi, tuy chưa quá tệ. Có lẽ xưa kia nước dòng kênh là nơi chính để tắm giặt, rửa rau vo gạo, còn nước ăn thì hứng nước mưa đựng vào những chum lớn, hiện vẫn còn ở trong làng.
Cư dân thờ một nữ thần, không biết tiếng Thái gọi là gì, nhưng tiếng Hán thấy đề là “Thủy vỹ Thánh nương” - chữ vỹ ở đây là cái đuôi, vậy đây có thể là nữ thần sông nước cuối nguồn. Nước kênh rạch nối với con sông nào tôi cũng chưa rõ.
Du khách nước ngoài trên chợ nổi
3. Đất Thái tương đối bằng phẳng ngay cả các vùng giáp núi non phía bắc như Chiang Rai và Chiang Mai, còn xuôi về phía Nam ra biển là những đồng bằng mênh mông, sông ngòi thì không có đê.
0 Thích