Chợ Đông Ba nằm dọc theo bờ bắc sông Hương, bên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Huế, cách cầu Trường Tiền khoảng 100m về phía bắc. Chợ Đông Ba là trung tâm thương mại lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế và khu vực.
Chợ Đông Ba dưới thời vua Gia Long tọa lạc ở bên ngoài cửa Chánh Đông (cửa Đông Ba). Sau biến cố kinh thành Huế 1885 chợ bị thực dân Pháp triệt hạ. Năm 1887, vua Đồng Khánh cho xây dựng lại lấy tên là Đông Ba. Năm 1899, vua Thành Thái cho dời chợ Đông Ba về vị trí hiện nay. Trải qua thời gian chợ Đông Ba đã nhiều lần tu sửa với diện tích 47.614m2 từ cầu Gia Hội đến cầu Trường Tiền, một mặt là sông Hương, một mặt là phố chính Trần Hưng Đạo, chợ Đông Ba có kiến trúc ba lầu vuông vức với hàng ngàn lô hàng đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá của nhân dân.
Chợ Đông Ba thời Pháp thuộc - Ảnh: Sưu tầm
Chợ Đông Ba thời Pháp thuộc - Ảnh: Sưu tầm
Ngoài vị trí là một trung tâm thương mại lớn của Tỉnh, với lịch sử hơn 100 năm xây dựng và phát triển chợ Đông Ba còn là nơi có truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngay từ khi mới thành lập tầng lớp tiểu thương chợ Đông Ba đã tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh chống sưu thuế, chống bắt lính, ủng hộ hoạt động của các nhà yêu nước.
Chợ Đông Ba thời Pháp thuộc - Ảnh: Sưu tầm
Chợ Đông Ba ngày nay - Ảnh: Sưu tầm
Ngày 17 tháng 6 năm 1954, trên 400 tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia đoàn biểu tình hơn hai vạn người dưới sự chỉ đạo của Thành uỷ Huế, ủng hộ quan điểm của Đoàn đại biểu nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà tại Hội nghị Giơ-ne-vơ. Cuộc mittin đã thắng lợi gây tiếng vang lớn trong cả nước, từ 1954 đến 1975 lực lượng tiểu thương chợ Đông Ba đã tham gia, tổ chức 255 cuộc biểu tình, xuống đường, sát cánh cùng các tầng lớp nhân dân, trí thức, học sinh, sinh viên đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai...
Chợ Đông Ba ngày nay - Ảnh: Sưu tầm
Chợ Đông Ba ngày nay - Ảnh: Sưu tầm
Trong cuộc đấu tranh đó, nhiều tiểu thương đã trưởng thành và trở thành những cán bộ kiên cường của cách mạng, nhiều chị là cơ sở bí mật, nuôi giấu cán bộ, nhiều chị đã anh dũng hy sinh trong các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù, mặc dù bị giam cầm, tra tấn tù đày nhưng chị em tiểu thương chợ Đông Ba vẫn trung kiên một lòng theo cách mạng, theo Bác Hồ. Những đóng góp của chị em tiểu thương chợ Đông Ba tô điểm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc.
Ghi nhận những thành tích công lao đó, năm 1975 Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã trao tặng chị em tiểu thương các chợ thành phố Huế nói chung, trong đó có sự đóng góp của chị em tiểu thương chợ Đông Ba phần thưởng cao quý Huân chương kháng chiến hạng nhất. Nối tiếp truyền thống đó giờ đây chợ Đông Ba vẫn xứng đáng là trung tâm thương mại của Tỉnh, tham gia tích cực các hoạt động đền ơn đáp nghĩa...
Bên trong Chợ Đông Ba - Ảnh: Sưu tầm
Trước khi chào tạm biệt thành phố Huế xinh đẹp, du khách đừng quên ghé qua chợ Đông Ba để mua cho mình những món đồ lưu niệm làm quà cho gia đình và người thân nhé!