Mytour blogimg_logo
Tags:
kinh nghiệm du lịchbãi biển Sầm Sơndu lịch Thanh Hóahải sản giá rẻnúi Trường Lệ
06/04/20233.8070

Ăn gì chơi gì và ở đâu khi đến Sầm Sơn hè 2025

Sầm Sơn là thị xã ven biển, phía đông tỉnh Thanh Hóa, Việt Nam. Thị xã Sầm Sơn là một trong những địa điểm du lịch biển khá nổi tiếng tại Việt Nam. Năm 2012, thị xã đã được công nhận là đô thị loại III. Cẩm nang này có cả số điện thoại do đích thân Chủ tịch Thị xã Sầm Sơn (Thanh Hóa) túc trực để hỗ trợ du khách.
 

ĐI BẰNG GÌ

 
Từ Hà Nội vào Thanh Hóa bằng xe khách hoặc tàu lửa đều thuận tiện. Xe khách khởi hành từ bến Mỹ Đình, Giáp Bát, các nhà xe như Hải Hiền, Hiền Hoa… cũng nhận đặt chỗ và hẹn địa điểm trước. Giá vé xe khách từ 60.000 - 100.000 đồng (tùy xe ghế ngồi hoặc giường nằm).

Xe khách thường dừng ở TP.Thanh Hóa nên có thể chuyển xe buýt để xuống Sầm Sơn, khoảng 10-15 phút sẽ có 1 chuyến. Nếu đi tàu thì giá vé 70.000-120.000 đồng tùy ghế cứng hay mềm. Ga Thanh Hóa chính là bến chính của xe buýt đi Sầm Sơn nên cũng rất thuận tiện.

Nếu du khách đi theo đoàn và không tự tổ chức thành tour được thì có thể liên hệ với các công ty lữ hành của Sầm Sơn đặt văn phòng tại Hà Nội, giá trọn gói chỉ khoảng 1,2 triệu đồng/khách, trong 3 ngày 2 đêm
 

CHỌN CHỔ Ở


Sầm Sơn có trên 3.500 cơ sở lưu trú với 8.000 phòng, tiêu chuẩn 2-4 sao, giá khoảng 400.000 đồng/ngày đêm trở lên. Nếu muốn một không gian riêng và dịch vụ tốt thì có thể đến Vạn Chài resort tại khu sinh thái Quảng Cư, giá phòng từ 1,4-8,8 triệu đồng/ngày đêm.

Một số khách sạn đáng chú ý ở Sầm Sơn - Ảnh: sưu tầm

Với ngân sách vừa phải, có thể chọn các khách sạn trên đường Hồ Xuân Hương sát mép biển để tiện tắm biển và ngắm bình minh. Muốn có phòng giá rẻ, có thể tìm các khách sạn, nhà nghỉ cách bãi biển 500-700 m sẽ có phòng giá chỉ 200.000-250.000 đồng/ngày đêm.
 

TẮM BIỂN AN TOÀN


Ít người biết sẽ an toàn hơn nếu tắm biển ở nơi có sóng bạc đầu. Vào những ngày có sóng to, gió lớn, ở biển Sầm Sơn thường hình thành một số dòng chảy xa bờ rất nguy hiểm. Theo các nhân viên cứu hộ, dòng chảy xa bờ hình thành do các đợt sóng đưa nước biển tiến sâu vào bãi cát, khi rút ra sẽ tạo thành những rãnh sâu bất thường.

Bãi biển đông đúc ở Sầm Sơn - Ảnh: sưu tầm

Những rãnh sâu này thường không cố định mà xuất hiện tùy vào sóng, gió. Trước khi xuống tắm, du khách nên dành một vài phút để quan sát, nhằm tránh khu vực nguy hiểm này. Cần đặc biệt chú ý là khu vực có dòng chảy xa bờ thường tương đối tĩnh lặng, ít sóng nên làm cho nhiều người có cảm giác an toàn. 

Ngược lại, ở nơi có nền cát phẳng và chắc, khi sóng tràn vào thường tạo ra bọt trắng, tức sóng bạc đầu. Chính vì vậy, du khách nên chọn những khu vực có sóng, thậm chí sóng bạc đầu để tắm.

Không nên tắm ở những bãi hoang vắng và không chắc ăn toàn - Ảnh: sưu tầm

Tại bãi tắm Sầm Sơn luôn có một đội cứu hộ với gần 50 người. Từ đầu hè 2013 đến nay, lực lượng này đã cứu hộ thành công hơn 200 du khách bị đuối nước, say sóng, say nắng, chuột rút… khi tắm biển.
 

ĂN HẢI SẢN


Đây chính là công đoạn du khách dễ bị “chặt chém” nếu chủ quan trong chọn món. Hầu hết các nhà hàng đều niêm yết giá nhưng trước khi gọi, cần hỏi kỹ giá từng món. Ví dụ, muốn gọi mực khô thì nhất định phải hỏi giá và tự tay chọn mực, sau đó yêu cầu nướng nguyên con, tránh bị đánh tráo.


Nếu mua cua bể rồi nhờ các chủ quán luộc thì nên giám sát nhà bếp, đừng để họ đổ nhiều nước, cho nhiều muối làm cua bị chát, õng nước, mất ngon, sau đó nói rằng chỉ có cua của họ mới ngon.

Chọn mua cua hay nhờ chủ quán làm hộ đều phải cẩn thận - Ảnh: sưu tầm

Giá cả tại các bãi A, B, C thường cao hơn so với ở bãi D do bãi này ít khách lưu trú. Vì vậy, có thể đi xe điện đến khu vực này hoặc khu sinh thái Quảng Cư để thưởng thức hải sản. Hàng quán ở đây dựng giữa rừng phi lao sát biển nên thoáng mát, yên tĩnh.

Do hải sản nuôi thường có giá thấp hơn hải sản đánh bắt từ 100.000 - 150.000 đồng nên các nhà hàng, khách sạn ở Sầm Sơn thường trộn lẫn 2 loại này với nhau, rồi bán theo giá hải sản đánh bắt để ăn chênh lệch.

Ví như cua bể đánh bắt tự nhiên hiện rất hiếm, các nhà hàng hầu hết đều bán cua nuôi nên chỉ còn cách chọn cua nuôi ngon hay không ngon. Cụ thể, khi chọn mua cua gạch, hãy nhìn kỹ những cái gai ở phía rìa mai cua và nên chọn những con có đầu gai màu trắng. Giá cua ở Sầm Sơn hiện dao động từ 500.000-600.000 đồng/kg. Chọn ghẹ cũng vậy.


TÌM CHỔ CHƠI

 
Ngoài bãi tắm, Sầm Sơn còn có núi Trường Lệ cao 76 mét nằm sát biển với các vách đá dựng đứng hùng vĩ và lãng mạn. Trên núi có đền Độc Cước, đền Cô Tiên, đền Tô Hiến Thành... hoặc nền móng những biệt thự Pháp xây dựng đầu thế kỷ 20. Cũng không nên bỏ qua hòn Trống Mái, một biểu tượng của Sầm Sơn trên núi.

Trên núi Trường Lệ còn có nhiều bãi cỏ rộng, nhiều bóng thông già mát rượi, phía dưới là những ghềnh đá đầy sóng bạc đầu, là điểm cắm trại và vui chơi ngoài trời lý tưởng. Dưới cùng là Vụng Tiên hoang sơ, vắng vẻ, là bãi “tắm tiên” tự phát ít người biết đến.

Lên núi Trường Lệ tham quan chụp ảnh - Ảnh: sưu tầm
 

Các khách sạn, các đơn vị tổ chức tour đều sẵn sàng nối tour trong ngày từ Sầm Sơn tới các di tích, danh thắng tại Thanh Hóa với mức giá từ 250.000-350.000 đồng/người, gồm phương tiện đi lại, hướng dẫn viên và bữa trưa.

Bạn có thể đi thăm thành nhà Hồ thuộc H.Vĩnh Lộc, suối cá thần ở làng Ngọc, Xã Cẩm Lương, H.Cẩm Thủy, đền thờ Bà Triệu tại núi Gai, thuộc làng Phú Điền, H.Hậu Lộc, động Từ Thức còn gọi là Bích Đào, thuộc xã Nga Thiên, H.Nga Sơn...

Ngoài ra, cách Sầm Sơn 60 km là Vườn quốc gia Bến En thuộc H.Như Thanh. Đây là một khu vực có núi, sông, hồ rộng trên 16.000 ha với nhiều loại động, thực vật quý hiếm như voi, gấu, hổ, khỉ; lim, lát hoa, chò chỉ, vù hương, săng lẻ, có cây lim hơn 1.000 năm tuổi.

Ngoài xe ôm, xe đạp đôi cho thuê, Sầm Sơn còn có xe điện gắn đồng hồ tính cước, giá 30.000 đồng/km đầu tiên và giảm dần ở các km tiếp theo. Nên đi xe có đồng hồ và bảng giá cước, nếu không có là xe “dù”, thường ép khách. Xe đạp đôi tại Sầm Sơn cho thuê với mức giá khoảng 50.000 đồng/giờ và có thể mặc cả.

Bến En rộng lớn vô ngàn - Ảnh: sưu tầm

Bến En có hồ rộng hơn 4.000 ha với 21 hòn đảo, có thể bơi thuyền ngắm cảnh trời nước hoặc khám phá các hang Ngọc, hang Cận, ngắm thú rừng ra uống nước...
 

ĐỂ KHÔNG BỊ LUỘC


Trên bãi biển Sầm Sơn thường có những lâu đài cát rất đẹp của các thợ ảnh. Nếu bạn đứng cạnh để chụp ảnh, họ sẽ đòi nhiều tiền. Nếu muốn chụp, hãy hỏi trước, khi đó chỉ phải trả 5.000-10.000 đồng cho một kiểu ảnh.

Cẩn thận nếu muốn chụp ảnh lưu niệm nhé - Ảnh: sưu tầm

Muốn mua hải sản, có thể đến chợ Cột Đỏ, P.Trường Sơn. Lưu ý là không nên nhờ taxi, xe ôm, xe xích lô vì họ có thể ăn phần trăm của các hàng hải sản khiến giá đắt lên khoảng 20%.

Ngoài ra, trên đường trở về có thể dừng tại TP.Thanh Hóa và vào chợ Điện Biên trên đường Phan Chu Trinh để mua đủ loại hải sản với giá tốt. Muốn mua nem chua đặc sản thì đến đầu đường Trường Thi tìm các cửa hàng Tím Diệp và Thủy, là hai hãng nem ngon có tiếng ở Thanh Hóa.

Nếu đã thuộc hết các “mẹo” kể trên mà vẫn bị chặt chém, hãy gọi cho số điện thoại 0913.568.937. Đây là số điện thoại do đích thân Chủ tịch và Phó chủ tịch TX.Sầm Sơn túc trực để xử lý các tiêu cực trong hoạt động du lịch, nhất là các vụ chặt chém, ép khách. Trước khi đến Sầm Sơn, hãy “thủ” sẵn số điện thoại này, phòng khi hữu sự!
mytourblogs.com - Nguồn: Tổng hợp

0 Thích

Đánh giá : 4.7 /272