Vào khoảng độ cuối tháng 8 là bắt đầu mùa nước nổi miền Tây. Chỉ sau một đêm thức giấc, nước từ thượng nguồn sông Mekong đã tràn về, ngập trắng những cánh đồng của Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ. Mùa nước nổi về, du khách từ khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài thích thú về miệt thứ miền Tây để du ngoạn cảnh sắc của rừng tràm Trà Sư, Tràm Chim, Làng Sen… Tuy nhiên, nếu về miền tây mùa này mà không thưởng thức những món đặc sản dưới đây thì có thể nói là chuyến đi của bạn không hề trọn vẹn.
Khi lũ bắt đầu tràn về thì cũng là lúc cá linh từ thượng nguồn sông Tiền, sông Hậu lên đồng để đẻ. Những con cá linh lúc này nhỏ bằng mút đũa, gọi là cá linh non. Cá linh là loài cá trắng, thân nhỏ, vảy nhuyễn và mềm. Cá còn non thì ngọt thịt, hầu như không có xương, béo. Khi nấu, cá không cần đánh vẩy, lấy mật, chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt là nấu được rồi.
Cá linh là món ăn đặc trưng của miền Tây mùa nước nổi - Tác giả: Huy Lưu
Dọc theo Quốc lộ 1A trên đường từ thành phố Hồ Chí Minh chạy xuống các tỉnh miền Tây, sẽ thấy các biển hiệu “Đặc sản lẩu miền Tây”, “Lẩu mắm miền Tây” dày đặc. Nếu đi miền Tây vào mùa cá linh (từ tháng 7 đến tháng 10 Âm lịch) thì nên ghé vào ăn lẩu mắm để thưởng thức hương vị mặn mà của vùng sông nước vào mùa lũ.
Nguyên liệu chính là những con cá linh non, thịt còn mềm, béo. Nước lẩu có thể là nước dần me đối với những ai yêu thích mùi vị lẩu chua, hoặc có thể nấu từ mắm cá linh đối với những ai yêu thích cái hương vị đậm đà nơi đầu lưỡi. Rau ăn kèm lẩu có thể bao gồm: bông súng, rau dừa, rau ngổm kèo nèo, bông điên điển, đọt sộp, đọt lụa… Ở thành phố không có những loại rau vườn này người ta dùng: giá, rau sống, xà lách, cải chua, rau muống chẻ…
Hương vị của lẩu cá linh sẽ khiến bạn không thể quên - Tác giả: Huy Lưu
Xem thêm: Các khách sạn giá tốt ở An Giang
Cái tên thôi đã cho thấy sự độc lạ của món ăn này: cá linh kho chung với mía.
Món cá linh khi mía đậm đà - Tác giả: vietnamhotel
Cá linh má chỉ moi ruột, rửa sạch để ráo, không đánh vẩy bỏ đầu, vì khi kho với mía đầu cá sẽ rất mềm và ngon. Cây mía, róc bỏ vỏ, chẻ từng miếng nhỏ để sẵn, cộng thêm nước dừa xiêm để mùi vị đậm đà, thơm, ngọt hơn. Sau khi chuẩn bị xong, ướp cá với gia vị (đường, muối, bột ngọt, đầu hành lá giã nhuyễn, một ít nước mắm ngon…) chờ khoảng 15 phút cho thấm. Xếp mía thành một lớp dưới đáy nồi, rồi cho cá, nước dừa xiêm vào ngập xâm xấp. Để cá thấm đều gia vị thì dùng vĩ tre chèn trên mặt để cá ngập đều trong nước dừa, đậy nắp vung lại đặt nồi lên bếp đun với ngọn lửa riu riu cho đến khi nước dừa rút cạn, cá chín, xương mềm rục là được (khoảng 5 tiếng). Cuối cùng cho thêm vào một ít tiêu xay, vài trái ớt hiểm chín, thế là có ngay một nồi cá kho thơm ngon phưng phức, ăn chung với cơm chẳng có gì bằng.
Bông điên điển nở rộ, không chỉ mang lại một màu vàng rực trang trí cho cảnh quan đồng đằng sông Cửu Long mà còn là loài hoa mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Giá 1kg bông điên điển khoảng từ 50.000 đến 70.000 đồng tùy từng thời điểm.
Nguyên liệu gồm tép cắt râu làm sạch, bông điên điển tươi, ớt Đà Lạt xắt khoanh và các loại gia vị.
Cách làm rất đơn giản: Bắc chảo lên bếp, phi tỏi cho thật thơm rồi cho tép vào xào sơ. - Chờ đến khi tép chín và ửng đỏ, cho bông điên điển và ớt vào xào nhanh qua, nêm muối, bột nêm cho vừa ăn rồi tắt lửa. Xúc bông ra đĩa, dùng nóng với cơm.
Món ăn dân dã bông điên điển xào tép - Tác giả: báo ngoisao
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại An Giang
Ngoài cá linh thì cá rô đồng nấu với bông điên điển cũng là một món đặc sản không thể không nhắc đến. Món canh chua với đầy đủ các loại nguyên liệu cần thiết: bạc hà, cà chua, giá chín, và đặc biệt nhất là những con cá rô đồng mập mạp nằm sâu bên dưới. Phía trên rắc thêm rau thơm, rau om, vài lát ớt đỏ tươi khiến món ăn trông rất hấp dẫn, đẹp mắt.
Những chú cá rô để nguyên con, được gắp ra bỏ vào đĩa nước mắm tỏi ớt làm cho miếng cá càng ngon hơn bao giờ hết. Còn bông điên điển thì không bỏ chung vào trong canh mà khi nào ăn người ta sẽ gắp và nhúng vào canh đang sôi. Món canh này thưởng thức một lần rồi hẳn bạn sẽ không thể nào quên cái đậm đà của nước lẩu, cái ngọt thơm từ thịt cá rô đồng và cái vị chua chua, giòn giòn của bông điên điển.
Canh chua cá rô đồng nấu với bông điên điển - Tác giả: báo vietnamnay
Chuột đồng là món đặc sản của miền Tây nhưng không phải du khách nào cũng dám thử. Có nhiều người, đặc biệt là nữ, nghe đến thịt chuột thôi đã nổi cả da gà. Nhưng ai đã có can đảm ăn thì chắc chắn sẽ không thể quên được món khoái khẩu này của dân miền Tây.
Chuột mùa nước lũ múp míp vì ăn lúa được nhúng vào nước sôi để làm sạch lông, nướng để khử mùi tanh, ướp ngũ vị hương, sả, ớt, tỏi, đường, muối rồi khìa trên chảo mỡ hoặc dầu ăn. Đợi cho thịt săn, đổ nước dừa xiêm vào xâm xấp, đun lửa liu riu cho nước cạn, thịt ngả màu vàng ruộm.
Chuột đồng khìa nước dừa vàng ươm, béo ngậy - Tác giả: dietmoitoanquoc
Người miền Tây cho rằng, chuột đồng khìa nước dừa chấm với cẩm tương (tương xay, sả, ớt, tỏi, nước cốt dừa, đậu phộng rang đâm nhuyễn với đường), ăn với rau rừng mới là sành điệu.
Về miền Tây mùa này, đi đến đâu cũng thấy mời gọi món đặc sản chuột đồng nhưng vùng Cao Lãnh của Đồng Tháp mới là nơi nổi tiếng với món ngon đặc biệt này. Chuột nướng lu phải là những chú chuột béo ăn no lúa trước khi lũ tràn về. Chuột được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị trong khoảng 15 phút, sau đó móc từng con cho vào lu, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, khoảng một tiếng sau thì chuột chín vàng. Khi chín, mở nắp lu, nhòm những chú chuột đồng đang chín vàng, mùi thơm hấp dẫn được bày ra với muối tiêu chanh, rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo. Vậy là ta đã có một đĩa chuột nướng lu với da giòn tan, thịt thơm và mềm thật là ngon.
Món chuột đồng nướng lu nổi tiếng vùng Cao Lãnh, Đồng Tháp - Tác giả: pidivn travel
Xem thêm: Các khách sạn giá tốt ở Cao Lãnh, Đồng Tháp
Về miền Tây du lịch mùa nước nổi, các bạn đừng quên thưởng thức những món ăn dân dã, quê kiểng nhưng lại đậm đà hương vị của vùng đồng bằng Nam Bộ này nhé.
Daisy - mytourblogs.com
0 Thích